GIÁO KHOA PHẬT HỌC
Cấp Hai
Nguyên tác Hán ngữ của PHƯƠNG LUÂN cư sĩ
Cư sĩ HẠNH CƠ dịch và chú thích bổ túc
| mục lục sách |
Bài 31
LÍ DO PHÂN CHIA TÔNG PHÁI trong PHẬT GIÁO
Phật pháp thật là rộng lớn, tinh vi, bao quát sum la vạn tuợng. Tất cả các pháp, dù thuộc thế gian hay xuất thế gian, đều nằm trong phạm vi Phật pháp. Duơng mày nháy mắt, gánh nuớc bửa củi, là những pháp vô cùng tầm thuờng của thế gian, nhung nếu muốn nghiên cứu kĩ các vấn đề như: Vì sao có lông mày, mắt, nước, củi? Vì sao có thể dương, nháy, gánh, bửa? Nếu không thấu rõ Kinh tạng, không tỏ tường môn học Pháp tướng Duy thức, thì chắc chắn không thể nào đưa ra những nguyên nhân xác đáng để trả lời cho các câu hỏi trên một cách toàn vẹn. Do đó, lớn đến như toàn thể vũ trụ, nhỏ đến như một hạt vi trần, mà tánh của chúng, tướng của chúng, thể của chúng, dụng của chúng,(1) nếu không dùng Phật pháp để giảng giải, thì vĩnh viễn chỉ phải câm nín mà thôi!
Phật pháp, sau khi truyền đến Trung-quốc, đã được phân chia thành nhiều tông phái. Có sự phân chia tông phái như vậy là vì các lí do sau đây: 1) Ba tạng giáo điển, quyển số rất nhiều, nếu không phân loại thì rất khó nghiên cứu học hỏi. 2) Mỗi pháp môn đều khác nhau, có lúc tính chất của chúng lại còn tương phản nhau, nếu hợp lại thì cả hai đều không thành nghĩa, phải phân chia ra thì nghĩa lí mới rõ ràng. 3) Chúng sinh căn cơ không đồng đều, nếu muốn đối trị các tập khí1, thế tất phải tùy chứng bệnh mà cho thuốc. Nhưng bệnh chứng thì quá nhiều, nên thuốc cần phải phân loại. 4) Vì muốn có hệ thống rõ ràng để tiện cho việc truyền thừa, cho nên không thể không đem cái toàn thể mà chia ra làm nhiều bộ phận, nhằm bỏ đi cái rườm rà mà chỉ chọn những điều thích đáng. 5) Phật pháp sâu rộng tinh vi, muốn học khắp hết thì mạng sống cũng như tinh thần đều có hạn, sợ rằng chẳng pháp môn nào thành thục được; nhưng nếu học cho tường tận chỉ một pháp môn thôi, chắc chắn sẽ thành công dễ dàng. 6) Chư vị cao tăng trải qua các thời đại, những pháp môn tu chứng và truyền trì của các ngài đều không giống nhau, thì những giáo pháp mà các ngài y cứ và lấy đó để tiếp dẫn hậu lai cũng khác nhau; cho nên, việc mỗi vị tự khai lập môn đình riêng, là việc không thể tránh khỏi.
Đó là những lí do phân chia tông phái trong Phật giáo. Có người cho rằng, sự phân chia như vậy cũng tức là Phật giáo bị chia rẽ; kì thật, phân chia tông phái tức là phân công hợp tác. Ví dụ như trong bệnh viện, tuy phân ra có nhiều khoa thuộc về nội khoa, như khoa tai, khoa mắt v.v…, nhưng chỉ có như vậy thì mới hoàn thành được công tác theo hệ thống của toàn bệnh viện.Trong thời kì còn ở Ấn-độ, Phật pháp tuy đã được tổ chức qui mô và hoàn bị, trong đó cũng có sự truyền thừa giống như tông phái, như hai ngài Vô Trước2 và Thế Thân3 hoằng dương Duy Thức, hai ngài Long Thọ và Đề Bà hoằng dương Tam Luận, hai ngài Ca Diếp và A Nan hoằng dương Thiền pháp, hai ngài Long Trí4 và Thiện Vô Úy5 hoằng dương Mật giáo v.v…, nhưng đều không lập môn đình hay nêu bảng hiệu rõ ràng. Cho đến khi Phật pháp từ phương Tây(2) truyền đến Trung-quốc, trải qua các kết quả phân tích và qui nạp của các bậc thiện tri thức, mới trước sau thành lập 13 tông phái; tức 2 tông thuộc tiểu thừa là Câu Xá, Thành Thật, và 11 tông thuộc đại thừa là Luật, Thiền, Tịnh Độ, Hoa Nghiêm, Thiên Thai, Pháp Tướng, Tam Luận, Chân Ngôn, Địa Luận6, Niết Bàn7, Nhiếp Luận8. Sau đó thì tông Địa Luận được sáp nhập vào tông Hoa Nghiêm, tông Niết Bàn được sáp nhập vào tông Thiên Thai, tông Nhiếp Luận được sáp nhập vào tông Pháp Tướng; cho nên chỉ còn 8 tông đại thừa, hợp với 2 tông tiểu thừa là 10 tông. Đó là cái mô hình của Phật giáo Trung-quốc.
Trong kinh Viên Giác, đức Bồ Tát Uy Đức Tự Tại bạch Phật rằng: “Bạch Thế Tôn! Ví như tòa thành lớn, ngoài có bốn cửa để cho người đến từ bơn hướng không phải chỉ vào thành bằng một con đường; cũng vậy, tất cả các vị Bồ-tát trang nghiêm Phật độ và thành tựu quả vị Bồ-đề, không phải chỉ bằng một thứ phương tiện. Cúi xin Thế Tôn dạy cho chúng con tất cả các phương tiện dần dà, cùng người tu hành, có tất cả mấy loại? Khiến cho các vị Bồ-tát trong chúng hội này và chúng sinh trong thời mạt thế, cầu pháp đại thừa, đều chóng được khai ngộ, đi lại tự tại trong biển đại tịch diệt Như Lai.” Lời nói trên đây đã chứng tỏ thật rõ ràng: Phật pháp không phải chỉ có một cửa, mà tu hành thì có nhiều phương tiện. Vậy thì, sự phân chia tông phái cũng là cái thế tất nhiên. Tất cả mọi pháp môn đều qui về quả vị Vô-thượng Bồ-đề, thì các tông các phái cũng giống như muôn dòng nước đều chảy vào biển cả; đó gọi là “Đạo đều được thi hành mà không hề chống trái nhau”9 (3) vậy.
Các nhân sĩ ngày nay phần nhiều tu theo pháp môn Tịnh độ, nhưng cũng có người học lực dồi dào, thiết tha tìm hiểu, muốn biết chỗ sâu xa của các tông phái, cho nên không thể không đem giáo nghĩa của các tông ra mà trình bày, giúp cho mọi người thông hiểu. Kì thật, nếu luận về chỗ thực hành thì chỉ cần thâm nhập một pháp môn mà thôi, mới có hiệu quả tốt. Nếu một mình mà ôm đồm nhiều pháp môn quá thì hiệu quả chẳng được bao nhiêu!
CHÚ THÍCH
- Tông Pháp Tướng đem các vọng hoặc của chúng sinh phân ra làm ba loại: chủng tử, hiện hành và tập khí. Tuy rằng, khi đoạn được chủng tử của hoặc thì cũng đoạn được hiện hành của hoặc, nhưng tướng của hoặc vẫn còn hiện ra do những thấm nhiễm của hoặc; đó là hơi hướng của hiện hành từng huân tập lâu đời mà thành, cho nên gọi là tập khí.
- Tên một vị Bồ-tát. Ngài Vô Trước sinh ở Bắc Ấn-độ khoảng hơn 900 năm sau ngày Phật diệt độ, về sau đến nước A-du-đà ở Trung Ấn-độ, đề xướng giáo nghĩa đại thừa du-già, truyền bá luận Du Già của Bồ Tát Di Lặc. Trước tác của ngài có các bộ luận Nhiếp Đại Thừa, Hiển Dương, v.v…
- Ngài Thế Thân là em của ngài Vô Trước, trước học theo tiểu thừa, sau chuyển sang đại thừa, là tác giả của 500 bộ luận tiểu thừa và 500 bộ luận đại thừa. Ngài cùng với anh là ngài Vô Trước, đồng là tổ của Hữu tông đại thừa. Xin xem lại các chú thích số 10 và 11 của bài học số 20.
- Ngài Long Trí là đệ tử của ngài Long Mãnh, và là thầy của ngài Kim Cương Trí; tuổi thọ hơn 700 mà sắc diện vẫn như thiếu niên. Ngài là tổ thứ tư của Mật tông.
- Ngài Thiện Vô Úy là một vị vương tử ở Trung Thiên-trúc, nhân gặp đệ tử của ngài Long Mãnh là Long Trí, liền xin thọ giáo về pháp môn Du già tam mật. Năm thứ 4 niên hiệu Khai-nguyên, đời Đường, ngài đến Trường-an, hoằng dương Mật giáo. Năm thứ 23 niên hiệu Khai-nguyên, ngài viên tịch, thế thọ 99 tuổi.
- “Địa Luận” là tiếng nói tắt của “Thập Địa Luận”, là bộ luận giải thích phẩm “Thập Địa”, thuộc hội thứ 6 trong kinh Hoa Nghiêm. Tông Địa Luận vốn đã được thành lập từ trước, đến khoảng Trung Đường, khi tông Hoa Nghiêm hưng thịnh thì tông này được sáp nhập vào, không còn tên tông Địa Luận nữa.
- Tông Niết Bàn đã y cứ vào kinh Niết Bàn mà hoằng dương giáo nghĩa Phật tính thường trú, thịnh hành trong khoảng Lục-triều, sang Tùy và Đường; đến khi tông Thiên Thai hưng thịnh, lấy hai bộ kinh Pháp Hoa và Niết Bàn làm yếu chỉ, thì tông này đã được sáp nhập vào.
- Tông Nhiếp Luận hoằng dương bộ luận Nhiếp Đại Thừa của Bồ Tát Vô Trước, thịnh hành trong khoảng Trần, Tùy; khi tông Pháp Tướng thịnh hành thì tông này không còn ai truyền thừa nữa.
- Chữ “bội” nghĩa là nghịch loạn. Câu này trích từ sách Trung Dung.
PHỤ CHÚ
(01) Tánh, tướng, thể, dụng là bốn khía cạnh của sự vật. THỂ là bản thể hay thật thể của sự vật; TÁNH là tánh chất của sự vật; TƯỚNG là hình sắc của sự vật; DỤNG là công dụng của sự vật.
(02) Phương Tây: Ớ đây là chỉ cho Ấn-độ và các nước Tây-vực.
(03) Câu “Đạo tịnh hành nhi bất tương bội.” đã được tác giả trích trong chương 30 của sách Trung Dung (một trong 4 sách trọng yếu của Nho giáo). Đại ý chương này nói, tất cả mọi thứ đạo lí, dù lớn dù nhỏ, dù cao dù thấp, dù rộng dù hẹp, đều không chống trái nhau, đều có thể thi hành để giúp ích nhân quần xã hội. Phật giáo cũng vậy, tuy là phân chia nhiều tông phái khác nhau, nhưng những tông phái này không hề chống trái nhau, mà đều giúp cho người tu tập đạt được đạo quả giác ngộ giải thoát.
BÀI TẬP
- Hãy kể ra 6 lí do cho thấy Phật pháp cần phải phân chia tông phái.
- Những tông phái nào vốn đã có ở Ấn-độ, và do vị nào hoằng dương?
- Sau khi Phật pháp truyền đến Trung-quốc, trước sau đã có bao nhiêu tông phái được thành lập? Xin hãy kể tên các tông phái ấy.
- 11 tông phái đại thừa, về sau nhập lại còn 8 tông phái, trong đó, tông phái nào đã sáp nhập vào tông phái nào?
- Tập khí là gì?
| mục lục sách | bài tiếp theo |