THIỀN CĂN BẢN – PHẦN 3
LỤC DIỆU PHÁP MÔN
nguyên tác: Đại sư Trí Khải
dịch Việt: HT Thích Thanh Từ
- Lời dịch giả
- Sơ Dẫn
- Lục Diệu Môn Qua Riêng Đối Các Thiền
- Lục Diệu Môn Thứ Lớp Cùng Sanh
- Tùy Tiện Nghi Tu Lục Diệu Môn
- Tùy Đối Trị Tu Lục Diệu Môn
- Lục Diệu Môn Nhiếp Nhau
- Lục Diệu Môn Chung Và Riêng
- Lục Diệu Môn Triển Chuyển
- Quán Tâm Lục Diệu Môn
- Viên Quán Lục Diệu Môn
- Tướng Chứng Của Lục Diệu Môn
Lời dịch giả
Gần đây những Phật tử xuất gia hoặc tại gia có thiện chí tu tập, đa số được quí Thượng tọa chỉ dạy theo pháp môn Tịnh độ chuyên trì danh hiệu đức Phật A-di-đà, hoặc tọa thiền áp dụng phương pháp Sổ tức. Riêng về pháp Sổ tức, trong khi thực tập có nhiều người băn khoăn không biết tướng kết quả thế nào? Chỉ tu pháp Sổ tức không là đủ hay phải tu pháp gì khác nữa? Chính tôi là một trong số người băn khoăn ấy.
Hân hạnh! Tôi được quí thầy trao cho quyển Lục Diệu Pháp Môn này. Đọc xong, tôi thấy cần phổ biến để giúp những hành giả đang tu Sổ tức giải quyết thắc mắc trên.
Tuy nhiên, cầm viết phiên dịch, tôi chưa thỏa mãn, vì ngài Thiên Thai dùng quá nhiều danh từ Thiền, người ít học Phật pháp đọc khó bề hiểu hết. Nếu làm việc chú thích sẽ bằng năm bảy lần chánh văn, tôi không thể làm được. Mong quí độc giả biết cho!
Phương Bối am, mùa An cư Tân Sửu 1961
THÍCH THANH TỪ
Sơ Dẫn
Pháp môn này do ngài Đại sư Trí Khải, đời Tùy, lược nói ra ở đất Đô Hạ, chùa Ngõa Quan.
A.- THÍCH ĐỀ:
Lục Diệu Môn là căn bản của kẻ nội hành, là lối trọng yếu của bậc Tam thừa đắc đạo. Cho nên đức Thích-ca lúc mới đến cội bồ-đề trải cỏ ngồi kiết-già bên trong suy nghĩ pháp An-ban:
- Sổ tức (đếm hơi thở)
- Tùy tức (để tâm theo hơi thở)
- Chỉ
- Quán
- Hoàn
- Tịnh
Nhân đó được muôn hạnh khai phát, hàng ma, thành đạo. Phật là mô phạm của muôn loài, chỉ bày đường lối như vậy, bậc Tam thừa Chánh sĩ đâu không đi đường ấy.
Lục là thuộc về số, y cứ số để nói Thiền. Như Phật hoặc y cứ số một để biện Thiền, là Nhất hạnh tam-muội; hoặc y cứ số hai, là Chỉ và Quán; hoặc y cứ số ba, là Tam tam-muội; hoặc y cứ số bốn là Tứ thiền; hoặc y cứ số năm là Ngũ môn thiền; hoặc y cứ số sáu, là Lục diệu môn; hoặc y cứ số bảy, là Thất ý định; hoặc y cứ số tám, là Bát bội xả; hoặc y cứ số chín, là Cửu thứ đệ định; hoặc y cứ số mười, là Thập thiền chi. Như thế, cho đến trăm, ngàn, muôn, ức, vô số không thể kể các môn tam-muội đều là y cứ số, nói các môn Thiền. Tuy số có nhiều, ít, nhưng tận cùng pháp tướng thảy đều nhiếp nhau, do căn cơ hiểu ngộ của chúng sanh không đồng nên số có tăng, giảm phân biệt để lợi ích chúng sanh. Ở đây nói Lục là y cứ số nêu bày Thiền.
Diệu ý rất nhiều, nếu luận ý chánh tức là Diệt đế Niết-bàn, cho nên trong Diệt tứ hạnh nói: “diệt chỉ diệu ly.” Niết-bàn không phải đoạn, không phải thường, có mà khó hội, không mà dễ được, nên nói Diệu.
Sáu pháp này hay thông nên gọi là Môn. Cửa tuy có sáu mà nhận được chỗ nhiệm mầu thì không có khác, nên kinh nói: “Chân pháp bảo Niết-bàn, chúng sanh tùy mỗi cửa vào.” Đây là giải thích chung đại ý Lục Diệu Môn.
B.- CHÁNH THUYẾT:
Lục diệu môn đại ý có mười:
- Lục diệu môn qua riêng đối các Thiền.
- Lục diệu môn thứ lớp cùng sanh.
- Tùy tiện nghi tu Lục diệu môn.
- Tùy đối trị tu Lục diệu môn.
- Lục diệu môn nhiếp nhau.
- Lục diệu môn chung và riêng.
- Lục diệu môn triển chuyển.
- Quán tâm Lục diệu môn.
- Viên quán Lục diệu môn.
- Tướng chứng của Lục diệu môn.