SỐ 1537
BỘ TỲ ĐÀM
LUẬN A TỲ ĐẠT MA PHÁP UẨN TÚC
(S. Abhidharma dharma-skandha-pada)
Tác giả: Tôn giả Đại Mục Kiền Liên.
Hán dịch: Đời Đường, Tam Tạng Pháp sư Huyền Trang.
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
| Quyển 1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 | 11 | 12 |
QUYỂN 5
Phẩm 8: THẦN TÚC, Phần 2
Tâm Tam-ma-địa Thắng hạnh thành tựu thần túc, thì Tâm là sao, Tam-ma-địa là sao, Thắng là sao, Thắng hạnh là sao…? Sao gọi là Tâm Tam-ma-địa thắng hạnh thành tựu thần túc?
Tâm, nghĩa là y vào pháp thiện tạo nên sự xuất gia và biết lìa bỏ mà khởi tâm ý thức, đó gọi là Cần.
Tam-ma-địa, nghĩa là do tâm cao độ mà khởi lên các tâm trụ đều trụ, trụ gần, an trụ, tâm không phân tán, không loạn động, ngăn giữ, kiềm chế, có tính chất của tâm chuyên chú một cảnh, thì gọi là Tam- ma-địa.
Thắng, nghĩa là khởi tâm cao độ đối với tám chi Thánh đạo, đó là Thắng.
Thắng hạnh, nghĩa là có vị Bí-sô dựa vào tâm quá khứ đã được Tam-ma-địa thì gọi là Tâm Tam-ma-địa. Người này đã thành tựu được Tâm Tam-ma-địa rồi liền muốn đoạn trừ tất cả các điều dữ chẳng thiện đã sinh ra, nên khởi lòng ham thích, rộng nói cho đến quyết ý muốn các pháp thiện đã sinh rồi sẽ bền bỉ trụ mãi, cho đến giữ gìn tâm. Người này vì có dục hoặc cần hoặc tín…, cho đến hoặc xả, cho nên gọi là Thắng hạnh. Tức là Thắng hạnh này cùng với Tâm Tam-ma-địa đã nói trước đây, gọi chúng là Tâm Tam-ma-địa Thắng hạnh thành tựu thần túc.
Như y vào tâm của quá khứ, mà dựa vào hiện tại hay vị lai, thiện hay bất thiện-vô ký, có liên hệ đến các cõi Dục, cõi Sắc, Vô sắc, việc học, vô học hay phi học phi vô học, việc đã đoạn kiến, đoạn tu và không phải đoạn tâm… Rộng nói cũng như thế.
Lại có Bí-sô đối với các pháp thiện mà lại có tâm quá thấp kém yếu ớt. Người này nghĩ: Ta nay không nên có tâm quá thấp kém yếu ớt đối với các pháp thiện, đúng lý ra đối với các pháp thiện thì ta không nên có tâm quá thấp kém yếu ớt. Do người này có tâm lực tăng cao nên được Tam-ma-địa. Đó gọi là Tâm Tam-ma-địa. Người này đã thành tựu được Tâm Tam-ma-địa rồi liền quyết ý muốn đoạn trừ tất cả các pháp ác chẳng thiện đã sinh, nên khởi lên lòng ham thích…, rộng nói cho đến việc muốn khiến các pháp thiện đã sinh sẽ bền bỉ trụ mãi cho đến giữ gìn tâm. Người này có dục hoặc cần hoặc tín…, cho đến hoặc xả…, cho nên gọi là Thắng hạnh. Tức là Thắng hạnh này cùng với Tâm Tam-ma- địa đã nói ở trước, gọi chung là Tâm Tam-ma-địa Thắng hạnh thành tựu thần túc.
Lại có vị Bí-sô khởi lên tâm ác. Người này nghĩ: Ta nay không nên khởi lên tâm ác, đúng theo lý thì ta phải đoạn trừ tâm dữ chẳng tốt lành. Người này do có tâm lực cao độ nên được Tam-ma-địa. Đó gọi là Tâm Tam-ma-địa. Người này đã thành tựu được Tâm Tam-ma-địa rồi liền quyết ý muốn đoạn trừ tất cả các điều ác chẳng thiện đã sinh nên khởi lòng ham thích, rộng nói cho đến vì muốn khiến các pháp thiện đã sinh rồi sẽ luôn bền bỉ trụ mãi cho đến giữ gìn tâm. Người này vì có dục hoặc cần hoặc tín…, cho đến hoặc xả…, cho nên gọi là Thắng hạnh. Tức là Thắng hạnh này cùng với Tâm Tam-ma-địa đã nói trước đây, gọi chung là Tâm Tam-ma-địa Thắng hạnh thành tựu thần túc.
Lại có vị Bí-sô khởi lên tham sân si cùng đi chung với tâm dữ. Người này nghĩ: Ta nay không nên khởi sinh tham sân si cùng đi chung với tâm dữ, đúng theo lý thì ta phải đoạn trừ tham sân si cùng đi với tâm dữ mà phải tu tập không tham, không sân, không si và tâm tốt lành. Người này do tâm lực cao độ nên được Tam-ma-địa. Đó gọi là Tâm Tam-ma-địa. Người này đã thành tựu được Tâm Tam-ma-địa rồi liền muốn đoạn trừ tất cả các pháp ác chẳng thiện đã sinh, nên phát khởi lòng ham thích… Rộng nói cho đến muốn khiến các pháp thiện đã sinh rồi sẽ luôn bền bỉ trụ mãi…, cho đến giữ gìn tâm. Người này vì có dục hoặc cần hoặc tín…, cho đến hoặc xả, nên gọi là Thắng hạnh. Tức là Thắng hạnh này cùng với Tâm Tam-ma-địa đã nói trước đây, gọi chung là Tâm Tam-ma-địa Thắng hạnh thành tựu thần túc.
Lại có vị Bí-sô khởi việc chẳng từ bỏ tham – sân – si và tâm dữ. Người này nghĩ: Nay ta không thể nào chẳng từ bỏ tham – sân – si và tâm dữ, đúng theo lý thì ta phải đoạn trừ việc chẳng từ bỏ tham – sân – si và tâm dữ mà lo tu tập việc lìa bỏ tham – sân – si và tâm tốt lành. Do người này có tâm lực tăng cao nên được Tam-ma-địa. Đó gọi là Tâm Tam-ma-địa. Người này thành tựu được Tâm Tam-ma-địa rồi liền vì muốn đoạn trừ tất cả các điều ác chẳng thiện đã sinh, nên khởi lên lòng ham thích. Rộng nói cho đến vì muốn khiến các pháp thiện đã sinh rồi sẽ luôn bền bỉ trụ mãi…, cho đến giữ gìn tâm. Người này vì có dục hoặc các thứ như cần- tín… cho đến xả, nên gọi là Thắng hạnh. Tức là Thắng hạnh này cùng với Tâm Tam-ma-địa đã nói trước đây, gọi chung là Tâm Tam-ma-địa Thắng hạnh thành tựu Thần túc.
Lại có vị Bí-sô, đối với các pháp thiện sinh tâm không hề yếu ớt kém cỏi, tức là rất mạnh mẽ. Người này nghĩ: Đối với các pháp thiện ta có tâm rất mạnh mẽ, như thế thật rất đúng lý. Người này do đó có tâm lực cao độ nên có được Tam-ma-địa. Đó gọi là Tâm Tam-ma-địa. Người này thành tựu được Tâm Tam-ma-địa rồi vì quyết ý muốn trừ bỏ tất cả điều ác chẳng thiện đã sinh, nên khởi sự ham thích… Rộng nói cho đến vì muốn khiến tất cả các pháp thiện đã sinh rồi thì sẽ luôn bền bỉ trụ mãi…, cho đến giữ gìn tâm. Người này vì có dục hoặc các thứ như cần- tín… cho đến xả, nên gọi là Thắng hạnh. Tức là Thắng hạnh này cùng với Tâm Tam-ma-địa đã nói trước đây, gọi chung là Tâm Tam- ma-địa Thắng hạnh Thần túc.
Lại có vị Bí-sô khởi lên tâm thiện. Người này nghĩ: Nay ta khởi lên tâm thiện, thật rất đúng lý. Người này do đó, có tâm lực tăng lên cao độ nên có được Tam-ma-địa. Đó gọi là Tâm Tam-ma-địa. Người này đã thành tựu được Tâm Tam-ma-địa rồi liền muốn đoạn trừ tất cả các điều dữ chẳng thiện đã sinh ra, nên khởi lòng ham thích… Rộng nói cho đến quyết ý muốn cho các pháp thiện đã sinh sẽ luôn bền bỉ trụ mãi…, cho đến gìn giữ tâm. Người này vì có dục hoặc các thứ như cần- tín…, cho đến xả, nên gọi là Thắng hạnh. Tức là Thắng hạnh này cùng với Tâm Tam-ma-địa đã nói trước đây, gọi chung là Tâm Tam-ma-địa Thắng hạnh thành tựu thần túc.
Lại có vị Bí-sô sinh khởi không tham, không sân, không si cùng đi với tâm thiện. Người này nghĩ: Nay ta sinh khởi không tham, không sân, không si cùng đi với tâm thiện, thật rất đúng lý. Người này do đó có tâm lực tăng cao độ nên có được Tam-ma-địa. Đó gọi là Tâm Tam-ma-địa. Người đó đã thành tựu được Tâm Tam-ma-địa rồi liền muốn đoạn dứt tất cả các điều ác chẳng thiện đã sinh nên khởi lòng ham thích… Rộng nói cho đến vì quyết ý muốn các pháp thiện đã sinh rồi thì sẽ bền bỉ trụ mãi… cho đến giữ gìn tâm… Người này vì có Dục hoặc các thứ khác như cần, tín… cho đến xả, nên gọi là Thắng hạnh. Tức là cái Thắng hạnh này cùng với Tâm Tam-ma-địa đã nói trước đây, thì gọi chung là Tâm Tam-ma-địa Thắng hạnh thành tựu thần túc.
Lại có vị Bí-sô khởi lên việc từ bỏ tham sân si và lại có tâm thiện. Người này nghĩ: Ta nay khởi lên tâm thiện và lìa bỏ tham sân si thì thật là rất đúng lý. Do người này có tâm lực tăng lên cao độ nên có được Tam-ma-địa. Đó gọi là Tâm Tam-ma-địa. Người này đã thành tựu được Tâm Tam-ma-địa rồi thì quyết ý muốn đoạn dứt tất cả các pháp ác chẳng thiện đã sinh ra, nên khởi lòng ham thích… Rộng nói cho đến vì muốn khiến các pháp thiện đã sinh rồi sẽ bền bỉ trụ mãi…, cho đến giữ gìn tâm. Người này vì có dục hoặc các thứ như cần – tín…, cho đến xả, nên gọi là Thắng hạnh. Tức là Thắng hạnh này cùng với Tâm Tam-ma- địa đã nói từ trước, gọi chung là Tâm Tam-ma-địa Thắng hạnh thành tựu thần túc.
Tất cả Tâm Tam-ma-địa đều từ tâm mà khởi lên, đó là chỗ tụ tập của tâm, là chủng loại của tâm, là chỗ sinh ra tâm. Cho nên gọi là Tâm Tam-ma-địa Thắng hạnh thần túc.
4. Quán Tam-ma-địa Thắng hạnh thành tựu thần túc thì quán là sao? Tam-ma-địa là sao? Thắng là sao? Thắng hại là sao? Sao gọi là Quán Tam-ma-địa Thắng hạnh thành tựu thần túc?
Quán, nghĩa là y vào pháp thiện tạo nên do sự xuất gia và biết từ bỏ xa lìa mà khởi lên. Đối với pháp tuyển chọn (tuyển chọn cái đúng nhất) thì rất tuyển chọn, tuyển chọn rốt ráo cùng cực, hiểu rõ, hiểu tất cả, hiểu gần, thông suốt mọi lẽ ẩn kín, xét biết sáng suốt, trí sáng suốt biết rõ tất cả Tỳ-bát-xá-na. Đó gọi là Quán.
Tam-ma-địa, nghĩa là khởi quán tăng lên cao độ, các tâm trụ đều trụ vào, trụ gần, an trụ, không phân tán, không loạn động, luôn yên nghĩ, là tính chất của tâm chuyên chú vào một cảnh, thì gọi là Tam-ma- địa.
Thắng, quán cao độ khởi lên đối với tám chi Thánh đạo, đó gọi là Thắng.
Thắng hạnh, nghĩa là có vị Bí-sô y vào quán thời quá khứ đã được Tam-ma-địa, đó gọi là Quán Tam-ma-địa. Người này đã thành tựu được Quán Tam-ma-địa rồi liền quyết đoạn trừ tất cả các điều ác chẳng thiện đã sinh ra, nên khởi lòng ham thích… Rộng nói cho đến, vì ham muốn khiến cho các pháp thiện đã sinh rồi thì sẽ bền bỉ, trụ mãi…, cho đến giữ gìn tâm. Người này vì có dục hoặc căn hoặc tín…, cho đến hoặc xả, cho nên gọi là Thắng hạnh. Tức là Thắng hạnh này cùng với Quán Tam-ma-địa đã nói trước đây, gọi chung là Quán Tam-ma-địa Thắng hạnh thành tựu thần túc.
Cũng như y vào quán thời quá khứ, mà y vào thời vị lai hoặc hiện tại, thiện hoặc bất thiện hay vô ký, các thứ liên hệ đến các cõi Dục, cõi Sắc, Vô sắc, có học hoặc vô học, hoặc phi học phi vô học, kiến đã đoạn, tu đã đoạn, chẳng phải đoạn quán… Rộng nói cũng như thế.
Lại có vị Bí-sô đối với các pháp thiện không chịu quán xét. Người này nghĩ: Ta nay không thể không quán xét các pháp thiện, đúng theo lý thì đối với các pháp thiện ta phải an trụ vào sự quán xét kỹ lưỡng. Do đó người này có sức quan sát cao độ nên có được Tam-ma-địa. Đó gọi là Quán Tam-ma-địa. Người này đã thành tựu được Quán Tam-ma-địa rồi liền quyết đoạn trừ tất cả các điều ác chẳng thiện đã sinh ra, nên khởi lòng ham thích… Rộng nói cho đến vì muốn khiến các pháp thiện đã sinh rồi thì luôn bền bỉ trụ mãi…, cho đến giữ gìn tâm. Người này vì có dục hoặc cần, hoặc tín…, cho đến hoặc xả, nên gọi là Thắng hạnh. Tức là Thắng hạnh này cùng với Tam-ma-địa đã nói trước đây, gọi chung là Quán Tam-ma-địa Thắng hạnh thành tựu thần túc.
Lại có vị Bí-sô khởi lên quán tưởng xấu ác. Người này nghĩ: Ta nay không nên khởi lên quán tưởng xấu ác, đúng theo lý thì ta phải đoạn trừ cái quán tưởng xấu ác mà tu tập cái quán xét tốt lành. Do sức quán cao độ này mà người đó có được Tam-ma-địa. Đó gọi là Quán Tam- ma-địa. Người này đã thành tựu được Quán Tam-ma-địa rồi liền muốn đoạn trừ tất cả các điều xấu ác chẳng thiện, nên khởi lòng ham thích… Rộng nói cho đến vì muốn khiến các pháp thiện đã sinh rồi sẽ luôn bền bỉ trụ mãi…, cho đến giữ gìn tâm. Người này vì có dục hoặc cần, hoặc tín… cho đến hoặc xả, nên gọi là Thắng hạnh. Tức là Thắng hạnh này cùng với Tam-ma-địa đã nói trước đây, gọi chung là Quán Tam-ma-địa Thắng hạnh thành tựu thần túc.
Lại có vị Bí-sô sinh khởi lên quán tưởng xấu ác cùng đi với tham- sân – si. Người này nghĩ: Ta nay không nên khởi lên quán tưởng xấu ác cùng đi với tham – sân – si, đúng theo lý thì ta phải đoạn trừ tham- sân – si cùng đi với quán tưởng xấu ác mà tu tập việc không tham – sân – si cùng đi với quán tưởng tốt lành. Do sức quán cao độ này mà người đó có được Tam-ma-địa. Đó gọi là Quán Tam-ma-địa. Người này đã thành tựu được Quán Tam-ma-địa rồi liền muốn quyết đoạn trừ hết tất cả các điều ác chẳng thiện đã sinh ra, nên khởi lòng ham thích… Rộng nói cho đến vì muốn khiến cho các pháp thiện đã sinh rồi sẽ luôn bền bỉ trụ mãi…, cho đến giữ gìn tâm. Người này vì có dục hoặc cần, hoặc tín…, cho đến hoặc xả, nên gọi là Thắng hạnh. Tức là Thắng hạnh này cùng với Tam-ma-địa đã nói trước đây, gọi chung là Quán Tam-ma-địa Thắng hạnh thành tựu thần túc.
Lại có vị Bí-sô sinh khởi ý niệm không từ bỏ tham – sân – si và quán tưởng xấu. Người này nghĩ: Ta nay không nên khởi lên ý niệm không lìa tham – sân – si và quán tưởng xấu, đúng theo lý thì ta phải đoạn trừ việc không lìa bỏ tham – sân – si và quán tưởng xấu mà tu tập việc lìa bỏ tham – sân – si và quán tưởng tốt lành. Do sức quán cao độ này mà người đó có được Tam-ma-địa. Đó gọi là Quán Tam-ma-địa. Người này đã thành tựu được Quán Tam-ma-địa rồi liền quyết vì đoạn trừ hết tất cả các điều xấu ác chẳng thiện đã sinh nên khởi lòng ham thích… Rộng nói cho đến muốn các pháp thiện đã sinh thì sẽ bền bỉ trụ mãi…, cho đến giữ gìn tâm. Người này vì có dục hoặc cần, hoặc tín… cho đến hoặc xả, nên gọi là Thắng hạnh. Tức là Thắng hạnh này cùng với Quán Tam-ma-địa đã nói trước đây, gọi chung là Quán Tam-ma-địa Thắng hạnh thành tựu thần túc.
Lại có vị Bí-sô đối với các pháp thiện luôn an trụ trong quán xét. Người này nghĩ: Ta đã luôn quán xét kỹ lưỡng các pháp thiện, thật là rất đúng lý. Do sức quán cao độ đó mà người ấy có được Tam-ma-địa. Đó gọi là Quán Tam-ma-địa. Người này đã thành tựu được Quán Tam- ma-địa rồi liền vì quyết đoạn trừ hết tất cả các pháp ác chẳng thiện đã sinh ra, nên khởi lòng ham thích… Rộng nói cho đến vì muốn khiến cho các pháp thiện đã sinh thì sẽ luôn bền bỉ trụ mãi…, cho đến giữ gìn tâm. Người này vì có dục hoặc cần, hoặc tín…, cho đến hoặc xả, nên gọi là Thắng hạnh. Tức là Thắng hạnh này cùng với Quán Tam ma địa đã nói trước đây gọi chung là Quán Tam-ma-địa Thắng hạnh thành tựu thần túc.
Lại có vị Bí-sô sinh khởi quán tưởng thiện. Người này nghĩ: Ta nay khởi lên sự quán tưởng thiện như thế thật là rất đúng lý. Do sức quán cao độ đó nên người ấy có được Tam-ma-địa. Đó gọi là Quán Tam-ma-địa. Người này đã thành tựu được Quán Tam-ma-địa rồi thì quyết ý đoạn trừ hết các pháp ác chẳng thiện đã sinh ra, nên khởi lòng ham thích… Rộng nói cho đến vì muốn khiến cho các pháp thiện đã sinh thì sẽ luôn bền bỉ trụ mãi… cho đến giữ gìn tâm. Người này vì có dục hoặc cần, hoặc tín…, cho đến hoặc xả, nên gọi là Thắng hạnh. Tức là Thắng hạnh này cùng với Quán Tam-ma-địa đã nói trước đây, gọi chung là Quán Tam-ma-địa Thắng hạnh thành tựu thần túc.
Lại có vị Bí-sô sinh khởi việc không tham, không sân, không si cùng đi với sự quán tưởng thiện. Người này nghĩ: Ta nay đã khởi lên việc không tham, không sân, không si cùng đi với sự quán tưởng thiện thì thật là đúng lý. Người này do sức quán cao độ ấy mà có được Tam- ma-địa. Đó gọi là Quán Tam-ma-địa. Người này đã thành tựu được Quán Tam-ma-địa rồi liền quyết ý đoạn trừ hết các pháp xấu ác chẳng thiện đã sinh, nên khởi lòng ham thích… Rộng nói cho đến vì muốn khiến cho các pháp thiện đã sinh thì sẽ luôn bền bỉ trụ mãi…, cho đến giữ gìn tâm. Người này vì có dục hoặc cần, hoặc tín…, cho đến hoặc xả, nên gọi là Thắng hạnh. Tức là Thắng hạnh này cùng với Quán Tam- ma-địa đã nói trước đây, gọi chung là Quán Tam-ma-địa Thắng hạnh thành tựu thần túc.
Lại có vị Bí-sô sinh khởi ý niệm từ bỏ tham – sân – si và nỗ lực quán tưởng thiện. Người này nghĩ: Ta nay đã sinh khởi ý niệm từ bỏ tham – sân – si cùng đi với sự quán tưởng thiện, thật rất đúng lý. Do sức quán cao độ này nên người ấy có được Tam-ma-địa. Đó gọi là Quán Tam-ma-địa. Người này đã thành tựu được Quán Tam-ma-địa rồi liền quyết ý đoạn trừ hết tất cả các điều xấu ác chẳng thiện đã sinh ra, nên khởi lòng ham thích… Rộng nói cho đến vì muốn khiến cho các pháp thiện đã sinh rồi thì sẽ luôn bền bỉ trụ mãi…, cho đến giữ gìn tâm. Người này vì có dục hoặc cần, hoặc tín…, cho đến hoặc xả, nên gọi là Thắng hạnh. Tức là Thắng hạnh này cùng với Quán Tam-ma-địa đã nói trước đây, gọi chung là Quán Tam-ma-địa Thắng hạnh thành tựu thần túc.
Tất cả các Quán Tam-ma-địa đều từ quán này mà khởi lên đó là nơi tụ tập của quán, là giống nòi của quán, là nơi sinh ra quán…, cho nên gọi là Quán Tam-ma-địa Thắng hạnh thành tựu thần túc.
Vì sao bốn thứ trên đây gọi là thần túc? Nghĩa là có thần thông biến hóa. Đã có, sẽ có và đang có tánh thần thông biến hóa. Đó là việc có thể biến một thành nhiều, hoặc nhiều thành một, hoặc ẩn hoặc hiện. Chính cái trí ta thấy rõ được các sự biến hóa này. Thí dụ như thân có thể chui qua trót lọt không chút trở ngại nào với các thứ rất dày và cứng như tường gạch vách đá v.v…, hoặc bay vút lên hư không, hoặc chui sâu vào đất đen, hoặc hiện ra rồi biến mất một cách tự tại vô ngại. Có khi ở trong nước, hoặc chui vào những chất cứng như đất đá, hay ở giữa khoảng không. Có khi làm nước chảy ngược lại hoặc đổi dòng. Lúc thì chui vào đất ngồi kiết già, có lúc vút lên hư không bay lượn như chim rồi trở về mà không chút trở ngại gì. Ngay cả mặt trời mặt trăng to lớn thần diệu uy nghiêm rực rỡ như thế, mà đưa tay sờ nắm như thứ đồ chơi cũng chẳng khó khăn gì. Cho đến cả cõi trời Phạm thế cũng tự do dời đổi, thật là diệu dụng khó lường… Tất cả điều đó gọi là thần túc, nghĩa là do các sự biến hóa đó mà cố gắng siêng năng tinh chuyên luyện tập không gián đoạn, cho đến lúc thành tựu được chủ đích hiệu quả, thì có thể biến hóa được hoặc nương vào phép thần biến đó…, nên gọi là túc. Lại còn bốn thứ định đặc biệt này cũng gọi là thần, cũng gọi là túc. Vì có diệu dụng thật khó lường, nó làm chỗ nương cho bao nhiêu công đức cao quý.
Vả lại, bốn thứ thần túc đó chính là giả lập, nó tùy theo danh ngôn tư tưởng mà nói năng, gọi là thần túc.
Phật cùng đệ tử nhiều hơn cát sông Hằng đều cùng đặt ra tên gọi như thế. Vả lại bốn thứ thần túc này, tức là Dục, Cầu, Tâm, Quán đã nói trước đây, là bốn thứ Tam-ma-địa Thắng hạnh thành tựu nên gọi chung là thần túc.
Phẩm 9: NIỆM TRÚ, Phần 1
Thuở ấy, Đức Bạc-già-phạm ngụ tại vườn Cấp-cô-độc, rừng Thệ- đa, thuộc thành Thất-la-phiệt.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo với chúng Bí-sô: Ta sẽ nói tóm tắt cho các thầy biết về cách tu hành bốn pháp niệm trụ (thân, thọ, tâm, pháp). Nghĩa là như có vị Bí-sô đối với bên trong thân mình mà theo dõi quan sát tìm hiểu với đủ các thứ siêng năng, biết đúng, nghĩ nhớ đúng (chánh cần, chánh tri, chánh niệm) và dẹp bỏ dứt hẳn sự tham lam lo sầu ở đời. Và đối với bên ngoài thân xác, thì người này cũng theo dõi quan sát tìm hiểu với đủ cả chánh cần, chánh tri, chánh niệm và dẹp bỏ tham sầu ở đời. Rồi người này theo dõi quan sát tìm hiểu cả trong lẫn ngoài của thân xác cũng đủ các thứ chánh cần, chánh tri, chánh niệm và lìa bỏ các tham lam lo sầu ở đời.
Đối với trong và ngoài của ba thứ Thọ – Pháp – Tâm, rộng nói ra cũng thế. Và trong hiện tại các việc tu tập bốn pháp niệm trụ ấy ra sao thì ở quá khứ hay vị lai cũng nên biết đều là như thế.
1. Thế nào là trụ theo dõi quan sát tìm hiểu bên trong của thân mình với đầy đủ các thứ siêng năng đúng, biết đúng, nhớ nghĩ đúng và dẹp bỏ mọi tham lam lo sầu ở đời?
Bên trong thân, tức là chính cái thân thể của mình trong lúc nó đang hiện sống, đang liên tục hoạt động, nay đã có mà chưa mất.
Đối với bên trong thân mình mà theo dõi quan sát tìm hiểu… Nghĩa là có vị Bí-sô đối với trong thân mình, từ đầu đến chân, tùy theo từng nơi, từng cơ quan bộ phận mà quan sát suy tư tìm xét tất cả các thứ đều là nhớp nhơ, không có cái gì sạch cả. Như trong thân thì gồm có: Tóc, lông, răng, móng, cáu ghét, da thịt, gân, mạch máu, xương tủy, xương đùi (dài), thận, tim, phổi, gan, mật, ruột, dạ dày, mỡ lỏng, óc não, màng nhầy, máu mủ, mỡ bụng, nước mắt, mồ hôi, nước mũi, nước miếng, hai tạng sống và chín, phân nước tiểu. Trong khi suy nghĩ các thứ nhơ bẩn như thế…, thì đối với pháp sẽ ra sức nhận biết tuyển chọn kỹ lưỡng, tuyển chọn cùng cực, hiểu rõ, hiểu tất cả, hiểu gần. Thông hiểu sáng suốt, thẩm xét tinh tường, thông minh sáng suốt, Tỳ-bát-xá- na. Đó là theo dõi quan sát trong thân, cũng gọi là Thân niệm trụ. Để thành tựu sự quan sát này thì luôn quan sát trong hiện tại, hoặc khắp mọi lúc, mọi nơi đều thực hiện các quan sát này và phải biết tùy trường hợp hoàn cảnh mà thích nghi quan sát, nên gọi là Trụ.
Người quan sát này lại giỏi phát khởi tánh siêng năng cần mẫn với sức mạnh mẽ, hăng hái tột độ khó ai ngăn cản, cố gắng mãi không thôi. Và trong sự siêng năng này lại thêm lanh lợi nhanh nhẹn tháo vác…, nên gọi là chánh cần đầy đủ.
Người quan sát này giỏi sáng suốt tuyển chọn các pháp cho đến Tỳ-bát-xá-na, lại thường khởi các trí tuệ sáng suốt đặc biệt và càng ngày càng trở nên sáng suốt cao độ, tột bậc, vẹn toàn cùng cực! Đó gọi là chánh tri đầy đủ.
Người quan sát này đầy đủ các niệm nghĩ nhớ, nghĩ nhớ theo, nghĩ nhớ chuyên biệt, nghĩ nhớ các việc đã qua, không hề quên mất, lầm lẫn, sai sót…, có tính chất không quên mất, và tâm sáng suốt ghi nhớ lâu, nên gọi là chánh niệm đầy đủ.
Tham, nghĩa là đối với các cảnh dục có mọi thứ tham, cùng tham, rồi cầm nắm, cất giữ, chấp chặt, yêu mến, mê mẩn, đắm say ham thích tột độ. Luôn mong cầu ràng buộc nội tâm, đam mê tụ tập bao nhiêu khổ, các chủng loại tham, sự sinh ra tham…, gọi chung là tham lam.
Khi tiếp xúc nhận được các cảm giác lo buồn, khởi lên buồn lo, các cảm giác không tự nhiên bình thường mà bị lo buồn ảnh hưởng. Gọi chung là lo sầu.
Người quan sát này khi tu pháp quán tưởng này, nên đối với hai thứ tham và ái của cuộc đời mà giỏi đoạn trừ, biết khắp, xa lìa và xa lìa cùng cực, điều phục và điều phục cùng cực, diệt trừ cho hết sạch, nên gọi là dẹp bỏ mọi tham lam lo sầu ở đời.
Lại có vị Bí-sô đối với thân mình mà suy tư quan sát thấy rõ các lĩnh vực khác nhau. Nghĩa là trong thân xác này chỉ gồm các thứ như đất, nước, lửa, gió, không và thức. Khi suy tư về tướng của các lĩnh vực như thế, mà khởi lên sự tuyển chọn…, cho đến Tỳ-bát-xá-na. Đó gọi là theo dõi quan sát nội thân, cũng gọi là Thân niệm trụ, trụ vào đầy đủ các thứ chánh cần, chánh tri, chánh niệm và dẹp bỏ mọi thứ sầu lo ở đời…, đều như trước đã nói.
Lại có vị Bí-sô đối với thân mình (nội thân) mà suy tư quan sát thấy có nhiều thứ hoạn nạn lầm lỗi. Nghĩa là trong thân này đủ các thứ bệnh, là ung nhọt ghẻ lở, là vết thương đau của tên độc. Nó là vô thường, khổ, không, phi ngã (vô ngã), nó luôn chuyển động không ngừng, mệt mỏi rã rời, gầy yếu… Nó là pháp mất mát hư hoại vô cùng nhanh chóng không hề dừng, nó luôn hư hao rã rục không thường còn, không thể bảo đa tin tưởng được, nó là pháp luôn dời đổi hư hoại… Khi suy tư các hoạn nạn của thân như thế, thì đối với pháp nên khởi lên sự tuyển chọn chấp nhận…, cho đến Tỳ-bát-xá-na. Đó gọi là theo dõi quan sát nội thân, cũng gọi là Thân niệm trụ, trụ đầy đủ với chánh cần, chánh tri, chánh niệm và dẹp bỏ mọi thứ sầu lo ở thế gian, cũng như trước đã nói.
Thế nào là trụ theo dõi quan sát tìm hiểu bên ngoài thân, với đầy đủ các thứ chánh cần, chánh tri, chánh niệm và dẹp bỏ mọi tham lam lo sầu ở đời?
Ngoài thân, tức là thân mình đang tiếp nối sống trong hiện tại, cái chưa được mà đã mất và hết thảy thân tướng của loài hữu tình khác, mình ở bên ngoài mà theo dõi quan sát tìm hiểu. Nghĩa là có thầy Bí-sô đối với nội thân của người khác, từ đầu đến chân tùy theo mọi chỗ mà suy tư quan sát tìm hiểu các thứ đầy nhơ bẩn không sạch. Nghĩa là trong thân này chỉ có các thứ tóc, lông, răng, móng… Rộng nói cho đến đi tiêu đi tiểu…, khi suy tư nghĩ đến các vật nhớp nhơ như thế, thì khởi lên sự tuyển chọn kỹ lưỡng cho đến Tỳ-bát-xá-na. Đó là theo dõi quan sát ngoài thân. Cũng gọi là Thân niệm trụ, trụ đầy đủ với các chánh cần, chánh tri, chánh niệm và dẹp bỏ các thứ tham lam lo sầu ở đời, cũng như trước đã nói.
Lại có vị Bí-sô, đối với nội thân người khác mà tư duy quan sát tìm hiểu các lĩnh vực khác nhau. Nghĩa là trong thân ta chỉ có các thứ là đất, nước, lửa, gió, không và thức. Khi tư duy quán xét tướng trạng của các lĩnh vực như thế thì khởi lên sự tuyển chọn các pháp…, cho đến Tỳ- bát-xá-na. Đó là theo dõi quan sát ngoại thân, cũng gọi là Thân niệm trụ, trụ đầy đủ các thứ chánh cần, chánh tri, chánh niệm và dẹp bỏ các tham lam lo sầu ở thế gian, như trước đã nói.
Lại có vị Bí-sô, đối với nội thân người khác mà suy tư quan sát tìm hiểu về các hoạn nạn lỗi lầm… Nghĩa là cái thân kia nó như các thứ bệnh, các ung nhọt ghẻ lở… Rộng nói cho đến là pháp biến dời hư nát… Khi suy tư quan xét về các hoạn nạn của thân thì khởi lên sự tuyển chọn các pháp kỹ lưỡng cho đến Tỳ-bát-xá-na. Đó là theo dõi quan sát ngoại thân (thân người khác). Cũng gọi là Thân niệm trụ, trụ đầy đủ các thứ chánh cần, chánh tri, chánh niệm và dẹp bỏ các tham lam lo sầu ở đời, cũng như trước đã nói.
Thế nào là đối với trong và ngoài thân mà theo dõi quan sát tìm hiểu với đầy đủ các thứ chánh cần, chánh tri, chánh niệm và dẹp bỏ mọi tham lam lo sầu ở đời?
Bên trong thân (nội thân), tức là thân của mình hiện đang còn sống đang tiếp nối hoạt động.
Bên ngoài thân (ngoại thân), cũng là thân của mình đang hiện sống, tiếp nối hoạt động hay chưa có mà đã mất, và hết thảy thân tướng của các loài hữu tình khác, hợp chung hai thứ mà gọi là trong và ngoài thân.
Đối với trong và ngoài thân mà theo dõi quan sát tìm xét, thì như có vị Bí-sô hợp cả thân mình và thân người khác thành một nhóm như nhau rồi từ đầu đến chân, tùy theo từng cơ quan bộ phận mà suy tư quan sát tìm xét thấy rõ các thứ đều là nhơ bẩn. Nghĩa là cái thân này chỉ có các thứ tóc lông răng móng… Rộng nói cho đến đi tiêu đi tiểu, khi suy tư tìm hiểu các tướng nhơ bẩn như thế thì đối với các pháp mà tuyển chọn nhận thức kỹ càng, cho đến Tỳ-bát-xá-na. Đó là theo dõi quan sát tìm xét trong và ngoài thân. Cũng gọi là Thân niệm trụ, trụ đầy đủ vào các chánh cần, chánh tri, chánh niệm và dẹp bỏ các thứ tham lam lo sầu ở đời, như trước đã nói.
Lại có vị Bí-sô hợp cả thân của mình và của người khác thành một nhóm rồi suy tư quan sát tìm xét các lĩnh vực sai khác. Nghĩa là thân này chỉ gồm có các thứ như đất, nước, lửa, gió, không và thức. Khi suy nghĩ của các lĩnh vực như thế thì liền khởi các pháp tuyển chọn kỹ lưỡng…, cho đến Tỳ-bát-xá-na. Đấy là sự theo dõi quan sát tìm xét trong và ngoài thân, cũng gọi là Thân niệm trụ, trụ đầy đủ với các thứ chánh cần, chánh tri, chánh niệm và dẹp bỏ các tham lam lo sầu ở đời, cũng như trước đã nói.
Lại có vị Bí-sô hợp cả thân mình và của người khác thành một nhóm rồi suy tìm quán xét các thứ hoạn nạn lỗi lầm. Nghĩa là cái thân này như các thứ bệnh, các thứ ung nhọt ghẻ lở… Rộng nói cho đến nó là pháp biến dời hư nát. Khi suy tư tìm hiểu các thứ hoạn nạn của thân như thế, thì liền khởi tuyển chọn… Rộng nói cho đến Tỳ-bát-xá-na. Đó là sự theo dõi quan sát tìm xét trong và ngoài thân, cũng gọi là Thân niệm trụ, trụ đầy đủ với các thứ chánh cần, chánh tri, chánh niệm và dẹp bỏ tham lam lo sầu ở đời, như đã nói trước đây.
2. Thế nào là đối với thọ bên trong mà trụ vào việc theo dõi quan sát tìm xét, với đầy đủ các thứ chánh cần, chánh tri, chánh niệm và dẹp bỏ các tham lam sầu lo ở đời?
Thọ bên trong là sự thọ nhận cảm xúc của mình hiện đang tiếp nối hoạt động hay đã có mà không mất.
Đối với thọ bên trong này mà theo dõi quan sát tìm xét. Ví như có vị Bí-sô đối với thọ này theo dõi quan sát tìm xét các tướng quả thọ (cảm xúc đó). Như khi nhận được xúc vui, thì biết đúng là ta đang có cảm xúc vui. Khi có cảm xúc khổ thì biết đúng là ta đang có cảm xúc khổ. Khi có cảm xúc không vui không khổ thì biết đúng là ta đang có cảm xúc không vui, không khổ. Khi có cảm xúc vui thì ta biết đúng là thân đang có cảm xúc vui, khi khổ thì biết là khổ, khi không khổ không vui thì biết là không khổ không vui. Khi tâm có cảm xúc vui thì ta biết đúng là tâm đang có cảm xúc vui, khi khổ thì biết là khổ, khi không khổ không vui thì biết là không khổ không vui.
Khi nhận được cảm xúc có vị vui thì ta biết đúng là cảm xúc có vị vui, khi cảm xúc có vị khổ thì ta biết đúng là cảm xúc có vị khổ, khi không vui không khổ thì biết là không khổ không vui…
Khi nhận được cảm xúc không có vị vui thì ta biết đúng là cảm xúc không có vị vui, khi cảm xúc không có vị khổ thì biết đúng là cảm xúc không có vị khổ, khi không khổ không vui thì biết là không khổ không vui.
Khi nhận được đam mê dựa vào cảm xúc vui thì ta biết đúng là được đam mê dựa vào cảm xúc vui. Khi khổ thì biết là khổ. Khi không khổ không vui thì biết là không khổ không vui.
Khi nhận được cảm xúc vui về xuất ly thì ta biết đúng là cảm xúc vui về xuất ly, có cảm xúc khổ về xuất ly thì biết là cảm xúc khổ về xuất ly, khi không khổ không vui thì biết là không khổ không vui.
Khi suy tư tìm xét các tướng của cảm xúc thì khởi lên đối với pháp, cách thức tuyển chọn, cho đến Tỳ-bát-xá-na. Đó là sự theo dõi quan sát tìm hiểu các cảm xúc bên trong, cũng gọi là Thọ niệm trụ. Khi thành tựu việc quan sát này thì hiện đang làm, tùy theo mà làm…, cho đến hiểu rõ việc làm…, nên gọi là Trụ.
Người quan sát này, hay khởi lên sự siêng năng chuyên cần…, cho đến còn rất lanh lợi nhanh nhẹn tháo vác…, nên gọi là đầy đủ chánh cần.
Người quan sát này, hay khởi lên đối với pháp tuyển chọn…, cho đến vẹn toàn, vẹn toàn cùng cực, nên gọi là đầy đủ chánh tri.
Người quan sát này nhớ nghĩ đầy đủ, nghĩ nhớ theo…, cho đến có tính chất của tâm sáng suốt ghi nhớ lâu, nên gọi là đầy đủ chánh niệm.
Đối với các cảnh dục là các thứ tham đều tham…, cho đến chủng loại tham, chỗ sinh ra tham. Gọi chung là tham lam.
Sự tiếp xúc có cảm giác lo sầu, khởi lên sự lo buồn, có cảm giác không bình thường tự nhiên mà bị lo buồn ảnh hưởng…, gọi chung là sầu.
Người quan sát này khi tu pháp quán tưởng này nên đối với hai thứ tham và ái của cuộc đời mà giỏi đoạn trừ biết khắp…, cho đến diệt trừ cho thật hết sạch, nên gọi là dẹp bỏ các tham lam lo sầu ở đời.
Lại có vị Bí-sô, đối với các cảm xúc bên trong mà suy tư quan sát tìm xét thì thấy có nhiều hoạn nạn lỗi lầm, nghĩa là các cảm xúc này hoàn toàn như các thứ bệnh hoạn, các thứ ung nhọt ghẻ lở… Rộng nói cho đến nó là pháp biến dời hư nát. Khi suy tư về các tai họa của cảm xúc như thế, thì khởi lên các cách tuyển chọn…, cho đến Tỳ-bát-xá-na. Đó gọi là theo dõi quan sát tìm hiểu về cảm xúc. Cũng gọi là Thọ niệm trụ, trụ đầy đủ vào các thứ chánh cần, chánh tri, chánh niệm và dẹp bỏ tham lam lo sầu ở đời, đều như nói trước đây.
Thế nào là đối với thọ bên ngoài? Là theo dõi quan sát tìm hiểu đầy đủ các thứ chánh cần, chánh tri, chánh niệm và dẹp bỏ các tham lam sầu lo ở đời?
Thọ bên ngoài, là cảm xúc của mình hiện đang hoạt động hay chưa được mà đã mất, và cảm xúc của hết thảy các hữu tình khác (của người khác).
Đối với bên ngoài mà theo dõi quan sát tìm xét. Nghĩa là như có vị Bí-sô đối với cảm xúc bên ngoài của người khác mà suy tư quan sát tìm xét các tướng. Khi có (nhận được) cảm xúc vui thì biết đúng là cảm xúc vui, khi có cảm xúc khổ thì biết đúng là cảm xúc khổ. Khi có cảm xúc không khổ không vui thì biết đúng là cảm xúc không khổ không vui… Rộng nói cho đến khi có cảm xúc vui về xuất ly thì biết đúng là về xuất ly, khổ thì biết đúng là khổ, không khổ không vui thì biết đúng là không khổ không vui. Khi suy tư tìm hiểu các tướng của các cảm xúc bên ngoài như thế, thì khởi lên cách tuyển chọn…, cho đến Tỳ-bát- xá-na. Đó gọi là sự theo dõi quan sát tìm hiểu các cảm xúc bên ngoài. Cũng gọi là Thọ niệm trụ, trụ đầy đủ đối với các thứ chánh cần, chánh tri, chánh niệm và dẹp bỏ các tham lam lo sầu ở đời, cũng như đã nói.
Lại có vị Bí-sô theo dõi quan sát tìm xét các cảm xúc bên ngoài thấy nó có nhiều tai nạn lỗi lầm. Nghĩa là các cảm xúc đó như các thứ bệnh hoạn, các thứ ung nhọt ghẻ lở… Rộng nói cho đến nó là pháp biến dời hư nát. Khi suy tư về các tai họa của các cảm xúc thì khởi lên các cách tuyển chọn…, cho đến Tỳ-bát-xá-na. Đó gọi là theo dõi quan sát tìm hiểu cảm giác bên ngoài, cũng gọi là Thọ niệm trụ, trụ đầy đủ vào các thứ chánh cần, chánh tri, chánh niệm và dẹp bỏ các thứ tham lam lo sầu ở đời, như trước đã nói.
Thế nào là đối với các cảm xúc bên trong và bên ngoài mà theo dõi quan sát tìm hiểu với đầy đủ các thứ chánh cần, chánh tri, chánh niệm và dẹp bỏ tham lam sầu lo ở đời?
Cảm xúc bên trong, tức là cảm xúc của mình đang còn tiếp nối hoạt động, hay đã có mà chưa mất.
Cảm xúc bên ngoài, tức là cảm xúc của mình đang còn tiếp nối hoạt động, hay chưa có mà đã mất, và cảm xúc của các loài hữu tình khác (của người khác). Hợp hai thứ lại nói là cảm xúc bên trong và bên ngoài.
Đối với cảm xúc bên trong và bên ngoài mà theo dõi quan sát tìm xét. Nghĩa là như có vị Bí-sô hợp cả cảm xúc của mình và của người khác làm thành một nhóm rồi suy tư quan sát tìm xét tướng trạng của các cảm xúc của mình và người khác. Khi có cảm xúc vui thì biết đúng là có cảm xúc vui, khi có cảm xúc khổ thì biết đúng là có cảm xúc khổ. Khi có cảm xúc không khổ không vui thì biết đúng là có cảm xúc không khổ không vui… Rộng nói cho đến khi có cảm xúc vui về xuất ly thì biết đúng là có cảm xúc vui về xuất ly, cảm xúc khổ thì biết đúng là cảm xúc khổ, cảm xúc không khổ không vui thì biết đúng là không khổ không vui về xuất ly.
Khi suy tư tìm hiểu về tướng của các thứ cảm xúc như thế thì có những cách tuyển chọn rất kỹ lưỡng…, cho đến Tỳ-bát-xá-na. Đó là theo dõi quan sát các cảm xúc bên trong và bên ngoài. Cũng gọi là Thọ niệm trụ, trụ đầy đủ với các thứ chánh cần, chánh tri, chánh niệm và dẹp bỏ các tham lam lo sầu ở đời, như trước đã nói.
Lại có vị Bí-sô hợp cả các cảm xúc của mình và của người khác làm thành một nhóm rồi tư duy quan sát tìm xét các tai họa lầm lỗi của các cảm xúc, nghĩa là các cảm xúc này như các thứ bệnh hoạn, các thứ ung nhọt ghẻ lở… Rộng nói cho đến nó là pháp dời đổi hư nát. Khi suy nghĩ về tai họa của các cảm xúc thì liền có những cách tuyển chọn…, cho đến Tỳ-bát-xá-na. Đó là sự theo dõi quan sát tìm xét các cảm giác bên trong và bên ngoài, cũng gọi là Thọ niệm trụ, trụ đầy đủ vào các thứ chánh cần, chánh tri, chánh niệm và dẹp bỏ các thứ tham lam lo sầu ở đời, như trước đã nói rõ.
3. Thế nào là đối với nội tâm mà theo dõi quan sát tìm hiểu và trụ đầy đủ các thứ chánh cần, chánh tri, chánh niệm và từ bỏ các tham lam lo sầu ở đời?
Nội tâm là tâm của mình đang tiếp nối hoạt động, hay đã được mà không mất.
Đối với nội tâm này mà theo dõi quan sát tìm hiểu, tức là như có vị Bí-sô đối với nội tâm mà theo dõi suy tư quan sát xét tìm về các tướng của nội tâm. Nếu như ở trong tâm có tham thì biết đúng là tâm có tham. Nếu ở trong tâm lìa bỏ tham thì biết đúng là nội tâm lìa bỏ tham. Nếu trong nội tâm có giận hờn thì biết đúng như thật là ở nội tâm lìa bỏ giận hờn. Nếu ở nội tâm có si và lìa bỏ si thì cũng như thế.
Và nếu ở nội tâm có tụ tập thì biết là có tụ tập, có phân tán thì biết là có phân tán, có chìm đắm (trầm) thì biết là có chìm đắm, có khuyến khích thì biết là có khuyến khích, có tiểu tâm thì biết là tiểu tâm, có lòng rộng mở thì biết là có lòng rộng mở, có lay động thì biết là có lay động, không lay động thì biết là không lay động, chẳng sạch thì biết là chẳng sạch, sạch thì biết là sạch, không định thì biết là không định, định biết là định, không tu biết là không tu, tu biết là tu, không giải thoát biết là không giải thoát, giải thoát biết là giải thoát… Khi suy tư quan sát tìm biết các tướng của nội tâm như thế, thì liền có những cách tuyển chọn kỹ lưỡng…, cho đến Tỳ-bát-xá-na. Đó là theo dõi quan sát tìm hiểu nội tâm. Cũng gọi là Tâm niệm trụ, để thành tựu pháp quán tưởng này thì hiện đang làm và làm theo thế mãi…, cho đến hiểu rõ việc làm nên nói là trụ.
Người quan sát này thường phát khởi siêng năng chuyên cần…, cho đến có lanh lợi, nhanh chóng tháo vác, nên gọi là chánh cần đầy đủ.
Người quan sát này thường có những cách tuyển chọn cho đến toàn vẹn, toàn vẹn cùng cực, nên gọi là chánh tri đầy đủ.
Người quan sát này nghĩ nhớ đầy đủ, nghĩ nhớ theo…, cho đến có tính chất của tâm sáng suốt, ghi nhớ lâu, nên gọi là chánh niệm đầy đủ.
Đối với các cảnh dục thì các tham nào cũng đều tham cả…, cho đến chủng loại của tham, thứ gì sinh ra tham đều gọi chung là tham lam.
Những tiếp xúc có cảm giác lo buồn thì khởi lên sự buồn lo, có cảm xúc không tự nhiên bình thường bị ảnh hưởng của lo sầu…, gọi chung là rầu lo.
Người quan sát này khi tu pháp quán tưởng đó thì đối với hai thứ tham và ái của cuộc đời, lại giỏi đoạn dứt và biết khắp…, cho đến phải diệt trừ hết sạch. Thế nên gọi là dẹp bỏ các tham lam lo sầu ở đời.
Lại có vị Bí-sô ở trong các tâm mà suy nghĩ quan sát xét thấy có nhiều tai họa lỗi lầm. Nghĩa là tâm này như các thứ bệnh hoạn, các thứ ung nhọt ghẻ lở… Rộng nói cho đến nó là phép biến dời hư nát. Khi suy nghĩ về các tai họa của tâm như thế thì liền có những cách tuyển chọn… cho đến Tỳ-bát-xá-na. Đó là sự theo dõi quan sát tìm hiểu nội tâm. Cũng gọi là Tâm niệm trụ, trụ đầy đủ vào các thứ chánh cần, chánh tri, chánh niệm và dẹp bỏ các tham lam lo sầu ở đời, như trước đây đã nói.
Thế nào là đối với bên ngoài tâm mà quan sát tìm hiểu với sự đầy đủ các thứ chánh cần, chánh tri, chánh niệm và từ bỏ các tham lam lo sầu ở đời.
Bên ngoài của tâm, tức là tâm của mình đang tiếp nối hoạt động, hoặc chưa được mà đã mất, và hết thảy tâm của những loài hữu tình (của người khác).
Đối với bên ngoài tâm mà theo dõi quan sát tìm hiểu, thì như có vị Bí-sô đối với người khác mà theo dõi quan sát suy tư tìm xét các tướng của tâm bên ngoài. Nếu tâm bên ngoài (hay tâm của người khác) có tham thì biết đúng là tâm bên ngoài đó có tham… Rộng nói cho đến nếu tâm bên ngoài giải thoát thì biết đúng là tâm bên ngoài đó giải thoát.
Khi suy nghĩ tìm xét các tướng của tâm bên ngoài như thế, thì liền khởi lên những cách tuyển chọn kỹ lưỡng…, cho đến Tỳ-bát-xá-na. Đó là theo dõi quan sát tìm hiểu tâm bên ngoài, cũng gọi là Tâm niệm trụ, trụ đầy đủ với các thứ chánh cần, chánh tri, chánh niệm và dẹp bỏ các tham lam lo sầu ở đời, cũng như trước đã nói.
Lại có vị Bí-sô đối với bên ngoài của tâm (tâm người khác) mà quan sát suy tư tìm xét về các tai họa lỗi lầm. Nghĩa là tâm này như các thứ bệnh hoạn, các thứ ung nhọt ghẻ lở… Rộng nói cho đến nó là phép biến dời hư nát. Khi suy tư tìm xét các tai họa của tâm như thế, thì liền có những cách tuyển chọn…, cho đến Tỳ-bát-xá-na. Đó là theo dõi quan sát tìm hiểu tâm bên ngoài nội tâm. Cũng gọi là Tâm niệm trụ, trụ đầy đủ các thứ, chánh cần, chánh tri, chánh niệm và dẹp bỏ các tham lam lo sầu ở đời, cũng như đã nói trước.
Thế nào là cả bên ngoài và bên trong tâm mà theo dõi quan sát tìm hiểu với đầy đủ các thứ chánh cần, chánh tri, chánh niệm và từ bỏ các tham lam lo sầu ở đời?
Tâm bên trong, tức là tâm của mình, nó hiện đang còn tiếp nối hoạt động, hay đã được mà không mất.
Tâm bên ngoài, tức là tâm của mình hiện đang tiếp nối hoạt động mà chưa được thì đã mất, và các tâm của loài hữu tình khác, của người khác, hợp hai thứ đó lại, gọi chung là tâm bên ngoài và bên trong.
Đối với tâm bên ngoài và bên trong mà theo dõi quan sát tìm xét thì như có vị Bí- sô hợp cả tâm của mình và của người khác làm thành một nhóm rồi theo dõi suy tư quan sát tìm xét các tướng của tâm mình và của người khác. Nếu như tâm có tham thì biết đúng là tâm có tham… Rộng nói cho đến tâm giải thoát thì biết có giải thoát. Khi suy tư tìm xét các tướng của tâm, thì liền có những cách tuyển chọn kỹ lưỡng… cho đến Tỳ-bát-xá-na. Đó là theo dõi quan sát tìm xét tâm bên trong và bên ngoài, cũng gọi là Tâm niệm trụ, trụ đầy đủ với các thứ chánh cần, chánh tri, chánh niệm và dẹp bỏ các tham lam lo sầu ở đời, như trước đã nói.
Lại có vị Bí-sô hợp cả tâm mình và tâm người khác làm thành một nhóm rồi tư duy quan sát tìm xét thấy có nhiều tai họa lỗi lầm. Nghĩa là cái tâm đó như các thứ bệnh hoạn, các thứ ung nhọt ghẻ lở… Rộng nói cho đến nó là phép biến dời hư nát. Khi suy xét tâm là tai họa lỗi lầm như thế, thì liền có những cách tuyển chọn…, cho đến Tỳ-bát- xá-na. Đó là theo dõi quan sát tìm hiểu tâm bên trong và bên ngoài. Cũng gọi là Tâm niệm trụ, trụ đầy đủ vào các thứ chánh cần, chánh tri, chánh niệm và dẹp bỏ các tham lam lo sầu ở đời, như trước đã nói.