Một trường hợp tái sinh-luân hồi khác tôn giáo
Chuyển sinh từ Hồi giáo sang Ấn Độ giáo
Ghi chú: bài viết thể hiện dựa trên quan điểm của tác giả dựa theo nghiên cứu của riêng cá ông Ian Stevenson và 1 số cộng sự, có nhiều điểm có thể gây tranh luận, tranh cãi hoặc có kẽ hở, 1 số thông tin thu thập chưa thể hoặc không thể kiểm chứng; nhiều người ngày nay có thể giải thích dưới góc độ tâm lý học, hoặc do cá nhân sống trong vùng ảnh hưởng quan niệm tôn giáo truyền thống nên có thể vô thức từ nhỏ đã được tiếp xúc thông tin hoặc để với mục địch truyền đạo .v.v.
Trong một bài báo trên ”Tạp chí Khám phá Khoa học, Tập 4, Kỳ 2, 1990”[1], nhà nghiên cứu Antonia Mills, Đại học Virginia đưa ra một cái nhìn tổng thể về các trường hợp tái sinh của những người Ấn Độ đa tôn giáo khác nhau, đó là từ Ấn Độ giáo sang người Hồi giáo hoặc từ người Hồi giáo sang người Ấn Độ giáo, và sau đó đưa ra một phân tích chi tiết về một trường hợp tái sinh từ Hồi giáo sang Ấn Độ giáo.
Cuộc sống và cái chết của Mushir Ali, một người Hồi giáo dòng Sunni
Mushir Ali Shah là con trai cả của tu sĩ Haider Ali Shah với người vợ thứ hai Najima, đã sống với cha mẹ mình ở thị trấn Kakori gần Lucknow, ở bang Uttar Pradesh, Ấn Độ. Anh ta làm nghề lái xe ngựa chở trái cây hoặc rau quả từ Kakori đến chợ ở Lucknow. Vào sáng ngày 30/6/1980, một chiếc máy kéo đã tông vào anh và chiếc xe chở đầy xoài của mình, làm anh chết tại chỗ, khi đó anh khoảng 25 tuổi. Vụ tai nạn chết người xảy ra cách làng Baj Nagar nửa km, trên đường từ Kakori đến Lucknow.
Cậu bé trong gia đình theo đạo Hindu nhận mình là tiền kiếp của Mushir Ali
Naresh Kumar Raydas(sau đây gọi tắt là Naresh), là con thứ ba trong số 4 người con của Guru Prasad Raydas, sinh vào khoảng tháng 04 năm 1981 ở Baj Nagar[2], cách Kakori khoảng 5 km.
-Khi Naresh bắt đầu biết nói khoảng năm 2 tuổi, cậu thường lặp lại, trước sự bối rối của cha mẹ cậu, những từ như “Kakori, Kakori” hoặc “karka, karka” có nghĩa là “xe ngựa” trong tiếng địa phương.
– Cũng từ khi 2 tuổi, đôi khi người ta thấy cậu bé quỳ xuống ở nhà như để thực hiện namaz – là hình thức nghi lễ cầu nguyện của người Hồi giáo, và sẽ dừng lại nếu cậu bé nhận thấy rằng mình đang bị quan sát. Naresh đã thể hiện hành vi bất thường đối với một cậu bé có bố mẹ theo đạo Hindu.
Naresh nói về những kỷ niệm trong tiền kiếp và nhận ra người cha tiền kiếp
– Người tu sĩ ở Kakori, cha của Mushir Ali sinh sống bằng cách cầu nguyện và khất thực, sẽ đến Baj Nagar và nhà Naresh vào thứ 5 hàng tuần. Khi Naresh biết đi, cậu thi thoảng đi theo người tu sĩ đến hai hoặc ba ngôi nhà tiếp theo và sau đó trở về nhà của mình. Mặc dù cha mẹ cậu bé bảo cậu ta xưng hô từ “tu sĩ” theo thuật ngữ của đạo Hindu dành cho một người hành khất là baba; nhưng cậu bé gọi ông ấy là Abba, một từ Urdu nghĩa là “cha” được sử dụng bởi người Hồi giáo và một số người theo đạo Hindu ở Uttar Pradesh.
-Đến 8/1987, khi Naresh khoảng 6 tuổi, cậu bé đã liên tục nói rằng cậu ấy là một người Hồi giáo đến từ Kakori. Sau đó mẹ cậu bé tiếp cận Người tu sĩ khi ông đang ở Baj Nagar và hỏi ông rằng cô nên làm gì về điều này. Người tu sĩ Hồi giáo, mặc dù bản thân không tin vào tái sinh-luân hồi, nhưng đã khuyên cô nên đưa đứa trẻ đến Kakori và xem nó đến từ nhà nào. Mẹ cậu đáp lại rằng làm sao mà bà có thể biết được từ nhà nào?
Những ngày sau, khi cậu bé nhìn thấy ông tu sĩ, cậu bé lại gọi ông ta là Abba và nói: “Cha không nhận ra con sao? Trong nhà con có năm cây Neem. Con đã bị một chiếc máy kéo đâm phải.” Cậu bé yêu cầu người tu sĩ đưa cậu ta về nhà, và ông đã từ chối.
– Sáng hôm sau, Naresh bắt mẹ đưa đến nhà của người tu sĩ ở Kakori. Khi đến Kakori, cậu bé dẫn cô đi qua một phần của thị trấn mà cả cậu và mẹ đều chưa từng thấy trước đây, cho đến khi họ đến nhà của người tu sĩ.
Ở đó, Naresh lại gọi người tu sĩ là “Abba(cha) của tôi”, và cậu bé gọi vợ của người tu sĩ là Najima là Ammi (Mẹ). Cậu bé cũng nhận ra các anh em trai của Mushir và một người chị gái có mặt cùng với chồng cô, người mà cậu bé gọi tên là Mohammed Islam.
Cậu bé hỏi cô Najima, “Em trai của tôi, Nasim đâu?”, Khi cô nói với cậu rằng anh ấy đang ngủ, Naresh đến bên anh và đánh thức anh dậy. Khi Nasim còn đang trấn tĩnh lại, Naresh đã ôm anh và bắt đầu hôn anh.
Khi được hỏi cậu bé có bao nhiêu anh chị em, Naresh trả lời: “Năm anh, sáu chị. Một trong những chị em là cùng cha khác mẹ ”. Điều này đúng với thời điểm Mushir còn sống. Khi Najima chỉ vào đứa con gái 6 tuổi Sabiah của mình, được sinh ra ba tháng sau cái chết của Mushir, và hỏi cô ấy là ai, Naresh trả lời: “Lúc đó cô ấy đang ở trong bụng bà.”
– Naresh cũng xác định chính xác chiếc vali của Mushir trong số 5 chiếc vali kim loại bên trong ngôi nhà và mô tả chính xác đồ đạc bên trong trước khi nó được mở ra.
– Người tu sĩ và vợ của ông ta cũng lưu ý rằng Naresh bị lõm nhẹ gần giữa ngực trùng vị trí với vết thương ở ngực của Mushir khi chết do tai nạn.
– Naresh nhận ra nhiều người từ Kakori đã tập trung tại nhà của người tu sĩ. Cậu bé thậm chí còn hỏi vợ của một người đàn ông tên là Zaheed rằng liệu cô có trả lại cho ông tu sĩ ba trăm rupee mà anh ta (Mushir) đã gửi cho chồng cô hay không. Mushir thực sự đã gửi số tiền đó cho Zaheed, người này đã trả lại nó ba ngày sau cái chết của Mushir.
-Khi gia đình của người tu sĩ chuẩn bị gửi Naresh 5 rupee, cậu bé hỏi gặng, “Ý bạn là gì? Rằng bạn sẽ đuổi tôi đi mà không cho tôi trà và trứng?” Mushir rất thích trà và trứng, và thường ăn chúng hàng ngày. Nhu cầu về trứng của Naresh đáng lưu tâm, vì gia đình cậu bé theo đạo Hindu ăn chay, không ăn trứng.
Dị tật bẩm sinh(vết bớt) và tiền kiếp
Dựa trên sự nhận biết và lời nói chính xác của Naresh, gia đình Ali, bao gồm cả Haidar Ali, đã chấp nhận Naresh là tái sinh của Mushir Ali. Khi nhìn lại, Tiến sĩ Pasricha(người tham gia điều tra) cho rằng dị tật bẩm sinh(vết bớt) mà Naresh có ở bên ngực phải tương ứng với chấn thương và xương sườn gãy mà Mushir Ali gặp phải trong vụ tai nạn máy kéo khiến anh thiệt mạng. [5]
Phân tích các chi tiết, điểm mấu chốt của trường hợp này là 2 gia đình thuộc 2 tôn giáo khác nhau đã có lịch sử đối đầu căng thẳng lâu đời ở Ấn Độ. Vì vậy, cả hai gia đình đều không quan tâm đến việc xác lập bất kỳ mối liên hệ tái sinh-luân hồi nào với nhau.
Nhà nghiên cứu Antonia Mills giải thích trong bài báo của mình rằng trong nhiều trường hợp tái sinh giữa đa tôn giáo như vậy, cả gia đình theo đạo Hindu và Hồi giáo đều cố gắng ngăn chặn lời nói và hành vi của đứa trẻ: “Cha mẹ người Hindu của một đứa trẻ tự nhận là người Hồi giáo kiếp trước, thường cố gắng thực hiện các biện pháp mà họ hy vọng sẽ xóa ký ức kiếp trước của đứa trẻ. Các phương pháp đơn giản được sử dụng như phớt lờ những câu nói của đứa trẻ, trêu chọc, xỏ lỗ tai của đứa trẻ, xoay đứa trẻ trên bánh xe làm đồ gốm và đưa đứa trẻ đến một thầy cúng vì sợ rằng đứa trẻ sẽ phát điên. Một gia đình Hồi giáo thì thử kết hợp xoay đứa trẻ ngược chiều kim đồng hồ trên cối xay (để ‘hủy bỏ’ ký ức tiền kiếp của nó), gõ vào đầu và đánh đứa trẻ.”
Có thể gia đình của Naresh đã quan tâm đến việc chứng minh niềm tin của họ vào luân hồi? Có khả năng, nhưng gia đình Mushir sẽ có lợi ích gì khi tham gia vụ lừa đảo? Tôn giáo của họ chống lại niềm tin vào luân hồi. Vì vậy, nếu thành kiến tôn giáo đóng bất kỳ vai trò nào ở đây, nó sẽ khiến họ phủ nhận hoặc thậm chí bác bỏ tái sinh-luân hồi. Phân tích chi tiết hơn về khả năng có lừa đảo hay không ở phần sau của bài.
Khi người tu sĩ được hỏi về phản ứng của ông ta khi trường hợp này đã xảy ra, ông ta nói rằng ông ta không tin vào sự tái sinh-luân hồi trước trường hợp này. Trong chuyến đi hàng tuần đến Baj Nagar khi Naresh tự nhận là con trai mình, ông đã cảm thấy vô cùng lo lắng. Đêm đó không thể ngủ được, ông đã cầu nguyện vào lúc nửa đêm, “Allah, điều bí ẩn này là gì?”
Những ngày sau, khi Naresh đến nhà và nhận ra một số người và vật một cách chính xác, ông cảm thấy rằng Allah đã giải được bí ẩn cho ông: Naresh thực sự là Mushir, con trai của ông, đã tái sinh. Najima, mặc dù ban đầu bị sốc khi biết một cậu bé Ấn Độ giáo vô danh đang tự xưng là con trai của cô, nhưng đã nhanh chóng bị thuyết phục bởi nhiều sự nhận biết đúng của cậu bé.
Khi kể lại những sự việc này, cả hai đều cảm động rơi nước mắt và giọng nói của ông tu sĩ run run vì xúc động. Bởi vì, việc nhận biết sau khi được chứng kiến đã biến thái độ của họ đối với sự luân hồi từ không tin tưởng sang có niềm tin.
Phản ứng của các thành viên khác trong gia đình Mushir đã bộc lộ và phản ánh thái độ của người Hồi giáo nói chung đối với luân hồi. Em gái của Mushir, Waheeda đã mô tả cách Naresh đã xác định chính xác cô ấy bằng cách nói rằng, “Em là em gái của anh.” Nhưng khi được hỏi về kết luận của cô ấy từ việc nhận dạng này, cô ấy trả lời thẳng thừng: “Chúng tôi không tin vào sự luân hồi”.
Nói chung, điều điển hình của những người theo đạo Hồi không chỉ là ở việc phủ nhận luân hồi mà còn phủ nhận ngay cả việc cho phép điều tra khả năng luân hồi. Các nhà nghiên cứu đôi khi còn vấp phải sự phản đối bí mật hoặc công khai từ cộng đồng Hồi giáo khi họ cố gắng điều tra các trường hợp ký ức kiếp trước liên quan đến trẻ em Hồi giáo.
Vì vậy, trong trường hợp của Mushir, lời giải thích về gian lận của các bậc cha mẹ hoàn toàn không hợp lý.
Xin đưa ra một câu trích dẫn của nhà báo Shroder: “sự hoang tưởng của bản thân, sự cố ý lừa đảo, những áp lực vô hình, sự trùng hợp ngẫu nhiên cũng không thể giải thích cách mà những đứa trẻ mà Ian Stevenson điều tra có thể biết tất cả những gì chúng biết về những người lạ đã chết trước khi chúng đã được sinh ra. ”
******
Phân tích một số bằng chứng, dữ liệu phản bác lại những người phản đối thông thường với thuyết luân hồi tái sinh là do gian lận.
Hàng nghìn trường hợp có ký ức tiền kiếp đã được nhà nghiên cứu tiên phong ở Mỹ là Tiến sĩ Ian Stevenson và những người khác điều tra và ghi lại thành tài liệu, có phương pháp khoa học. Khi những người hoài nghi không thể giải thích được những trường hợp như vậy, họ thường dùng đến giả thuyết gian lận để cho qua chuyện mà hiếm có thời gian để tìm hiểu một cách nghiêm túc.
Sự lý giải về sự gian lận của cha mẹ, rằng đôi khi cha mẹ thêu dệt toàn bộ câu chuyện về ký ức kiếp trước của con họ và huấn luyện đứa trẻ hoàn hảo để đóng vai trò chính trong việc gian lận này.
Giáo sư y khoa Stevenson và Jim B. Tucker, và các nhà nghiên cứu tiền kiếp khác đã phân tích kỹ lưỡng khả năng này, sau đây là những tóm tắt có hệ thống về phân tích của họ
Các phụ huynh có thể thu được gì khi gian lận? Những lợi ích thu được có thể thuộc 3 loại chính sau đây:
1. Xác thực niềm tin cá nhân
Liệu các bậc cha mẹ có thể được thúc đẩy để chứng minh cho người khác niềm tin của chính họ vào sự tái sinh-đầu thai hay không? Có thể trong một số trường hợp. Nhưng động cơ này hoàn toàn không thể áp dụng được đối với rất nhiều trường hợp được tìm thấy ở châu Mỹ và châu Âu, nơi mà những cha mẹ không tin vào sự đầu thai.
Trên thực tế, trong nhiều trường hợp, các bậc cha mẹ đã bị ảnh hưởng bởi sự truyền dạy tôn giáo và sự giáo dục văn hóa của họ để dứt khoát không tin vào luân hồi và vì vậy họ sẽ có lý do để vạch trần một trò gian lận[về câu chuyện tái sinh] nếu nó xảy ra, chứ không phải tự mình dàn dựng nó. Và tiến sĩ Tucker, người đã tập trung vào việc điều tra các trường hợp chủ yếu ở Mỹ, đã phát hiện ra một số lượng khá nhiều các trường hợp rõ ràng trong số những bậc cha mẹ không hề tin tưởng[vào tái sinh-đầu thai] như vậy.
Ngay cả với những trường hợp ở châu Á và những nơi khác, nơi mà những bậc cha mẹ tin vào tái sinh-luân hồi, thì việc chứng thực niềm tin của họ không quá quan trọng đối với bản thân, vì họ cũng như hầu hết những người trong cộng đồng của mình đều mặc định tin vào luân hồi. Bởi vì các bậc cha mẹ hiếm khi thấy niềm tin của họ vào luân hồi bị thách thức, mà chỉ xuất hiện trong các cộng đồng bị phương Tây hóa hơn; họ cảm thấy không cần phải chứng minh niềm tin của mình, chứ đừng nói đến việc dàn dựng một trò gian lận để chứng minh điều đó[tức niềm tin tái sinh-luân hồi].
Tom Shroder, một biên tập viên cho tờ Washington Post, đã điều tra theo quan điểm báo chí về nghiên cứu tiền kiếp của giáo sư Stevenson và ghi lại nó trong một cuốn sách hấp dẫn có tiêu đề: ‘’Old Souls: The Scientific Evidence for Past Lives’’ tạm dịch là ‘’Những linh hồn cũ[3]: Bằng chứng khoa học về những kiếp trước’’. Ông Shroder viết rằng “Các thành viên trong gia đình thừa nhận quan tâm và cởi mở với khả năng tái sinh nhưng họ đã từ chối đưa ra bất kỳ kết luận hoặc thêu dệt nào về những lời nói của đứa trẻ. Nếu có, họ đã giảm thiểu tầm quan trọng của chúng[4]”.
Ngoài ra, có một niềm tin phổ biến giữa người Ấn Độ, đặc biệt là người Ấn Độ ở vùng nông thôn, đó là những đứa trẻ nói về tiền kiếp của chúng sẽ chết trẻ. Giáo sư Stevenson nhấn mạnh rằng ông không tìm thấy cơ sở thống kê nào về niềm tin này; tỷ lệ tử vong của những đứa trẻ nhớ được tiền kiếp không cao hơn những đứa trẻ không nhớ. Tuy vậy, hầu hết các bậc cha mẹ ở nông thôn vẫn tiếp tục tin vào điều mê tín này, vì vậy họ thường không khuyến khích con cái họ nói về nó lúc đầu đời ngay cả khi trẻ muốn. Vì thế, có vẻ như rất ít khả năng họ sẽ thực hiện một vụ lừa đảo để yêu cầu đứa trẻ nói về những ký ức kiếp trước nhiều lần.
2. Lợi ích tiền bạc
Stevenson và tất cả các nhà nghiên cứu tiền kiếp tiếp theo sau, tuân theo một chính sách tiêu chuẩn là không trả tiền cho những bậc cha mẹ khi phỏng vấn họ, vì họ muốn đảm bảo rằng trường hợp nghiên cứu đó không bị làm sai lệch đi; có nghĩa là, bố mẹ [đứa trẻ] và những người được phỏng vấn khác không có động cơ để phóng đại hoặc bịa ra những điểm với hy vọng nhận được tiền. Không có lợi nhuận về tiền bạc cho các bậc cha mẹ trong cuộc điều tra. Trên thực tế, một cuộc điều tra kéo dài hàng giờ đồng hồ tạo nên sự ảnh hưởng về thu nhập cho một số bậc cha mẹ, đặc biệt là những người có hoàn cảnh nghèo khó và cần phải làm việc cả ngày để kiếm sống. Do đó, đôi khi họ thậm chí còn bực bội vì đã dành nhiều giờ quý báu để trả lời các cuộc phỏng vấn chính xác cho các nhà nghiên cứu.
Trong một số trường hợp, khi một đứa trẻ sinh ra trong một gia đình nghèo khó tin rằng mình là tái sinh của một thành viên đã mất trong một gia đình giàu có. Có thể cha mẹ chúng sáng tạo ra một mối quan hệ như vậy để lấy tiền từ một gia đình giàu có hay chăng? cũng có thể. Nhưng mô hình chung trong các chi tiết của những trường hợp trước đó, cho thấy rằng ngay cả khi cha mẹ [đứa trẻ] nghèo phát triển mối quan hệ với gia đình giàu có trong quá trình điều tra, rất hiếm khi các bậc cha mẹ này đòi quà từ gia đình giàu có – và càng hiếm hơn nữa là những dịp họ thực sự nhận được quà.
Vì vậy, nhìn chung không có lợi ích tiền bạc nào cho các bậc cha mẹ khi sáng chế những trường hợp này. Để hiểu rõ hơn về việc này, bạn cần đọc và tìm hiểu vào những trường hợp tái sinh-đầu thai cụ thể để có thể đưa ra đánh giá nhận định.
3. Danh tiếng hoặc gây ấn tượng
Có thể các bậc cha mẹ đang sắp đặt gian lận để đạt được danh tiếng và gây ấn tượng? cũng có thể. Nhưng một lần nữa, phân tích chi tiết về các trường hợp kiểu mẫu cho thấy rằng trong hầu hết các trường hợp, những cha mẹ không háo hức muốn công khai những ký ức về tiền kiếp của con mình.
Ngay cả khi những đứa trẻ nói về kiếp trước, mà những bậc cha mẹ của chúng tin vào luân hồi, họ thường chấp nhận rằng con của họ phải là ai đó trong kiếp trước và không bận tâm về việc đứa trẻ là ai[trong kiếp trước]. Vì vậy, họ không chú ý nhiều đến các chi tiết được nói bởi đứa trẻ.
Trong một số trường hợp trẻ nhớ được tiền kiếp, đứa trẻ lặp đi lặp lại yêu cầu và khăng khăng được đưa đến địa điểm trong kiếp trước và thậm chí đe dọa sẽ đi một mình nếu cha mẹ không đưa nó đến đó. Chỉ khi đến lúc như vậy, hầu hết các bậc cha mẹ mới bắt đầu truyền đi thông tin chi tiết để kiểm tra xem người mà con họ mô tả có tồn tại hay không.
Gây ấn tượng cũng là một động cơ hợp lý thúc đẩy các bậc cha mẹ trong một số ít trường hợp mà đứa trẻ tự xưng là kiếp trước của một người nổi tiếng. Vì vậy, các nhà nghiên cứu luôn coi các tuyên bố về sự đầu thai của người nổi tiếng với sự hoài nghi lớn. Nhưng hầu hết những đứa trẻ có ký ức kiếp trước tự nhiên, nhớ lại cuộc sống khá bình dị như những người bình thường khác, thậm chí vô danh hoặc ít được biết đến. Những câu nói về tiền kiếp như vậy, ngay cả khi được chứng minh là đúng, cũng chẳng mang lại ấn tượng, thanh thế gì cả.
Do đó, trong phần lớn các trường hợp, dường như không tồn tại lý do có thể xác định được những bậc cha mẹ thực hiện hành vi gian lận. Ngoài ra, có hai luận cứ mạnh mẽ chống lại sự giải thích gian lận.
L1. Khó khăn thực tế khi thực hiện gian lận
Để bác bỏ sự gian lận sẽ bao gồm một số trường hợp sau:
–Huấn luyện khó khăn: Cha mẹ sẽ phải huấn luyện đứa trẻ nhiều lần và kỹ lưỡng, để bắt trẻ kể đi kể lại chính xác cùng một câu chuyện giả và tạo ra những cảm xúc/thái độ phù hợp đi kèm với câu chuyện. Việc huấn luyện tỉ mỉ như vậy sẽ vô cùng khó khăn và rắc rối; nhưng vẫn có thể thực hiện được khi mà đứa trẻ đủ lớn để được huấn luyện.
Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, trẻ bắt đầu nói về những ký ức kiếp trước ngay sau khi chúng học nói. Độ tuổi quá bé này làm cho giả thuyết gian lận trở nên khó thuyết phục, như nhà báo Shroder đã chỉ ra trong cuốn sách ‘Old Souls’: “Tuổi còn quá nhỏ đó khiến ý tưởng về một hình thức lừa đảo nào đó gần như không thể có. . . . Việc tin rằng một đứa trẻ có thể học và lặp lại các tiểu sử/lý lịch phức tạp và chính xác ở độ tuổi mà các bạn cùng trang lứa đang phải vật lộn để học tên màu sắc gần như là một điều vô lý ”.
–Đảm bảo sự thông đồng giữa nhiều nhân chứng: Trong nhiều trường hợp có ký ức tiền kiếp, có tới hơn một chục nhân chứng cho biết đã nghe thấy lời kể của đứa trẻ hoặc nhìn thấy cảm xúc và sự nhận biết của đứa trẻ, hoặc cả hai điều trên. Việc làm cho tất cả những người này cung cấp một lời giải trình/báo cáo lừa đảo nhất quán sẽ không chỉ đòi hỏi ở việc gian lận mà còn là một âm mưu phức tạp và có hệ thống. Vì các bậc cha mẹ không thu được bất cứ điều lợi ích gì có thể nhìn thấy thông qua cách chứng minh rằng các trường hợp tái sinh là sự thật, nên có vẻ như rất khó xảy ra việc họ sẽ có một nỗ lực lớn cần thiết để tổ chức một âm mưu như vậy.
L2. phụ huynh khó chịu và xấu hổ
Điều quan trọng nhất, có những trường hợp, cha mẹ nhận thấy những ký ức kiếp trước của đứa trẻ khiến họ khó chịu và thậm chí xấu hổ; họ rõ ràng mong muốn con mình được “bình thường” và đã cố gắng biến điều này thành hiện thực. Trong những trường hợp này, sự giải thích về gian lận hoàn toàn thất bại. Tại sao các bậc cha mẹ lại sắp đặt một sự gian lận mà họ sẽ bị mất mặt?
Trường hợp của Naresh nói trên có thể là một ví dụ. Ngoài ra, trường hợp cậu bé người Anh ở Middlesbrough nhớ lại kiếp trước là một phi công Đức-quốc-xã cũng là một ví dụ điển hình, khi bố mẹ cậu bé đều có nền tảng Thiên chúa giáo và văn hóa không tin vào luân hồi, và thấy khó chịu khi cậu bé nói về kiếp trước lại là một phi công Đức-quốc-xã tới thả bom xuống nước Anh của họ, nhân vật cậu bé nhận là kiếp trước là kẻ thù địch của người Anh trong Thế chiến 2, và đến hiện tại nhiều người Anh vẫn khó thể xóa bỏ ác cảm về những phi công Đức-quốc-xã này, không những thế, cậu bé còn bị bạn bè chế diễu, bắt nạt khi nghe được câu chuyện tiền kiếp của cậu bé. Giả thuyết về gian lận hay trục lợi hoặc vong nhập trong trường hợp này hoàn toàn không hợp lý, nhân vật trong kiếp này và kiếp trước có những đặc điểm đặc trưng giống nhau về khuôn mặt, cũng như vết bớt bẩm sinh trùng khớp với sự kiện xẩy ra trong tiền kiếp.
Sen 4 màu dịch&biên tập
Ghi chú: bài viết thể hiện dựa trên quan điểm của tác giả dựa theo nghiên cứu của riêng cá ông Ian Stevenson và 1 số cộng sự, có nhiều điểm có thể gây tranh luận, tranh cãi hoặc có kẽ hở, 1 số thông tin thu thập chưa thể hoặc không thể kiểm chứng; nhiều người ngày nay có thể giải thích dưới góc độ tâm lý học, hoặc do cá nhân sống trong vùng ảnh hưởng quan niệm tôn giáo truyền thống nên có thể vô thức từ nhỏ đã được tiếp xúc thông tin hoặc để với mục địch truyền đạo .v.v.
Chú thích:
[1] Journal of Scientific Exploration, Vol. 4, No. 2, 1990, University of Virginia
[2] không có giấy tờ ghi lại chính xác ngày sinh
[3] Old Souls – tạm dịch là những linh hồn cổ, già hoặc xưa cũ hoặc những linh hồn trước đây .v.v.
[4] Không vội vã đưa ra kết luận, đánh giá của mình
[5] Pasricha, Satwant K., Can the Mind Survive Beyond Death, Volume 1, Harman Publishing, New Delhi, 2008, trang 159-161