GIÁO KHOA PHẬT HỌC
Cấp Hai
Nguyên tác Hán ngữ của PHƯƠNG LUÂN cư sĩ
Cư sĩ HẠNH CƠ dịch và chú thích bổ túc
| mục lục sách |
Bài 38
TRÍCH ĐỌC KINH VĂN
(phần 3)
KINH ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA
17. Đức Phật dạy: Quả giác ngộ cao tột không có hai hành tướng, vì sao? Quả giác ngộ không có hai, cũng không có phân biệt. Nếu ở nơi quả giác ngộ mà thực hành hai tướng, có phân biệt, thì không thể chứng đạt. Các vị Bồ-tát đạt được quả giác ngộ, là ở nơi các pháp môn đều không có gì để thực hành, thực hành mà không bám giữ, thực hành mà không có ý niệm về sự buông xả, không có ý niệm rằng ta đang thực hành các pháp môn. Ngài Thiện Hiện thưa: Khi Bồ-tát tu tập tuệ giác, chứng đạt quả giác ngộ mà không có chỗ thực hành nào, thì có phải là không thực hành các pháp lành mà chứng đạt được quả vị giác ngộ cao tột chăng? Đức Phật dạy: Không phải vậy! Quả giác ngộ của Bồ-tát tuy không có chỗ thực hành nào, nhưng cần phải thực hành các pháp lành, trụ nơi thần thông thù thắng, để thành thục hữu tình, nghiêm tịnh Phật độ1. Đến như quả giác ngộ cao tột, tuy không có chỗ thực hành, nhưng cần phải trụ nơi các pháp lành, phải tu tập lâu dài cho công đức viên mãn, mới chứng đạt quả vị giác ngộ cao tột. Phải trụ nơi tự tánh vốn không của tất cả các pháp và tự tánh vốn không của tất cả hữu tình, tu tập công đức cho đến khi viên mãn, mới chứng đạt quả giác ngộ cao tột. Nhưng phải biết rằng, tất cả những gì nói ở đây, đều là tùy thuận theo thế tục mà diễn đạt, trình bày, không phải là thắng nghĩa chân thật, vì sao? Ở trong thắng nghĩa thì không hề có pháp gì có thể nắm bắt được.
18. Đức Phật bảo ngài Thiện Hiện: Hoàn toàn không có một sự vật gì, dù có phân lượng nhỏ như đầu sợi lông, đó là sự thật, không hư vọng; nhưng chúng sinh ở trong đó cứ chấp trước điên đảo, tạo bao nhiêu nghiệp, luân hồi trong các nẻo, không thể thoát khỏi cái khổ sinh tử. Ví như nằm mộng thấy người có niềm vui, người được thấy trong mộng còn không thật có, huống gì là niềm vui. Tất cả các pháp thế gian và xuất thế gian, hữu vi và vô vi, hữu lậu và vô lậu, đều giống như các sự việc được thấy ở trong giấc mộng.
19. Đức Phật bảo ngài Thiện Hiện: Tất cả các pháp phù hợp với tướng sinh diệt đều là huyễn hóa; chỉ có niết bàn là pháp không hư giả; pháp này không phù hợp với tướng sinh diệt, cho nên không phải là huyễn hóa. Dù có hay không có Phật ra đời, bản tính của nó vĩnh viễn là không, đó là niết bàn, chứ không phải thật có một pháp gọi là niết bàn; cho nên có thể nói: không có sinh, không có diệt, không phải huyễn hóa.
20. Không thể trông thấy Như Lai bằng sắc thân. “Như Lai” tức là pháp thân, là cảnh giới chân như của các pháp, không thể nói có đến có đi. Nếu đối với pháp nghĩa sâu xa này mà không hiểu biết một cách chân thật, cứ chấp trước cho rằng thân Như Lai là danh sắc(1), có đến có đi, thì phải biết rằng, người đó đang mê muội đối với pháp tánh, thật là ngu si, bị trôi lăn trong sáu đường, chịu khổ sinh tử, không có một chút trí tuệ nào, không hiểu gì về Phật pháp. Thân của Như Lai không từ đâu đến, trong đó cũng không có người tạo ra, nhưng cũng không thể nói là không nhân duyên sinh. Nhân duyên đó y cứ vào công phu tu tập tịnh hạnh từ bao đời trước đã đến chỗ viên mãn, và cũng y cứ vào chúng sinh từ bao đời trước đã tu hành được thấy Phật, ngày nay nghiệp quả đã thành thục, có được thân Như Lai xuất hiện ở đời; đến khi sức hòa hợp của nhân duyên đã hết thì diệt độ, cho nên nói là không đến không đi.
21. Đức Phật bảo ngài Thiện Hiện: Bồ-tát đã thông đạt tất cả các pháp tự tánh đều không, thì ở trong cái tánh không đó, không thấy có sự vật nào hoặc sinh, hoặc diệt, hoặc nhiễm ô, hoặc thanh tịnh; cũng không hoài nghi rằng ta sẽ đạt được, hoặc sẽ không đạt được quả giác ngộ cao tột; vì sao thế? Khi đã thông đạt tất cả các pháp tự tánh đều không, đó tức là quả giác ngộ cao tột!
22. Đức Phật bảo ngài Thiện Hiện: Nếu có người thiện nam hay thiện nữ nào, dù chỉ một lần xưng niệm danh hiệu “Nam Mô Phật Đà Đại Từ Bi”, thì người thiện nam hay thiện nữ ấy, suốt cùng trong dòng sinh tử, căn lành không mất, thường ở trong các cõi Trời, Người hưởng thọ cảnh giàu sang sung sướng; cho đến kiếp sau cùng sẽ thành Phật và chứng nhập niết bàn.
23. Đức Phật bảo ngài Khánh Hỉ2: Sáu pháp qua bờ là pháp tạng vô tận của Như Lai, tất cả Phật pháp đều từ đó mà phát sinh. Tất cả pháp yếu mà chư Phật trong mười phương ba đời chỉ dạy, cũng rút ra từ pháp tạng vô tận là sáu pháp qua bờ này. Chư Phật trong mười phương ba đời đều nương vào pháp tạng vô tận đó mà tinh cần tu học, và chứng đắc quả vị giác ngộ cao tột.
24. Thiên tử Quang Đức bạch Phật: Chư Phật và Bồ-tát đều ở cõi Phật thanh tịnh, tại sao Thế Tôn lại xuất hiện nơi thế giới Kham-nhẫn3 đầy xấu xa dơ bẩn này? Phật dạy: Chỗ Như Lai ở đều là cõi Phật thanh tịnh, không có chỗ nào là xấu xa dơ bẩn. Đức Phật liền dùng thần lực làm cho cả đại thiên thế giới này, mặt đất bằng phẳng như bàn tay, do lưu li tạo thành, mọi nơi đều có vật báu, hoa thơm, cỏ mịn, suối ao chứa toàn nước tám công đức4, các bệ5 đều làm bằng bảy loại vật báu, tất cả hoa trái cây cỏ đều diễn nói diệu pháp6 Khắp nơi đều có hoa sen, lớn như bánh xe, đủ cả các màu xanh vàng đỏ trắng, quí báu đẹp đẽ. Trong các đài hoa đều có các vị Bồ-tát ngồi kiết già7, tư duy về giáo pháp đại thừa. Thiên tử Quang Đức trông thấy cảnh tượng ấy, tâm rất hoan hỉ, tán thán đức Phật nói điều chân thật, vì chúng sinh phước mỏng nên thấy những gì thanh tịnh thành ra dơ bẩn.
25. Phật dạy: Có ba việc cao thượng bậc nhất: một là phát tâm bồ đề; hai là hộ trì chánh pháp; ba là y theo giáo pháp tu hành. Người tinh tấn tu hành tức là cúng dường Phật một cách chân chính; chỉ cần hộ trì một bài kệ bốn câu của Như Lai, công đức đã nhiều vô lượng, huống chi có thể hộ trì pháp Tuệ Giác Siêu Việt vô cùng sâu xa, là mẹ của chư Phật ba đời5!
CHÚ THÍCH
- Thành thục hữu tình là đối với các hữu tình chúng sinh đáng được hóa độ, thì dùng mọi thứ phương tiện, làm cho nhân duyên của họ được thành thục. Nghiêm tịnh Phật độ là đối với quốc độ nhiếp lãnh, hãy làm cho nó trở nên cực kì nghiêm tịnh, chuẩn bị cho sau khi thành Phật thì lấy đó làm đạo tràng độ sinh; ví như tì kheo Pháp Tạng nhiếp lãnh nước Cực-lạc và phát 48 lời nguyện, là thuộc trường hợp này.
- Ngài A Nan là con của Hộc Phạn vương, tức là em họ của Phật, sinh sau khi Phật thành đạo, cho nên A Nan Đà dịch nghĩa là Khánh Hỉ.(2) (Xin xem lại chú thích số 6, bài 16 ở trước.)
- Xin xem lại chú thích số 1, bài 32, sách Sơ Cấp.
- Trong các ao ở nước Cực-lạc cũng như các biển ở giữa núi Tu-di và bảy núi vàng, đều chứa đầy nước tám công đức. Tám công đức ở nước Cực-lạc là: trong sạch, mát mẻ, ngon ngọt, mềm mại, thấm đượm, an hòa, khi uống vào thì tiêu trừ đói khát và vô lượng lầm lỗi, và sau khi uống rồi thì các căn được nuôi lớn, bốn đại điều hòa; xin xem kinh Xưng Tán Tịnh Độ. Tám công đức ở biển giữa núi Tu-di và bảy núi vàng là: ngọt, mát, mềm, nhẹ, trong sạch, không hôi, uống vào thì không đau yết hầu, uống xong rồi thì không làm đau ruột; xin xem luận Câu Xá.
- Cái bục của hoàng đế gọi là “bệ ”; ở đây mượn chữ này để ví dụ cho cảnh đẹp đẽ.
- Phật, Bồ-tát, thánh hiền, thiện tri thức nói pháp, đó là hữu tình nói pháp; đến như hoa rơi, lá rụng, sao sáng, phướn động, người căn tánh nhạy bén quán sát những hiện tượng ấy cũng có thể chứng nhập đệ nhất nghĩa không, liễu ngộ tông chỉ vô sinh, đó là vô tình thuyết pháp. Cho nên, khắp cả đại địa và mọi loài mọi vật, không lúc nào là không nói pháp.
- Chữ “phu” nghĩa là mu bàn chân; cách thức ngồi của Phật, Bồ-tát gọi là “kết già phu tọa”; có hai cách: Trước, đặt bàn chân phải lên bắp đùi trái, sau, đặt bàn chân trái lên bắp đùi phải, làm cho các ngón chân của hai bàn chân đều nằm ngửa trên hai bắp đùi; rồi bàn tay trái đặt nằm trên bàn tay phải; gọi là thế ngồi “hàng ma”. Trước, đặt bàn chân trái
trên bắp đùi phải, sau, đặt bàn chân phải trên bắp đùi trái, làm cho các ngón chân của hai bàn chân đều nằm ngửa trên hai bắp đùi; rồi bàn tay phải đặt nằm trên bàn tay trái; gọi là thế ngồi “cát tường ”.
- Chư Phật, nếu không tu tập tuệ giác siêu việt thì không thể thành đạo, cho nên mới nói tuệ giác siêu việt đã sinh ra chư Phật ba đời, và gọi đó là mẹ chư Phật.
PHỤ CHÚ
(01) Hai chữ “danh sắc” ở đây có nghĩa là tên gọi và hình tướng.
(02) về điểm này, xin quí vị độc giả xem lại ý kiến của người dịch, được ghi trong chú thích số 5, bài “Tổng Hợp Yếu Chỉ Các Bài 7, 8 và 9”, sách GKPH II, quyển thuợng.
BÀI TẬP
- Hãy giải thích thế nào là “thành thục hữu tình” và “nghiêm tịnh Phật độ”.
- “Không hư giả huyễn hóa” là chỉ cho pháp gì? Tại sao pháp ấy là không phải huyễn hóa?
- Vì nhân duyên gì mà có thân Như Lai xuất hiện ở đời?
- Niệm Phật có điều gì tốt? Hãy thử nêu kinh văn làm chứng cớ.
- Cái gì là pháp tạng vô tận của Như Lai? Pháp yếu mà chư Phật mười phương ba đời giảng dạy, được rút ra từ đâu?
- Phật dạy có ba sự việc cao thượng bậc nhất, đó là ba sự việc gì? Phải như thế nào mới được coi là cúng dường Phật một cách chân chính?
Tổng Hợp Yếu Chỉ Các Bài 37 và 38
- Tuệ giác là phá trừ các tướng. Gọi là “phá trừ các tướng”, một mặt phải tu tập các giáo pháp Phật dạy, một mặt không chấp trước vào tướng tu, không chấp trước vào tướng pháp; cho nên “phá tướng” mà hoàn toàn không phải là đoạn diệt, cũng không phải là không tu. Nếu cố chấp cho rằng các pháp là đoạn diệt, rồi không tu pháp lành, không bỏ pháp dữ, như thế là trái ngược với tuệ giác. Chúng ta chỉ cần xem: trong tuệ giác cao sâu, có năm phần pháp thân diễn bày ra được; có bốn quả Thanh-văn diễn bày ra được; có quả giác ngộ cao tột, có Tam Bảo, có nói pháp độ sinh v.v… diễn bày ra được; thì có thể biết, chỗ liễu ngộ của tuệ giác hoàn toàn không rơi vào hư vô!
- Bồ-tát lấy sự phát tâm làm tiêu chuẩn. Hành giả phát khởi tâm độ mình và độ người, đó là Bồ-tát, còn việc có đoạn hoặc hay không đoạn hoặc, có thần thông hay không có thần thông, đó lại là việc khác; cho nên trong hàng Bồ-tát, phần đông hành giả là phàm phu. Bậc A-la-hán lấy việc đoạn trừ các hoặc và đắc thần thông làm tiêu chuẩn; hễ đoạn trừ sạch hết kiến tư hoặc trong ba cõi, chứng đắc thần thông, tức là A-la-hán. Cho nên trong quả vị A-la-hán, các ngài đều là bậc thánh. Sở dĩ Bồ-tát cao hơn A-la-hán là chính vì đại thừa cao hơn tiểu thừa, người phát tâm cao hơn người không phát tâm, mà không nhất định phải có thần thông cao hơn A-la-hán. Sở dĩ A-la-hán thấp hơn Bồ-tát là chính vì tiểu thừa thấp hơn đại thừa, người không phát tâm thấp hơn người phát tâm, mà không nhất định phải là thần thông thấp hơn Bồ-tát. Điều này cho thấy sự phát tâm trọng yếu biết chừng nào!
- Hành giả nếu muốn trở thành một vị Bồ-tát bất thối, thật không có gì khó khăn, chỉ cần chuẩn bị một số điều kiện là được; đó là: Một, đối với giáo pháp đức Phật đã dạy, tin tưởng sâu sắc, tuyệt đối không nghi ngờ. Hai, không chấp thủ giới cấm, không rơi vào ác kiến, không mê tín đối với những điềm tốt xấu của thế tục. Ba, không kính lễ cúng dường thiên thần và ngoại đạo. Đó là ba điều mà đức Phật đã dạy cho tôn giả Thiện Hiện ở pháp hội Bát Nhã; xin chư vị đệ tử Phật hãy thực hành ba điều này, thì ngay trong đời này đã trở thành Bồ-tát bất thối.
- Một mặt thấy rõ bản tánh tất cả pháp là không, bản tánh tất cả hữu tình là không; một mặt tu tập các công đức cho đến chỗ viên mãn, như thế mới là bát nhã. Nếu thấy rõ bản tánh tất cả pháp là không, bản tánh tất cả hữu tình là không, mà không tu tập pháp lành, không bỏ pháp dữ, đó chỉ là ôm giữ cái không một cách nguy hiểm, hoàn toàn lìa xa bát nhã; đó cũng là nguyên do khiến cho khi mạng chung phải đọa vào ba đường dữ, chịu biết bao đau khổ! Đến lúc đó thì cảnh khổ đau đâu phải là không, y báo và chánh báo cũng đâu phải là không! Ôm giữ cái kiến chấp đoạn diệt sẽ đem lại cái kết quả như thế đó. Thế mới biết bát nhã thật là trân quí!
- Bộ Bát Nhã rất nổi tiếng, là loại kinh điển thuyết minh về tính KHÔNG, nhấn mạnh các pháp đều không. Nhưng chỉ đơn độc đối với pháp môn Niệm Phật, trong quyển thứ 525 của bộ kinh này, đức Thích Tôn đã từng dạy tôn giả Thiện Hiện: “Nếu người thiện nam hay thiện nữ nào, dù chỉ một lần xưng niệm danh hiệu Nam Mô Phật Đà Đại Từ Đại Bi, thì người thiện nam hay thiện nữ ấy, suốt cùng trong dòng sinh tử, căn lành không mất, thường ở trong các cõi Trời, Người hưởng thọ cảnh giàu sang sung sướng; cho đến kiếp sau cùng sẽ chứng nhập niết bàn.” Thế mới biết công đức niệm Phật là vô cùng tận. Chỉ niệm một câu mà còn được như vậy, huống chi là niệm nhiều câu! Đức Thích Tôn cũng chỉ muốn nhân việc mà luận việc. Ngài đã thẳng thắn nói lên sự thật rằng, niệm Phật nhất định có công đức lớn, hiệu quả thật toàn vẹn. Người tu hành trong khắp thiên hạ, nếu có dạ hoài nghi về pháp môn Niệm Phật, xin hãy đọc lời dạy trên của đức Phật, để lấy lại niềm tin.
- Cảnh giới là do nghiệp lực hiện bày. Cùng một cảnh giới, nhưng do nghiệp lực khác nhau mà những gì hiện bày không giống nhau; như kinh Di Lặc Hạ Sinh nói: Thế giới Ta-bà này, khi con người sống đến tám vạn tuổi thì đức Di Lặc hạ sinh; lúc đó mặt đất không có gai gốc, chỉ toàn cỏ mịn, lúa thơm tự xuất hiện, cây sản sinh y phục, nhiều màu sắc đẹp đẽ, hoa trái đầy khắp. Đó là cùng một quốc độ mà cảnh sắc trước sau không giống nhau. Lại như kinh Hoa Nghiêm nói: Long vương chỉ cho mưa xuống một thứ nước mưa, mà ở cõi trời Tha-hóa thì thành ra âm nhạc, ở cõi trời Hóa-lạc thì thành ngọc ma-ni, ở cõi trời Đâu-suất thì thành ra vật dụng trang nghiêm, ở cõi trời Dạ-ma thì thành bông hoa vi diệu, ở cõi trời Đao- lợi thì thành mùi thơm, ở cõi trời Tứ-thiên-vương thì thành y phục quí báu, ở Long-cung thì thành ngọc xích-châu, ở thế giới Tu-la thì thành đao binh, ở châu Bắc-câu-lô thì thành hoa. Lại nữa, chư thiên thấy nước là ngọc lưu-li, rồng thấy nước là mây khói, ngạ quỉ thấy nước là máu tanh v.v…, cùng là một vật mà các loài thọ dụng không giống nhau. Vậy thì ở pháp hội Bát Nhã, đức Phật đã dùng thần lực làm cho cả đại thiên thế giới khôi phục lại cái bản lai diện mục của nó, là cõi Tịnh-độ lưu-li khắp đầy bảy báu; quả thật đâu có gì lạ! Nếu cần tìm hiểu: “Tại sao tịnh độ lại trở thành uế độ?” Thì tám chữ của thiên tử Quang Đức: “Hữu tình phước mỏng, thấy sạch thành dơ”, đủ nói lên đầy đủ cái ý nghĩa ấy. Thế mới biết, sự trọng yếu của tu phước không thua gì tu tuệ; cho nên muốn vãng sinh về Tịnh- độ, cần phải vun trồng căn lành, phước đức, làm nhân duyên vậy.
| mục lục sách | bài tiếp theo |