GIÁO KHOA PHẬT HỌC
Cấp Hai
Nguyên tác Hán ngữ của PHƯƠNG LUÂN cư sĩ
Cư sĩ HẠNH CƠ dịch và chú thích bổ túc
| mục lục sách |
Bài 27
CÁCH PHÁN GIÁO của CÁC TÔNG
(phần 1)
Đức Thích Tôn đã ứng theo nhiều loại căn cơ mà giảng dạy nhiều loại pháp môn, cho nên trong 49 năm, những gì Ngài đã nói trong thời kì đầu tiên, thời kì giữa và thời kì sau cùng, đều không giống nhau.
Phật giáo sau khi đã đuợc truyền vào Trung- quốc, các vị học giả nơi đây đã cứ theo kiến giải của chính mình, đem giáo thuyết của đức Thế Tôn phân ra có bao nhiêu thời kì, bao nhiêu bộ loại, nhằm giúp các nhân sĩ học Phật và nghiên cứu kinh điển, có đuợc đầu mối để tra cứu, khảo sát tìm hiểu dễ dàng hơn; công việc đó gọi là “phán giáo”. – “Phán” tức là phân biệt các hình trạng giống và khác nhau; “giáo” tức là những lời dạy của thánh nhân độ thế1.
Từ thời đại nhà Đuờng cho đến nay, từng có đến 20 nhà làm công việc phán biệt giáo tuớng(1) này. Ở đây xin chọn một số nhà trọng yếu và phổ biến hơn hết, và xin đuợc trình bày nhu sau:
CÁCH PHÁN GIÁO của TÔNG THIÊN THAI (2)
Tông Thiên Thai2, đại su Trí Giả3 đã chia giáo pháp đức Thích Tôn đã nói ra làm “5 thời và 8 giáo”. 5 thời là theo thời gian truớc sau mà phân chia, tức: thứ nhất, thời Hoa-nghiêm; thứ nhì, thời Lộc-uyển; thứ ba, thời Phuơng-đẳng; thứ tu, thời Bát-nhã; và thứ năm, thời Pháp-hoa Niết-bàn.4 8 giáo là y cứ vào tính chất của giáo pháp mà phân chia. Trong 8 giáo lại chia ra có 4 giáo hóa pháp và 4 giáo hóa nghi. Hóa pháp là các pháp môn dùng để hóa độ chúng sinh, gồm có: 1, tạng giáo; 2, thông giáo; 3, biệt giáo; và 4, viên giáo.5 Hóa nghi là các nghi thức dùng để hóa độ chúng sinh, gồm có: 1, đốn giáo: đối với hạng nguời thuợng căn thì nói những pháp môn cao sâu nhu biệt giáo hay viên giáo; 2, tiệm giáo: đối với hạng nguời hạ căn thì chỉ dạy dần dần, từ cạn đến sâu, tuần tự mà tiến lên; 3, bí mật giáo: dùng sức thần thông và trí tuệ không thể nghĩ bàn, khiến cho thính chúng mỗi nguời tự lĩnh hội lấy, nguời này không thể biết đuợc kiến giải của nguời kia; 4, bất định giáo: dùng sức thần thông và trí tuệ không thể nghĩ bàn, khiến cho thính chúng nghe hiểu đều khác nhau, chứng quả không giống nhau, có nguời nghe pháp thấp cạn mà lại chứng quả cao, có nguời nghe pháp cao sâu mà lại chứng quả thấp.
CÁCH PHÁN GIÁO của TÔNG HOA NGHIÊM (3)
Tông Hoa Nghiêm6 đã đem tất cả kinh giáo chia làm 5 môn7, tức: 1, tiểu thừa giáo: chỉ cho 4 bộ kinh A Hàm và các bộ luận Phát Trí, Bà Sa, trong đó hàm chứa các pháp môn nhằm đạt đến chỗ tâm trí nguội lạnh mà chứng nhập niết bàn; 2, đại thừa thỉ giáo: chỉ cho kinh Giải Thâm Mật và các bộ luận Duy Thức, trong đó phân biệt 5 loại chủng tánh8, thành lập thuyết “vạn pháp là y tha khởi”9, đó là tướng thỉ giáo; còn kinh Bát Nhã và Ba Bộ Luận10 thì nói “các pháp đều không”, nêu rõ giáo nghĩa “vô sở đắc”, đó là không thỉ giáo; cả hai loại thỉ giáo này đều không khai thị giáo nghĩa “tất cả chúng sinh đều có Phật tánh”, cho nên chỉ có thể nói đó là đại thừa thỉ giáo; 3, đại thừa chung giáo: chỉ cho kinh Lăng Già, luận Khởi Tín v.v…, trong đó hiển thị lí “chân nhu duyên khởi”11, nói rõ tất cả chúng sinh đều thành Phật đạo; 4, đốn giáo: đối với những chúng sinh đốn căn12, đức Phật thuờng “ứng cơ nói pháp”, không nhất thiết phải y theo một con đuờng cố định nào, chỉ cần thúc đẩy cho tâm đốn ngộ của kẻ đối cơ bừng sáng, nhu ngài Tịnh Danh không nói một lời13, nhu đức Thế Tôn cầm cành hoa đua lên14; 5, viên giáo: trong các kinh Hoa Nghiêm, Pháp Hoa, đức Phật mở ra các pháp môn viên dung không thể nghĩ bàn, gom ba thừa vào trong một Phật thừa15.
CÁCH PHÁN GIÁO của TÔNG DUY THỨC (4)
Tông này, từ truớc khi phán giáo đã phân biệt có hai loại căn cơ là đốn ngộ và tiệm ngộ. Nếu là căn cơ đốn ngộ, thì dù nghe có hay nghe không đều có thể qui về đệ nhất nghĩa mà chứng trung đạo, không cần phải thứ lớp truớc sau gì cả; nếu là căn cơ tiệm ngộ, thì truớc tiên phải dùng giáo pháp phuơng tiện, rồi tuần tự mới đi vào giáo pháp cứu cánh. Căn cứ vào đó, tông này đã đem kinh giáo của đức Phật chia làm 3 thời: thứ nhất, phàm phu và ngoại đạo vọng chấp 5 uẩn là thật ngã, nhân đó mà khởi hoặc tạo nghiệp, trầm luân sinh tử. Để phá trừ vọng chấp kia, đức Phật đã thuyết kinh A Hàm tại vuờn Nai, giúp cho các hành giả tiểu thừa thấy rõ ngã chẳng qua chỉ là 5 uẩn16, 12 xứ17 và 18 giới18 giả hợp làm thành. Nếu phân tích chi li thêm nữa thì chỉ có pháp chứ không có ngã. Đó là “ngã không pháp hữu luận”, thuộc về tiểu thừa hữu giáo. Thứ nhì, hàng nhị thừa ban đầu nghe “hữu giáo”, tuy hiểu đuợc ngã là không thật có, nhung vẫn còn chấp vào pháp là thật có. Để phá trừ tu tuởng chấp pháp này, đức Phật đã tiếp tục thuyết các kinh Bát Nhã để chỉ rõ tất cả các pháp đều không có tự tánh, tất cả đều là không. Đó là “ngã pháp nhị không luận”, thuộc về đại thừa không giáo. Thứ ba, đức Phật sợ các hành giả sau khi nghe “không giáo” lại khởi tu tuởng chấp không, tức là cho rằng cả chân và tục đế19, tánh và tuớng đều rỗng không; nhu thế thì còn có pháp gì để tu?! Có quả Phật nào để thành?! Rốt cuộc bị rơi vào chỗ “đoạn diệt không”! Bở vậy đức Phật mới thuyết các kinh như Giải Thâm Mật v.v… để diễn bày giáo nghĩa “3 tánh”20 v.v… của lí Duy Thức, chỉ rõ cái tánh viên thành thật, cảnh thì không mà thức thì có, làm cho hành giả chứng nhập thật tướng trung đạo. Đó là “cảnh không tâm hữu luận”, thuộc về đại thừa trung đạo giáo.
CHÚ THÍCH
- Độ thế tức là tế độ thế gian.
- Tông Thiên Thai do đại sư Trí Giả đời Tùy sáng lập. Vì đại sư ở núi Thiên-thai, cho nên đã lấy tên núi đặt tên cho tông phái. Tông này đã lấy các kinh Pháp Hoa, Niết Bàn, Đại Phẩm Bát Nhã và luận Đại Trí Độ làm giáo nghĩa chủ yếu, và xương minh diệu lí “nhất tâm tam quán ”.
- Trí Giả là pháp hiệu do vua ban cho đại sư Trí Khải đời Tùy.
- Xin xem lại đoạn 2 của bài 3, sách Sơ Cấp Phật Học Giáo Bản.
- Xin xem lại chú thích số 10, bài 3, sách Sơ Cấp Phật Học Giáo Bản.
- Tông này đã y cứ vào kinh Hoa Nghiêm mà lập tông, cho nên có tên là tông Hoa Nghiêm.
- Cũng gọi là Hoa Nghiêm ngũ giáo.
- Pháp Tướng tông chia căn cơ của chúng sinh làm 5 loại, gọi là “5 tánh ”: 1) Có loại chủng tử vô lậu có thể tu tập đến chứng quả A-la-hán, gọi là “định tánh Thanh-văn”. 2) Có loại chủng tử vô lậu có thể tu tập đến chứng quả Bích-chi Phật, gọi là “định tánh Duyên-giác”. 3) Có loại chủng tử vô lậu có thể tu tập đến chứng quả Phật, gọi là “định tánh Bồ-tát”. 4) Có loại có đủ cả hai hoặc ba loại chủng tử vô lậu ở trên, về sau sẽ chứng quả, nhưng không nhất định là quả vị nào, hễ duyên thành thục ở quả vị nào thì chứng quả vị ấy, gọi là “bất định tánh ”. 5) Có loại hoàn toàn không có loại chủng tử vô lậu nào thuộc ba thừa ở trên, mà chỉ có loại chủng tử hữu lậu có thể tu tập để làm nhân thiên mà thôi, gọi là “vô tánh ”.
- Y tha tức là y tha khởi, là một trong 3 tánh. Vạn pháp đều không có tự tánh, không thể tự mình sinh khởi, mà phải nhờ có đầy đủ các duyên khác mới sinh khởi được, gọi là tánh y tha khởi.
- Trung Luận, Bách Luận và Thập Nhị Môn Luận, gọi chung là “Ba Bộ Luận”.
- Tất cả sự vật đều nhờ nhiều duyên hợp lại mà sinh khởi, cho nên gọi là “duyên khởi”. Như lai tạng duyên khởi cũng gọi là chân như duyên khởi, có nghĩa rằng, tất cả các pháp đều y nơi bản thể chân như và hoạt dụng của nhân duyên mà sinh khởi các tướng sinh diệt. Nếu truy tìm nguồn gốc của chúng thì chân như không giữ tự tánh, vì do một niệm vô minh mà sinh khởi vạn pháp, cho nên gọi là “chân như duyên khởi”.
- Người có căn cơ đốn ngộ thì gọi là “đốn căn”.
- Duy Ma Cật dịch là Tịnh Danh. Trong kinh Duy Ma Cật Sở Thuyết, phẩm Nhập Bất Nhị Môn có chép: các vị Bồ-tát đều trình bày kiến giải của mình về pháp môn “bất nhị ”, chỉ riêng Duy Ma Cật là im lặng không nói năng gì. đó là ông cho mọi người thấy rõ cái thực thể “bất nhị ”.
- Kinh Đại Phạm Thiên Vương Vấn Phật Quyết Nghi có chép: Phạm Thiên đến núi Linh-thứu, dâng lên cúng Phật một cành hoa ba-la màu hoàng kim và thỉnh Phật thuyết pháp. Đức Thế Tôn cầm cành hoa đưa lên trước đại chúng mà không nói năng gì. Trong một lúc, cả trăm vạn thiên nhân đều không hiểu ý Phật, chỉ một mình tôn giả Đại Ca Diếp vui vẻ mỉm cười. Đức Phật liền truyền niết bàn diệu tâm cho tôn giả. Đó là khởi nguyên của Thiền tông.
- Kinh Pháp Hoa nói: Ban đầu đức Phật dùng giáo pháp ba thừa Thanh-văn, Duyên-giác và Bồ-tát để giáo hóa chúng sinh. Nhưng cuối cùng Ngài dạy cho tất cả đều thành Phật, cho nên đã gom cả ba thừa trước kia vào thành một thừa duy nhất, đó là Phật thừa; cho nên gọi là “hội tam qui nhất”.
- Xin xem lại bài học 27, sách Sơ Cấp Phật Học Giáo Bản.
- Xin xem lại bài học số 6, sách Trung Cấp Phật Học Giáo Bản.
- Như trên.
- Xin xem lại chú thích số 1 và số 2, bài 18, sách Trung Cấp Phật Học Giáo Bản.
- Đối với vũ trụ vạn pháp, tông Duy Thức thành lập 3 tánh: 1) So đo phân biệt khắp tất cả pháp rồi sinh ra mê chấp điên đảo, cho là có hoặc cho là không, gọi là tánh biến kế sở chấp. 2) Vạn pháp y nơi nhân duyên mà sinh khởi, gọi là tánh y tha khởi. 3) Bản thể của vạn pháp gọi là pháp tánh, cũng gọi là chân như; bản thể ấy chân thật viên mãn, trong sáng thường trú, đầy khắp hư không, gọi là tánh viên thành thật. Trong 3 tánh ấy, tánh biến kế là vọng có, tánh y tha là giả có, và tánh viên thành là thật có.
PHỤ CHÚ
(01) Giáo tướng: Tất cả giáo pháp đức Phật đã giảng dạy bao gồm nhiều sắc thái, giáo nghĩa sai khác nhau, gọi là “giáo tướng”. Nếu đem giáo tướng này ra để khảo sát, tìm hiểu, giải thích, phân loại v.v… thì gọi là “giáo tướng phán thích”, nói tắt là “giáo phán”, hay “phán giáo ”.
(02) Tông Thiên Thai: là một trong 13 tông phái của Phật giáo Trung-quốc (Tì Đàm tông, Thành Thật tông, Tam Luận tông, Niết Bàn tông, Luật tông, Địa Luận tông, Tịnh Độ tông, Thiền tông, Nhiếp Luận tông, Thiên Thai tông, Hoa Nghiêm tông, Pháp Tướng tông, Mật tông). Vì tông phái này được thành lập và đặt đạo tràng trung ương tại núi Thiên-thai, nên có tên là Thiên Thai tông, hay gọi tắt là Thai tông. Vả lại, tông này lấy kinh Pháp Hoa làm thánh điển chủ yếu để lập tông, nên cũng được là Pháp Hoa tông.
Núi Thiên-thai, cũng có tên là Thiên-thê, hay Thai-nhạc, nằm ở huyện Thiên-thai, tỉnh Triết-giang, cao 1.136 mét, gồm 8 ngọn lớn và nhiều ngọn nhỏ, với nhiều hang động, khe, suối, đầm, hồ, ao, từng nổi danh từ thời cổ, được rất nhiều đạo sĩ, ẩn sĩ chọn làm nơi ẩn cư. Tương truyền, Phật giáo đã bắt đầu khai thác núi này vào khoảng niên hiệu Xích-ô (238-251) thời Đông-Ngô, mà chùa Thanh- hóa là ngôi pháp vũ đầu tiên được xây cất trên núi này. Rồi những ngôi chùa khác trên núi cũng dần dần được kiến tạo vào những thế kỉ kế tiếp. Đến năm 575 (đời Trần, thời Nam-triều), đại sư Trí Khải (538-597) đã lên núi này, kiến lập chùa Tu-thiền (sau đổi tên là chùa Thiền-lâm) ở ngọn Phật-lũng để làm nơi tu thiền. Và chính tại nơi đây, ngài đã sáng lập tông Thiên Thai. Vào lúc cuối đời, ngài Trí Khải muốn dựng một ngôi chùa ở triền Nam của ngọn Phật-lũng, nhưng việc chưa thành thì ngài đã viên tịch (năm 597, đời vua Tùy Văn đế).
Vì đại sư Trí Khải chính là vị thầy truyền giới Bồ-tát cho thái tử Dương Quảng, cho nên, để cảm niệm ân đức của ngài, thái tử (lúc đó được phong là Tấn vương, nên sử gọi là Tấn vương Quảng) đã vì ngài mà thiết trai cúng dường 1.000 vị tăng, rồi hưng công xây cất ngôi chùa theo ước nguyện của ngài, đặt tên là Thiên-thai-sơn tự. Đó là một ngôi chùa thật hùng vĩ, xây xong thì vị cao đồ của đại sư Trí Khải là ngài Quán Đảnh (561-632) được mời làm trú trì. Từ đó, chùa Thiên-thai-sơn đã trở thành đạo tràng căn bản của tông Thiên Thai; các vị tổ sư của tông này cũng kế tiếp nhau trú trì tại chùa này. Năm 605, sau khi lên ngôi, vua Tùy Dạng đế (tức trước đó là thái tử Lí Quảng, hay Tấn vương Quảng) đã đổi tên chùa Thiên-thai-sơn thành chùa Quốc-thanh. Trong kì pháp nạn Hội-xương (Đường Vũ-tông, 841-846) chùa bị lửa đốt phá hủy. đến năm 851 (đời vua Đường Tuyên-tông) được xây dựng lại. Năm 1005 (đời vua Tống Chân-tông) chùa được đổi tên thành Cảnh-đức-quốc-thanh; sau đó lại bị lửa cháy. Năm 1128, vua Tống Cao-tông (1127-1162) ban sắc lệnh trùng tu, khang trang, đồ sộ hơn trước rất nhiều. Đến năm 1130 thì vua hạ chỉ đổi chùa này trở thành đạo tràng của Thiền tông.
Về lịch sử khai sáng và truyền thừa của tông Thiên Thai, theo các sách Thiên Thai Cửu Tổ Truyện và Phật Tổ Thống Kỉ, tông Thiên Thai đã tôn Bồ-tát Long Thọ (thế kỉ thứ 2 TL) là cao tổ, thiền sư Tuệ Văn (505?-557?) là tổ thứ hai, thiền sư Tuệ Tư (515-577) là tổ thứ ba, thiền sư Trí Khải (538-597) là tổ thứ tư, thiền sư Quán Đảnh (561-632) là tổ thứ năm, thiền sư Trí Oai (?-680) là tổ thứ sáu, thiền sư Tuệ Oai (634-713) là tổ thứ bảy, thiền sư Huyền Lãng (673-754) là tổ thứ tám, và thiền sư Trạm Nhiên (711-782) là tổ thứ chín.
Sự thực, các học giả về sau đều công nhận rằng, đại sư Trí Khải, với các trước tác như Pháp Hoa Huyền Nghĩa, Ma Ha Chỉ Quán, Pháp Hoa Văn Cú (từng được gọi là Thiên Thai Tam Đại Bộ), đã tập đại thành, kiện toàn giáo nghĩa, và chính thành lập tông Thiên Thai, cho nên ngài mới chính là vị khai tổ của tông Thiên Thai. Sở dĩ ngài Long Thọ (người Nam Ẳn-độ, sống vào khoảng từ thế kỉ thứ 2 sang thế thế kỉ thứ 3 TL) được tôn là vị sơ tổ của tông Thiên Thai, tại vì truy về nguồn cội thì đại sư Trí Khải vốn là đệ tử đắc pháp “Pháp Hoa Tam Muội” từ đại sư Tuệ Tư; đại sư Tuệ Tư lại là đệ tử đắc pháp của đại sư Tuệ Văn; và đại sư Tuệ Văn đã được đại ngộ nhờ đọc tụng hai tác phẩm Trung Luận và Đại Trí Độ Luận của ngài Long Thọ. Ngài Tuệ Văn sống vào thời đại Đông-Ngụy – Bắc-Tề (534-577), nhập đạo từ thuở nhỏ, thông minh xuất chúng. Một hôm, nhân đọc Đại Trí Độ Luận mà ngài ngộ được diệu nghĩa “nhất tâm tam trí”; rồi lại nhân đọc Trung Luận mà ngộ được diệu lí “nhất tâm tam quán”. Sau ngài đem các diệu lí này truyền lại cho ngài Tuệ Tư; ngài Tuệ Tư lại truyền cho ngài Trí Khải, làm thành tư tưởng then chốt mà thành lập tông Thiên Thai. Do đó mà môn đồ tông Thiên Thai cho rằng, nguồn gốc của tông này khởi nguyên từ ngài Long Thọ, cho nên ngài đã được tôn là vị thỉ tổ của họ. Lại cũng có thuyết cho rằng, dù tư tưởng của tông Thiên Thai bắt nguồn từ ngài Long Thọ, nhưng vì ngài là người Ẳn-độ nên không được kể vào lịch sử truyền thừa. Vì vậy, ngài Tuệ Văn đã được tôn là vị sơ tổ.
Môn hạ của ngài Trí Khải rất đông, trong đó có 32 vị là nổi bật; và trong số 32 vị cao đồ đó, thì sư Quán Đảnh là xuất sắc hơn cả và hầu cận ngài lâu năm nhất, cho nên đã được ngài chọn làm người thừa kế. Nếu chính thức xưng ngài Trí Khải là sơ tổ của tông Thiên Thai, thì ngài Quán Đảnh là tổ thứ nhì của tông này. Quán Đảnh truyền cho Trí Oai là tổ thứ ba; Trí Oai truyền cho Tuệ Oai là tổ thứ tư; Tuệ Oai truyền cho Huyền Lãng là tổ thứ năm; Huyền Lãng truyền cho Trạm Nhiên là tổ thứ sáu. vào lúc này, ảnh hưởng của Thiên Thai tông đã suy yếu, nhưng nhờ tổ Trạm Nhiên mà được phục hưng trở lại; bởi vậy, ngài đã được đồ chúng xưng hiệu là “Bản tông trung hưng chi tổ ”. Sau ngài viên tịch hơn 60 năm thì Phật giáo lâm vào thời kì pháp nạn Hội-xương (841-846); rồi lại trải qua bao cuộc chiến loạn từ cuối thời Đường sang thời Ngũ-đại, tông Thiên Thai suy vi rất nhiều, điên tịch hầu như tuyệt diệt. Đến đời tổ thứ 12 là Nghĩa Tịch (919-987), do lời mời của vua Tiền Thúc nước Ngô-việt (908-978, một trong 10 nước của thời đại mà sử gọi là “Thập-quốc”, 908-979), vị cao tăng nước Cao-li là Đế Quán đã mang nhiều sách vở thuộc tông Thiên Thai từ Cao-li sang Trung-quốc, nhờ đó mà sức sống của tông này được phục hoạt.
Sau đời tổ thứ 13 là Nghĩa Thông (927-988), tông Thiên Thai đã chia làm hai phái là Sơn Gia và Sơn Ngoại, cùng nhau tranh luận hơn 40 năm. Sau đó thì phái Sơn Ngoại suy yếu dần; còn phái Sơn Gia thì đến sau đời ngài Trí Húc (1599-1655) cũng suy vi. Vào thời Dân quốc, đại sư Đế Nhàn (1858-1932) lại phục hưng giáo học Thiên Thai. Với sự thành lập Quán-tông Nghiên-cứu xã, ngài đã đào tạo được nhiều vị tôn túc đê tiếp tục hoằng dương giáo nghĩa tông Thiên Thai.
(03) Tông Hoa Nghiêm: cũng gọi là Hiền Thủ tông, là một trong 13 tông phái của Phật giáo Trung- quốc. Tông này y cứ vào bộ kinh Đại Phuơng Quảng Phật Hoa Nghiêm mà lập nên các yếu chỉ “pháp giới duyên khởi” và “sự sự vô ngại”; lại lấy tên kinh mà đặt tên cho tông phái, cho nên gọi là tông Hoa Nghiêm. Kinh Hoa Nghiêm được truyền dịch tại Trung-quốc từ những thập niên đầu thế kỉ thứ 5, nhưng mãi đến thế kỉ thứ 7 (thời đại nhà Đường) mới được học giới triệt đe quan tâm và hoằng dương rộng rãi; mà ngài Hiền Thủ (tức Pháp Tạng, 643-712) được coi là người đã tập đại thành giáo nghĩa chủ yếu của kinh Hoa Nghiêm đe xác lập tông chỉ và chính thức thành lập tông Hoa Nghiêm. Tông Hoa Nghiêm tuy do ngài Hiền Thủ khai sáng, nhưng cơ sở của nó đã được thiết lập từ ngài Pháp Thuận (tức Đỗ Thuận, 557-640). Ngài đã trước tác các bộ Ngũ Giáo Chỉ Quán, Hoa Nghiêm Pháp Giới Quán Môn, Thập Môn Thực Tướng Quán v.v… để xiển dương giáo nghĩa kinh Hoa Nghiêm, và chuyên tu hạnh Phổ Hiền, rất được vua Đường Thái-tông (627-649) kính trọng. Ngài đã truyền pháp môn tu quán cho người đệ tử ưu tú là Trí Nghiễm (602-668). Ngài Trí Nghiễm đã nối gót thầy chuyên giảng kinh Hoa Nghiêm, và viết nhiều tác phẩm để thâu tóm các giáo thuyết căn bản của thầy mình.
Ngài Pháp Tạng (người Trường-an), nghe tiếng ngài Trí Nghiễm thì rất lấy làm ngưỡng mộ, bèn đến xin nhập môn học đạo, và trở thành vị đệ tử xuất sắc, được truyền thừa tổ nghiệp. Ngài đã thấu triệt nghĩa lí huyền diệu của kinh Hoa Nghiêm, và đã hệ thống hóa toàn vẹn nền triết lí này; từ đó ngài tập đại thành giáo nghĩa Hoa Nghiêm và chính thức thành lập tông Hoa Nghiêm. Tuy là vị sáng tổ, nhưng ngài đã truy từ nguồn gốc, tôn ngài Đỗ Thuận là tổ thứ nhất của tông Hoa Nghiêm; ngài Trí Nghiễm là tổ thứ nhì, và ngài là vị tổ đời thứ ba. Đệ tử thượng thủ của ngài là Trừng Quán (737-838), là tổ thứ tư; ngài Tôn Mật (780-841) là tổ thứ năm. Từ cuối đời Đường trở đi, tông này tuy có suy vi hơn trước, nhưng qua các thế hệ vẫn có người nối tiếp, kéo dài mãi đến ngày nay.
Về các vị tổ truyền thừa của tông Hoa Nghiêm, ngoài thuyết chính thức gồm năm vị (Hoa Nghiêm ngũ tổ) như trên, còn có thuyết kể tới mười vị (Hoa Nghiêm thập tổ), là: Phổ Hiền, Văn Thù, Mã Minh, Long Thọ, Thế Thân, Đỗ Thuận, Trí Nghiễm, Hiền Thủ, Trừng Quán, và Tôn Mật; cũng có thuyết liệt kê bảy vị (Hoa Nghiêm thất tổ), là: Mã Minh, Long Thọ, Đỗ Thuận, Trí Nghiễm, Hiền Thủ, Trừng Quán, và Tông Mật.
Trước khi tông Hoa Nghiêm được thành lập, một tông phái có tên là Địa Luận đã được thành lập từ thời Bắc-Ngụy (386-534); và được coi là có liên hệ mật thiết với tông Hoa Nghiêm. Giáo nghĩa của Địa Luận tông là y cứ vào bộ Thập Địa Kinh Luận (luận giải về phẩm “Thập Địa” trong kinh Hoa Nghiêm) của Bồ-tát Thế Thân (do các ngài Bồ Đề Lưu Chi, Lặc Na Ma Đề và Phật Đà Phiến Đa dịch ra Hán văn trong khoảng từ năm 508 đến năm 512). Sau khi thành lập được một thời gian thì Địa Luận tông bị phân rẽ thành hai phái: Ngài Đạo Sủng (đệ tử của ngài Bồ Đề Lưu Chi) cư trú ở phía Bắc thành Lạc-dương (kinh đô nhà Bắc-Ngụy), lãnh đạo phái Bắc Địa; và ngài Tuệ Quang (đệ tử của ngài Lặc Na Ma Đề) cư trú ở phía Nam kinh thành, lãnh đạo phái Nam Địa. Dần dần thì phái Bắc Địa bị mai một sớm, vì không có người truyền nối; trong khi đó thì phái Nam Địa lại càng phát triển mạnh, vì có nhiều nhân tài kế thế. Tuy nhiên, đến khi ngài Đỗ Thuận (người đã đặt nền móng cho tông Hoa Nghiêm) xuất hiện, thì những nhân vật xuất sắc của tông Địa Luận đều bị ngài thu hút hết; và cuối cùng, Địa Luận tông đã được sát nhập một cách êm thắm vào Hoa Nghiêm tông.
(04) Tông Duy Thức: Tông này chủ trương tất cả vạn pháp đều hiện hữu nơi THỨC, nói cách khác, chỉ có THỨC là hiện hữu, cho nên gọi là Duy Thức tông. Tông này phán quyết về tánh, tướng của vạn pháp, nên cũng gọi là Pháp Tướng tông. Tông này y cứ vào nhiều kinh luận để thành lập giáo nghĩa, trong đó, kinh Giải Thâm Mật, luận Du Già Sư Địa và luận Thành Duy Thức là căn bản nhất. Tông này, ở Ẳn-độ (thế kỉ thứ 5) có tên là Du Già, và đã tôn Bồ Tát Di Lặc làm thỉ tổ, kế tiếp là các ngài Vô Trước, Thế Thân, Hộ Pháp, Giới Hiền. Rồi toàn bộ kinh luận thuộc tông này đã được pháp sư Huyền Trang (môn nhân xuất sắc nhất của ngài Giới Hiền) mang về Trung-hoa sau 17 năm du học ở Ẳn-độ. Tại kinh đô Trường-an (thời đại nhà Đường), ngoài việc phiên dịch kinh điển, ngài Huyền Trang đã đặc biệt hoằng dương giáo nghĩa Duy Thức, và được coi là vị thỉ tổ của tông Pháp Tướng tại Trung-quốc. Vị đệ tử thượng thủ của pháp sư Huyền Trang là Khuy Cơ, đã tập đại thành huyền chỉ của tông Pháp Tướng, và được coi là vị tổ chính thức đã thành lập tông Pháp Tướng tại Trung-quốc. Tông này rất thịnh hành vào thời Thịnh Đường, nhưng từ cuối đời Đường thì thanh thế yếu dần.
Ớ Trung-quốc, trước khi Duy Thức tông được thành lập, Nhiếp Luận tông đã xuất hiện vào triều đại nhà Trần (557-589), mà các học giả đều coi đó là tiền thân của Duy Thức tông. Hai tác phẩm Nhiếp Đại Thừa Luận của ngài Vô Trước và Nhiếp Đại Thừa Luận Thích của ngài Thế Thân, đã được ngài Chân Đế (499-569) dịch vào năm 563, đã trở thành giáo nghĩa căn bản để thành lập Nhiếp Luận tông; và ngài Chân Đế được tôn là vị sáng tổ của tông này. Về sau, khi Duy Thức tông được thành lập thì Nhiếp Luận tông được sát nhập vào đó.
BÀI TẬP
- Phán giáo nghĩa là gì?
- Hãy giải thích hai từ “hóa pháp” và “hóa nghi”. 4 giáo hóa pháp là gì? 4 giáo hóa nghi là gì?
- Tính chất của bí mật giáo và bất định giáo như thế nào?
- Hãy kể danh mục của Hoa Nghiêm ngũ giáo.
- Hãy giải thích 5 chủng tánh của tông Duy Thức.
- Khởi nguyên của Thiền tông do từ sự tích gì?
- 3 thời giáo theo tông Duy Thức đã phân chia là gì?
- Thế nào là tánh y tha khởi?
- Sau khi đức Phật thuyết đại thừa không giáo, vì sao Ngài lại thuyết đại thừa trung đạo giáo?
Tổng Hợp Yếu Chỉ Các Bài 25, 26 và 27
- Nói là “được”, tức là xưa nay vốn không có mà hiện nay mới có; nếu xưa nay vốn có thì không gọi là “được”. Tuệ giác siêu việt, Phật và chúng sinh đều có, vốn tự đầy đủ trọn vẹn, cho nên khi thành Phật, tuy là “được”, nhưng cũng không gọi là “được”. Ví như mặt trăng ở trên không trung, xưa nay vốn tự có, nhưng chúng sinh, vì bị lớp mây vô minh che khuất nên không thấy; tuy không thấy nhưng cũng không khiếm khuyết tí nào. Đức Phật thì tu hành cho đến khi đám mây tan hết, cho nên mặt trăng tự nhiên hiện rõ lồ lộ. Bởi vậy ngài Vô Cơ Tử(1) có nói bài kệ:
Từ xưa chân là vọng
Ngày nay vọng đều chân
Chỉ trở về bản tánh
Không có pháp mới nào.(2)
Xem thế có thể ngộ vậy.
- Các pháp đều do nhân duyên giả hợp, cho nên không có tự tánh; vì không có tự tánh cho nên nói đó là không. Như đứa bé lấy tuyết đắp thành tượng Phật Di Lặc, thì cái được gọi là Di Lặc, chỉ là tuyết mà thôi; đã toàn là tuyết thì không có Di Lặc, cho nên nói Di Lặc là không. Tiến thêm một bước, chúng ta nói: Tuyết tức là nước đông đặc, toàn thể tuyết là nước; đã toàn là nước thì không có tuyết, như vậy tuyết cũng là không. Lại tiến thêm một bước, chúng ta nói: Nước là do hai loại khí là khinh (hydrogen) và dưỡng (oxygen) hợp lại làm thành; đã là hai khí khinh và dưỡng thì nước không có, tức là, nước cũng là không. Rồi cứ như thế mà chia chẻ tầng tầng lớp lớp, thì hai loại khí khinh và dưỡng kia cũng không làm sao rời khỏi cái nguyên lí do nhân duyên mà sinh thành; rốt cuộc cũng là huyễn, là không. Cho nên, vạn pháp muôn hình tướng, những cái mà sáu căn chúng ta tiếp xúc hằng ngày, không có thứ gì mà không phải là không; cái gọi là “thế gian”, vốn là như thế đó!
- Sự tích một đời của đức Thích Tôn, giống như đào kép lên sân khấu diễn kịch. Tất cả nào áo mão, động tác, nói cười, không có gì là không giả. Hãy thử suy nghĩ mà xem: Một vị đã từng thành Phật từ vô số kiếp, nay nhân dạo chơi qua bốn cửa thành, trông thấy các cảnh già bệnh chết mà tỏ ngộ thế gian là vô thường; có thật phải đợi đến lúc đó, khi trông thấy các sự việc như thế, Ngài mới giác ngộ về lẽ vô thường chăng? Rồi Ngài theo học với khắp các ngoại đạo, thấy rõ chỗ sở đắc của họ đều không phải là cứu cánh, cho nên đã bỏ đi; có thật phải đợi đến lúc đó Ngài mới biết ngoại đạo là không cứu cánh chăng? Rồi Ngài đến núi tuyết tu khổ hạnh sáu năm, nhưng không thể đắc đạo, Ngài bèn bỏ phương pháp khổ hạnh, không tu theo nữa; có thật phải đợi đến lúc đó Ngài mới biết rằng, chỉ bằng vào phương pháp tu khổ hạnh thì không thể nào đạt được đạo chăng? Nếu quả thật đợi đến lúc đó mới biết, thì những thứ trí tuệ mà Ngài đã đạt được trong quá khứ như nhất thiết chủng trí, đại viên cảnh trí, vô thượng trí, bây giờ biến đi đâu hết? Rồi Ngài muốn xuống sông Ni-liên để tắm rửa mà không có sức, phải uống một bát sữa thì thể lực mới hồi phục; nếu quả như thế thì cái thân kim-cang na-la-diên(3) mà Ngài đã có được trong quá khứ, cái thân ấy có đầy đủ sức mạnh, vô úy, thần thông v.v…, vạn kiếp không hoại diệt, bây giờ nó cũng đi đâu mất? Phật pháp cao diệu, há không sánh bằng những vật tầm thường bằng giấy bằng bùn, gió thổi liền rách nát, mưa ướt liền rã tan ư? Ngài đến ngồi dưới cội cây bồ đề, phát nguyện nếu không thành Phật thì không rời khỏi chỗ ngồi! Trước kia đã thành Phật, bây giờ lại phát nguyện thành Phật! Như thế thì quả vị Giác ngộ Vô thượng cũng có lúc phải tiêu mất hết; tiêu mất hết thì trở lại làm phàm phu, lại phải tu tập lại từ đầu! Điều đó nghe thật tức cười, giống như lời ma nói! Các kinh A Hàm, Bảo Tích, Duy Ma, Niết Bàn, đều nói Phật đau lưng; đức Phật là đấng phúc tuệ đầy đủ, muôn đức trang nghiêm, mà còn bị bệnh, bị đau như thế, thì phúc ở đâu? Và đức ở đâu? Bởi vậy mới biết, đọc kinh không phải là chuyện dễ. Nếu chấp chết vào câu kinh, không hiểu rõ chỗ tác dụng của kinh, thì rồi sẽ thành một kẻ đọc kinh ngu ngốc; tự mình đã ngu ngốc, rồi lại thao thao thuyết giảng, khiến cho thính chúng cũng bị ngu ngốc theo! Đọc kinh như thế, thuyết giảng như thế, thật khiến cho chư Phật ba đời phải bị chìm oan xuống đáy biển!
- Những người chưa từng xem kinh đều cho rằng kinh điển Phật giáo thật là bí áo, khó hiểu, không thể lí giải được; cũng có người cho rằng kinh Phật chẳng qua chỉ là khuyên làm điều lành, bỏ điều ác mà thôi. Vì nghĩ thế cho nên không đọc. Như vậy là họ đã tự đánh mất điều lợi lớn, thật đáng tiếc vô cùng! Cho nên tôi đã nhân việc biên soạn bài học mà giới thiệu các đoạn kinh văn, là để cho đại chúng có dịp được đọc kinh. Sau khi đọc rồi mới thấy rằng, kinh chẳng phải là bí áo khó hiểu, chẳng phải là không thể lí giải, lại cũng chẳng phải chỉ hạn hẹp ở tác dụng khuyên làm điều lành và lánh điều dữ. Kinh Phật, đích thực không câu nào mà không đẹp, không đoạn nào mà không nhiệm mầu, khéo giúp người mở mang tâm trí; là vật quí không thể nào thiếu trên chỗ ngồi của người chuyên chí tu hành.
Bộ kinh Đại Bảo Tích có đến 120 quyển, vài đoạn trích ra ở đây chẳng qua chỉ như một chiếc lá của cây đại thọ. Quí vị học giả nếu có thời giờ muốn tìm hiểu thì xin hãy đọc toàn bộ kinh, như thế thì kiến văn mới thêm sâu rộng, – đúng như bài kệ “Ba Qui Y” đã nói: “Tự qui y Pháp, xin nguyện chúng sinh, thấu rõ Kinh tạng, trí tuệ như biển.” Thế mới biết, không đọc kinh luận thì trí tuệ không thể phát sinh được!
- Kinh Đại Bảo Tích nói: “Tất cả tư tưởng đều không nên khởi, vì tất cả tư tưởng đều không thể nắm bắt được. ” Đã nói là “tất cả tư tưởng” thì trong đó tất nhiên có bao hàm sự niệm Phật. Nên biết rằng, niệm Phật là pháp nhân địa(4), mà xa lìa tất cả tư tưởng thì lại là pháp cứu cánh, tức quả địa(5). Phàm tu tập tất cả pháp nhân địa, đều nhằm đạt được mục đích cứu cánh là quả địa; tất cả đại lộ đều đưa đến thành trì niết bàn. Liên quan đến sự nghiệp tu hành, nếu nói về khoảng thời gian giữa đường tu tập, thì phải trải qua ba kì(6) rèn luyện, trăm kiếp(7) trồng nhân; bất luận là tu phúc hay tu tuệ, đoạn trừ phiền não hay chứng nhập chân lí, pháp môn nào cũng phải viên mãn, nhiên hậu mới có thể thành Phật. Nếu nói về lúc sau cùng, thì một pháp cũng không sót; bất luận là pháp lành hay pháp dữ, nếu còn sót chỉ như một sợi tóc, cũng không phải là “bản lai”; bởi vậy mới nói: tất cả tư tưởng đều không nên khởi. Niệm Phật cùng với pháp rốt ráo sau cùng, còn có khoảng cách, cho nên có tư tưởng, có hành vi; trong tương lai, sau khi vãng sinh về nước Cực-lạc, phải tu tập cho đến khi qua khỏi bậc Đẳng-giác, khi tiến vào địa vị Phật-đà mới trọn vẹn chứng nhập tâm thể tịch diệt, xa lìa mọi tư tưởng. Chúng ta ngày nay còn ở địa vị phàm phu, còn đang tu pháp môn Tịnh Độ, dùng một niệm để đình chỉ mọi niệm, thì đối với lời dạy “chớ khởi các tư tưởng”, chỉ nên biết vậy mà thôi, chứ đừng bỏ việc niệm Phật; đó là điều thiết yếu. Bởi vì pháp môn niệm Phật cũng là do đức Thích Tôn giảng dạy; niệm Phật để giữ gìn chánh niệm, không thể nói đó là làm trái lời Phật dạy!
- Có rất nhiều người tu hành cho rằng, chỉ cần sắm sửa đàn tràng và các thứ pháp cụ cho thật trang nghiêm, dùng hương đèn hoa trái cúng dường chư Phật và Bồ-tát, thế đã là cúng dường đệ nhất rồi! Nếu vậy thì những người giàu có, ai lại không thành tựu công đức cúng dường, thậm chí còn thành tựu được bố thí ba la mật nữa chứ! Còn kẻ nghèo khổ thì chỉ biết than trách cho số phận hèn kém của mình mà thôi. Nhưng sau khi đọc kinh thì mới biết rằng, điều gọi là “cúng dường đệ nhất”, chính là việc “y giáo phụng hành”; luận về cơ hội thì mọi người đều có như nhau, chỉ khác nhau ở chỗ: ai siêng năng thì được. Thứ nữa, sau khi đọc kinh mới biết được rằng, người tu hành vì lợi ích chúng sinh, xa lánh chỗ ồn ào, tịnh tâm trì giới, cho đến chỉ cần đi một khoảng gần bằng bảy bước, thì công đức ấy đã vượt hơn người dùng đèn đuốc hương hoa trong khắp đại thiên thế giới đem cúng dường chư Phật. Xem thế thì cái ý nghĩa lớn lao của việc tu hành là ở chỗ này chứ không phải ở chỗ kia; ở tại bên trong chứ không phải ở bên ngoài. Nhưng, nếu đúng là một người tu hành có trí tuệ, người ấy tự nhiên hiểu rằng, cả hai phương diện đều phải thực hành trọn vẹn, chu đáo, không đi hẳn về phía nào, mà cũng không phải không làm gì hết. Người ấy tự nhiên hiểu rằng, tùy hoàn cảnh mà làm đúng trong khả năng và phạm vi của hoàn cảnh đó, không nghiêng bên này, không lệch bên kia, chỉ cần thành khẩn cung kính, đạo tâm bền vững, thì mỗi động tác đưa tay, dở chân cũng đều là công đức, mọi chỗ mọi nơi không đâu mà không phải là đạo tràng của Bồ-tát!
- Các nhà phán giáo, trí tuệ của họ thật siêu tuyệt. Các giáo tướng mà họ đã phán định đều có lí do đầy đủ. Chúng ta không nên phê bình nhà này đúng hay nhà kia sai. Giáo pháp mà đức Như Lai đã nói trọn một đời, giống như một quả núi lớn, cao ngất to rộng; nhìn ngang thì thấy dãy, nhìn nghiêng thì thấy chỏm, nhìn gần thì thấy đá, nhìn xa thì thấy thành. Nói dãy, nói chỏm, nói đá, hay nói thành, đều là nói lên cái hình thái của núi; nếu lấy cái này để bác bỏ cái kia, thì tự trong tâm mình không có được quả núi toàn vẹn, từ đó mà sinh ra kiến chấp thị phi.
- Về ý nghĩa “không”, có thể nói tóm gọn trong một câu, đó là: “Ngã không, pháp không, tự tánh chẳng không.” Trong thời A Hàm chỉ nói về “ngã không”. không nói về pháp không; trong thời Bát Nhã thì nói “ngã pháp đều không”, mà chưa nói tự tánh chẳng không. Mãi đến thời Niết Bàn đức Phật mới hiển thị cái nghĩa lí “tự tánh chẳng không”,(8) khiến cho trăm ngàn phương tiện trước sau, đến đây được qui về yếu điểm. Nếu nói đến ý nghĩa nhân quả, có thể phân làm ba giai đoạn: Thứ nhất, khi chưa ra khỏi ba cõi, hãy còn lưu chuyển trong sáu đường, thì hoàn toàn chịu sự chi phối của nghiệp lực; tất cả phàm phu đều là như thế. Thứ nhì, sau khi ra khỏi ba cõi, cho đến trước khi thành Phật, tất cả mọi chủng tử ác và thiện thuộc thế gian đều bị đạo lực điều phục, hoàn cảnh hạn chế, cho nên dần bị mất hết hiệu quả; trong khi đó những chủng tử thiện thuộc xuất thế gian cứ tuần tự phát khởi hiện hành. Thứ ba, khi thành Phật, thức a lại da liền chuyển thành trí viên cảnh(9), tất cả mọi chủng tử thiện ác thuộc thế gian và xuất thế gian đều lập tức trống không, vượt ngoài sự chi phối của nhân quả. Cái quả báo đức Thích Tôn phải ăn cám ngựa, đó chỉ là cố ý thị hiện ra như thế, giả làm ra như thế, để cảnh giác người đời không nên làm ác; chứ đâu có lí nào đã thành Phật rồi mà vẫn chưa thoát khỏi nhân quả báo ứng! Nếu luận về hai quả báo y và chánh, hai cảm thọ khổ và lạc, thì nguyên ủy vốn không, như cảnh trong mộng; chẳng qua vì chúng sinh tâm còn bị che mờ, cho nên thấy đó là có vậy thôi.
CHÚ THÍCH (của người dịch)
(01) Vô Cơ Tử: tức đại sư Pháp Vân (1088-1158). Ngài sống vào thời đại nhà Tống (960-1279), họ Qua, quê ở Ngô huyện, tỉnh Giang-tô, tự là Thiên Thụy, hiệu là Vô Cơ Tử. Năm 5 tuổi, ngài được nhập môn với đại sư Từ Hàng, đến 9 tuổi được thế độ; năm sau thì theo ngài Thông Chiếu để học giáo nghĩa tông Thiên Thai. Năm 1117 ngài giữ chức trụ trì chùa Đại-giác ở huyện Tùng-giang (tỉnh Giang-tô), được vua Tống Huy-tông (1101-1125) ban hiệu là Phổ Nhuận đại sư. về sau ngài trở về quê phụng dưỡng mẹ già, tận hành hiếu đạo. Ngài dựng am Tàng-vân bên cạnh mộ phần tổ tiên, thờ tôn tượng “Tây-phương Tam thánh”, hóa độ người đời. Rồi mẫu thân ngài bệnh nằm một chỗ, đêm đêm ngài đến bên giường giảng Tâm Kinh và niệm Phật A Di Đà. Ngài cũng qui tụ hàng ngàn người để tổ chức Liên-hoa thắng hội, giảng kinh Quán Vô Lượng Thọ. Bốn chúng khâm ngưỡng phong cách cao nhã của ngài, kéo đến tu học, người đông đến nghẽn cả lối đi. Năm 1158 (đời vua Tống Cao-tông), một hôm ngài triệu tập đệ tử đến để nhắn nhủ, tự tay viết để lại một bài kệ, rồi ngồi yên hướng về phương Tây mà hóa, thọ thế 71 tuổi.
(02) Bài kệ này ý nói: Bản tánh xưa nay vốn thanh tịnh, sáng suốt, nhưng vì vô minh che lấp nên thành ô nhiễm, mờ tối; ngày nay do tỉnh giác tu tập, quét sạch vô minh phiền não, thì bản tánh thanh tịnh lại hiển lộ tỏ rõ. Như thế tức là chỉ trở về với bản tánh xưa nay, chứ không có gì mới lạ cả.
(03) Thân kim-cang na-la-diên: Tiếng Phạn “na-la-diên” (narayana) dùng để chỉ cho vị thần có sức mạnh trong tín ngưỡng của Ẳn-độ thời cổ. Bà-la-môn giáo thì cho na-la-diên tức là trời Phạm Thiên; Phật giáo thì gọi na-la-diên là báo thân của Phật và Bồ-tát. Báo thân đó đầy đủ sức mạnh, cứng chắc như kim cương, không có gì có thể hủy hoại được, cho nên thân Phật được gọi là thân kim-cương na-la- diên.
(04) Nhân địa: Chữ “nhân” nghĩa là nguyên nhân, ở đây chỉ cho công phu tu tập; chữ “địa” có nghĩa là vị trí, địa vị, hay giai vị, tức là những địa vị chứng đạt trên đường tu tập của hành giả đạo Phật. “Nhân địa” là những địa vị mà hành giả chứng đắc trên đường tu hành từ khi phát tâm cho đến khi đạt được quả vị cuối cùng; có hai loại: 1) Nếu quả vị cuối cùng là Phật quả (Diệu-giác), thì tất cả những địa vị từ bậc Đắng-giác trở xuống, gọi là nhân địa; 2) Nếu quả vị đó là từ Sơ-địa cho đến Đắng-giác Bồ-tát, thì những giai vị trước đó (Địa- tiền) như Thập-trụ, Thập-hạnh v.v…, được gọi là nhân địa.
(05) Quả địa: tức quả vị, là địa vị đạt được do công phu tu nhân. Nếu tu Bồ-tát thừa thì quả địa là Diệu- giác, hay Phật quả; nếu tu Duyên-giác thừa thì quả địa là Bích-chi Phật; nếu tu Thanh-văn thừa thì quả địa là A-la-hán quả v.v…
(06) Ba kì: tức ba a-tăng-kì kiếp. (Xin xem chú thích số 3, bài “Tổng Hợp Yếu Chỉ Các Bài 13, 14 và 15”, sách GKPHII, quyển thượng.)
(07) Trăm kiếp: tức 100 đại kiếp, chỉ cho thời gian tu hành của một hành giả Bồ-tát thừa. Theo luận Đại Trí Độ, các vị Bồ-tát, trong suốt 3 a-tăng-kì chuyên tu lục độ vạn hạnh, cuối cùng đạt được địa vị Thập- địa; tiếp theo đó 100 đại kiếp ở địa vị Đắng-giác, Bồ-tát chuyên tu nhân cho 32 tướng tốt để cuối cùng chứng quả Diệu-giác, tức thành Phật.
(08) Tự tánh chẳng không: “Tự tánh” tức bản tánh của vạn pháp, cũng tức là chân như, hay như lai tạng. Vạn pháp trong vũ trụ có hai loại tổng quát: hữu tình và vô tình. Tự tánh của hữu tình thì gọi là Phật tánh; tự tánh của vô tình thì gọi là Pháp tánh. Phật tánh, Pháp tánh, Chân như, Như lai tạng, hay Tự tánh, là bản tánh tịch nhiên thường trú, không sinh không diệt, cho nên nói là “tự tánh chắng không”.
(09) Trí viên cảnh: tức trí đại viên cảnh (đại viên cảnh trí), là một trong “bốn trí tuệ” (tứ trí) của bậc giác ngộ. Kẻ phàm phu nhận biết vạn hữu bằng tám thức (nhãn, nhĩ, tị, thiệt, thân, ý, mạt na, và a lại da); mà tính chất của THỨC là phân biệt, chấp trước, tà kiến, đầy ô nhiễm, sai lầm, tạo nghiệp sinh tử luân hồi. Người tu học Phật phải chuyên cần, tinh tấn, để đạt đến chỗ phá trừ mọi tà kiến, diệt sạch mọi chấp trước, dập tắt mọi phiền não, không còn tạo một nghiệp xấu mảy may nào nữa. Hành giả khi đạt đến trình độ ấy thì cả tám thức liền chuyển đổi thành bốn trí tuệ thanh tịnh, giác ngộ:
- Đại viên cảnh trí, là tuệ giác hoàn toàn thanh tịnh, sáng suốt, không bị bất cứ một bợn nhơ nào che lấp, được hình dung như một tấm gương to lớn, tròn đầy, trong sáng, không chỗ nào bị sứt mẻ, không tì vết, vẩn đục, hay dính bụi; rọi chiếu rõ ràng chân tướng vạn hữu. Tuệ giác này chính là trạng thái thanh tịnh, giác ngộ của thức a lại da, sau khi các chủng tử ô nhiễm tiềm tàng trong thức này đã được chuyển hóa tận gốc rễ. Hay nói cách khác, đây là một thực thể mà khi còn ở trạng thái ô nhiễm thì tức là a lại da thức; và khi đã được chuyển hóa thành hoàn toàn thanh tịnh thì tức là đại viên cảnh trí – và đó cũng tức là chân như, là bản thể, là pháp thân.
- Bình đẳng tánh trí, là tuệ giác có khả năng thấy được tính cách bình đắng của vạn pháp, hoàn toàn thoát khỏi sự ràng buộc của tà kiến, chấp trước, phân biệt nhân và ngã, chủ thể và đối tượng. Vì không còn bị tà kiến chi phối, nên hành giả có thể hóa hiện tự do, tùy cơ ứng dụng trong mọi công tác độ sinh. Bình đắng tánh trí chính là trạng thái thanh tịnh, giác ngộ của mạt na thức, sau khi các kiến chấp mê muội của thức này đã bị phá vỡ và được chuyển hóa trọn vẹn.
- Diệu quán sát trí, là tuệ giác được chuyển hóa từ ý thức, có khả năng nhìn thấu được tâm lí của mọi loài chúng sinh, thấy rõ được mọi nhu yếu và mọi vấn đề khó khăn của họ, cũng như biết được một cách sáng tỏ các giáo lí và phương tiện thích hợp dùng để cứu giúp, khiến cho chúng sinh tỉnh thức và mở mang giác tính. Nó cũng còn có thể thực hiện được các khả năng mầu nhiệm (thần thông) trong công việc độ sinh.
- Thành sở tác trí, là tuệ giác được chuyển hóa từ năm thức cảm giác (nhãn, nhĩ, tị, thiệt, và thân), có khả năng thực hiện thành tựu mọi công tác độ sinh.
| mục lục sách | bài tiếp theo |