Phần 2
Chương 6
Vài Suy Nghĩ Về Luật Nhân Quả
Những tập hồ sơ của ông Cayce trình bày cho ta thấy biết bao nhiêu những sự đau khổ của người đời, có thể phân tách ra thành nhiều loại, đau khổ bệnh tật về thể xác lẫn tinh thần. Những hồ sơ đó làm nổi bật những khía cạnh báo ứng của luật nhân quả, bởi vì những người đến nhờ ông Cayce giúp đỡ, trước hết thường là những người đau khổ vì bệnh tật.
Một người đầy đủ sức khỏe không có lý do tìm đến bác sĩ; và một người sung sướng ít khi thấy cần phải tìm hiểu về mục đích rốt ráo và ý nghĩa của cuộc đời. Chính vì thế mà phần lớn những cuộc quan sát bằng thần nhãn của ông Cayce được thực hiện cho những người đang chịu đau khổ vì những bệnh tật khó khăn, hoặc có khi là những sự đau khổ tinh thần rất lớn mà không có một vị y sĩ, một nhà tâm lý, hay một vị mục sư nào có thể tìm ra cách giải quyết.
Nhưng những cuộc soi kiếp của ông Cayce cũng cho thấy giá trị của sự đau khổ trên phương diện luân lý và tinh thần. Nhờ thấy rõ nguyên nhân sự đau khổ nên nó không còn là một điều khủng khiếp và đáng sợ đối với chúng ta. Trái lại, những cuộc soi kiếp đó đã khuyến khích, an ủi, giúp nguồn cảm hứng và xoa dịu những tâm hồn đau khổ một cách sâu sắc. Người ta không còn khao khát tránh né đau khổ, mà hiểu được rằng đó là những kết quả tất nhiên phải chịu đựng do những việc làm xấu ác của chính mình trong quá khứ. Và điều đó ngay lập tức làm thay đổi quan niệm ứng xử cũng như tâm tính, nhân cách của họ để hướng đến sự hiền thiện.
Tuy nhiên, những tập hồ sơ Cayce không phải chỉ gồm có những trường hợp chữa bệnh và giúp đỡ những kẻ bệnh tật khốn khó mà thôi. Trong những chương sau, chúng ta sẽ thấy sự tác dụng của Luật nhân quả trong việc rèn luyện khả năng, đức tính, thiên tài… và những bẩm tính cùng tư chất đủ loại trong con người, làm căn bản cho sự khám phá những tài năng ẩn tàng cũng như vấn đề hướng thiện, giúp cho mỗi người tìm thấy được con đường chân chính để noi theo trong cuộc đời.
Một hoàn cảnh tốt và một thân thể kiện toàn là do những nghiệp quả tốt đưa đến. Nhưng những cuộc soi kiếp thường không giải thích về nguyên nhân của những quả báo tốt lành, vì người ta cho rằng không phải những người được yên lành sung sướng, mà chỉ có những trường hợp đau khổ mới đáng được chú ý. Những người được soi kiếp cũng đồng quan niệm với cái khuynh hướng chung của mọi người, là một số phận tốt lành hạnh phúc không cần phải giải thích lý do; mọi người đều cho rằng mình có quyền được hưởng một số phận yên lành tốt đẹp. Chỉ khi nào bị điêu linh khốn khổ, tai họa dập dồn, thì người ta mới bắt đầu tự hỏi tại sao họ lại bị như thế!
Một thân hình tốt đẹp cũng là do nghiệp quả tốt mang đến. Những cuộc soi kiếp thỉnh thoảng cũng cho biết rằng một thân hình cân đối xinh đẹp trong kiếp này là kết quả của sự săn sóc giữ gìn thân thể trong kiếp trước. Nhưng trong một cuộc soi kiếp, ông Cayce có đưa ra một trường hợp lý thú về sắc đẹp do một lý do nghiệp quả khác hẳn. Đó là trường hợp của một người mẫu có sắc đẹp nổi tiếng ở New York. Cô có hai bàn tay tuyệt đẹp, và được các hãng buôn mời chụp ảnh làm mẫu để quảng cáo cho những món hàng trang sức như thuốc nhuộm móng tay, dầu thơm, và đồ nữ trang…
Quả báo tốt lành khiến cho cô có sắc đẹp trong kiếp này được truy nguyên từ một kiếp trước trong một tu viện ở Anh quốc. Trong tu viện, cô dành trọn cuộc đời và dùng hai bàn tay để làm những công việc hèn mọn và thấp kém nhất với một tinh thần phụng sự và hoàn toàn hiến dâng. Cái chí nguyện tâm linh ấy đã đem đến cho cô trong kiếp này một thân hình mỹ lệ với hai bàn tay đẹp đẽ khác thường. Đây là một triển vọng đáng khuyến khích cho những ai mong muốn có sắc đẹp!
Những quả báo đau khổ xảy đến cho ta có lẽ gây cho ta một ấn tượng sâu xa thấm thía hơn là những quả báo tốt lành, nhất là nó lại càng thấm thía hơn và cần thiết hơn vào thời buổi hỗn loạn và suy đồi hiện nay. Người thời nay trí khôn đã mở rộng, khoa học càng ngày càng phát triển, cuộc sống tinh thần cần dựa trên một nền tảng thông minh có thể làm thỏa mãn được lý trí. Một phép xử thế đúng đắn, hợp với lẽ đạo là cần thiết để đem đến cho con người một đời sống hạnh phúc, an vui và giải thoát. Người ta sẽ nhận thấy tầm quan trọng lớn lao của điều này khi hiểu rõ hơn về luật nhân quả và luân hồi.
Vì thế, giáo lý minh triết cổ truyền đem đến cho ta một phương thuốc thần hiệu để chữa khỏi chứng bệnh liệt nhược tinh thần của nhiều giáo phái hiện nay. Có lẽ những sự hành phạt đau khổ của luật nhân quả mà chúng tôi trình bày trong quyển sách này sẽ không làm nản lòng những ai chấp nhận thuyết luân hồi; trái lại nó còn đem đến cho họ niềm hy vọng, một sự yêu đời và một đức tin mới mẻ căn cứ trên sự tin tưởng ở sự công bằng và khách quan tuyệt đối của nhân quả, luôn chi phối tất cả mọi sự việc trên thế gian.
Những thí dụ kể trên có lẽ sẽ làm cho người ta phải dè dặt, cẩn thận hơn trong những hành động và cử chỉ của đời sống hằng ngày. Khi ta biết rằng sự tàn nhẫn độc ác có thể gây nên quả báo đui mù tàn tật, bệnh mất máu, bệnh suyễn hay bệnh liệt bại; sự hoang dâm có thể gây nên chứng bệnh động kinh (Epilepsie); sự áp chế đè nén kẻ khác có thể đem đến bệnh liệt bại… thì những điều đó có thể làm cho chúng ta dễ quay đầu hướng thiện và cố gắng sống một đời sống tốt lành hơn.
Ngoài ra, những trường hợp kể trên đem đến sự giải thích về tình trạng thê thảm của hàng triệu người đang đau khổ vì đủ loại bệnh tật trên thế gian. Chúng ta không thường xuyên nhìn thấy được những kẻ tật nguyền, què quặt, đui mù, câm điếc, điên khùng, những người bị các chứng bệnh nan y, liệt bại, động kinh, cùi phong, những người cụt tay cụt chân vì tai nạn hay vì chiến tranh.v.v… vì những người xấu số đáng thương ấy luôn ẩn trú trong nhà, hoặc nằm yên trong các bệnh viện. Chúng ta chỉ tình cờ gặp họ một đôi khi ở ngoài đường phố, và không biết rõ tổng số những người bệnh tật đau khổ ấy lên đến bao nhiêu! Nhưng nếu ta lưu tâm một chút, ta sẽ biết ngay về sự tồn tại của họ trên thế gian này, với một thành phần rất đông đảo và những số phận hết sức thảm thương.
Sự giải thích thông thường của các giáo sĩ đạo Gia Tô về những thảm trạng đau thương ấy là: “Đó là ý muốn của Chúa Trời!” Nhưng thật khó mà dung hòa cái ý niệm một đấng Cha Lành đầy lòng bác ái mà lại tạo ra những cảnh đau khổ lầm than đó cho những đứa con vô tội của Ngài! Về điểm này, người ta lại nói rằng ý muốn của Chúa Trời là một điều không thể cân nhắc suy lường, và càng không thể hiểu được! Nhưng rốt cuộc thì sự giải thích ấy không thể giải quyết được sự mâu thuẫn nói trên.
Thuyết luân hồi nhân quả đã đưa ra sự giải thích cho vấn đề bí ẩn đó bằng cách chỉ rõ rằng sự vật diễn ra trong vũ trụ không bao giờ do sự ngẫu nhiên tình cờ, mà là do tác động của một định luật tự nhiên rất công bằng và hợp lý. Đó là một định luật căn bản trong vũ trụ, theo đó thì những người đau khổ bệnh tật vốn là do những nguyên nhân xấu ác mà chính họ đã gây ra trong quá khứ, và bây giờ họ phải gánh lấy hậu quả. Không một ai phải chịu những cảnh lầm than khốn đốn nếu đó không phải là do những nguyên nhân xa hoặc gần mà họ đã tạo ra trong quá khứ.
Người Tây phương không thể chấp nhận quan niệm về luân hồi một cách dễ dàng vì nó có vẻ khó tin và không thể được chứng minh một cách khoa học, nghĩa là không có gì làm bằng chứng. Tuy nhiên, trong đời sống có biết bao nhiêu những chuyện khó tin mà chúng ta không hề nghĩ đến! Từ một cái trứng bé nhỏ chui ra một con nòng nọc, lội dưới nước như một con cá, rồi lớn dần và rụng đuôi để trở thành con ếch! Một con sâu kết một cái kén bằng tơ và sau đó ít lâu sẽ từ trong cái kén chui ra và trở thành một con bướm màu sắc sặc sỡ. Đó chỉ là một vài thí dụ lạ lùng để chỉ cho ta thấy rằng sự sống của một sinh vật có thể thay hình đổi dạng nhiều lần liên tiếp mà vẫn không mất cái cá tính riêng của nó; và chúng ta luôn chấp nhận những điều ấy một cách tự nhiên.
Nếu suy nghĩ kỹ, có lẽ ta sẽ thấy rằng những thí dụ đó cũng không khác gì việc tâm thức con người có thể tái sinh nhiều lần để có sự sống trong những thể xác khác nhau mà vẫn giữ nguyên vẹn cá tính của nó.
Những cuộc soi kiếp của ông Cayce mà nếu ta có thể chấp nhận được về phương diện tâm lý và luân lý sẽ giúp cho ta giải tỏa được nhiều sự hoài nghi. Những tài liệu lạ lùng đó là bằng chứng để giúp ta có một tầm hiểu biết sâu xa và đầy đủ hơn. Có lẽ nó sẽ giúp ta thấy rằng, ngoài những kiếp sống tầm thường, khó khăn và gò bó của chúng ta trong thế giới nhỏ hẹp này, còn có một tầm sinh hoạt rộng lớn bao la hơn nữa, và nếu chấp nhận sự nhìn sâu vào đời sống tâm linh, ta sẽ thấy rằng cuộc đời còn có những ý nghĩa sâu xa thâm trầm hơn những gì ta đã có thể tưởng tượng từ trước đến nay.
Chương 7
Quả Báo Không Tức Thì
Một điều lạ lùng mà ta có thể nhận thấy trong những trường hợp quả báo về xác thân như đã kể trên, là những quả báo chỉ xuất hiện một hay nhiều kiếp sau khi cái nhân đã được tạo ra. Người ta tự hỏi, tại sao lại có sự chậm trễ đó, tại sao nghiệp quả không báo ứng ngay tức khắc như một quả banh dội lại ngay sau khi được ném vào tường?
Dường như câu hỏi đó có nhiều cách giải đáp. Một là sau khi đã gây nhân tạo nghiệp, cần phải đợi đến khi có một hoàn cảnh thuận tiện cho cái nhân kia kết lại thành quả. Có khi phải đợi qua nhiều thế kỷ mới hội đủ các điều kiện. Trong khoảng thời gian đó, tất nhiên là mỗi người đều có được những cơ hội để cải thiện tâm tính, tu dưỡng tinh thần, và nhờ đó có thể giúp cho quả báo trở nên giảm nhẹ hơn.
Người ta tìm thấy một thí dụ về loại quả báo không tức thì này trong những tập hồ sơ Cayce về những tâm thức trước kia đã từng sinh ra ở châu Atlantide. Khoa học chưa bao giờ có thể xác nhận hay phủ nhận sự hiện diện của châu Atlantide vĩ đại và cổ xưa nay đã chìm dưới đáy Đại Tây Dương, mặc dầu người ta có đủ lý do để tin vào sự kiện ấy trước rất nhiều bằng chứng lịch sử, khoa học và văn hóa.
Một tài liệu lịch sử quan trọng là bộ sách “Crisias và Timeus” của Platon. Trong đó, tác giả tường thuật những điều ông đã nghe nói về châu Atlantide.
Một trong những bằng chứng khoa học thường được nêu ra là sự khám phá của các nhà bác học, nhân dịp một sợi dây cáp ngầm dưới Đại Tây Dương bị đứt và chìm xuống đáy biển ở một độ sâu ba ngàn thước. Khi sợi dây cáp được vớt lên, thì nó dính theo những mẫu phún thạch (lava). Khi người ta phân tích những mẫu phún thạch này thì thấy rằng ngày xưa chúng đã từng đông đặc lại trên đất liền trước khi chìm xuống đáy biển.
Trong những bằng chứng văn hóa đáng kể nhất thì trước hết là những huyền thoại về cuộc đại hồng thủy. Người ta không chỉ gặp những huyền thoại này trong bộ Kinh Thánh (Bible), mà còn cả trong những truyện thần thoại tôn giáo và lịch sử của hầu hết những dân tộc cổ xưa trên thế giới.
Kế đó là những điểm tương đồng giữa những ngôn ngữ, văn tự và kiến trúc của Ai Cập và Trung Mỹ, ở vào một thời kỳ mà người ta không thấy có những phương tiện giao thông giữa hai lục địa châu Mỹ và châu Phi.
Tất cả những bằng chứng kể trên có thể giúp cho người ta tin tưởng vào sự hiện diện của châu Atlantide, dù vẫn chưa đủ để đưa đến một kết luận chắc chắn. Nhưng nếu ta tin vào kết quả những cuộc soi kiếp của ông Cayce, thì châu Atlantide đã từng hiện hữu một cách hiển nhiên, không còn nghi ngờ gì nữa.
Theo ông Cayce, một vài gian phòng bí mật hãy còn khóa chặt trong Đại Kim tự tháp ở Ai Cập, một ngày kia sẽ có thể tiết lộ cho chúng ta một kho tài liệu đầy đủ về lịch sử và nền văn minh của châu Atlantide. Ông Cayce cho biết rằng, những tài liệu đó được chôn giấu trong Kim tự tháp bởi những người dân Atlante ngày xưa di cư qua Ai Cập trong cuộc thiên tai địa chấn lần thứ ba và cũng là lần cuối cùng đã nhận chìm châu Atlantide xuống đáy biển vào khoảng chín ngàn năm trăm năm trước Tây lịch.
Ông Cayce cũng nói rằng, đảo Bimini ở ngoài khơi tiểu bang Florida (Hoa Kỳ), nguyên là đỉnh một ngọn núi cao ở châu Atlantide ngày xưa. Ông cũng cho biết rằng tại nơi đó, người ta có thể tìm thấy dưới đáy biển một ngôi đền cổ của dân Atlante. Mái bầu của ngôi đền được xây cất với những tấm kiếng thủy tinh theo một kiểu kiến trúc đặc biệt để thâu ánh nắng mặt trời.
Những cuộc soi kiếp cũng cho biết dân Atlante ngày xưa đã từng đạt tới một trình độ khoa học tiến bộ hơn cả chúng ta ngày nay. Họ đã từng phát triển đến một mức độ rất cao trong các ngành điện khí, vô tuyến điện, vô tuyến truyền hình, những phương tiện di chuyển trên không trung, tàu ngầm, cùng phương pháp sử dụng năng lượng mặt trời và năng lượng nguyên tử. Họ đã từng phát minh những kỹ thuật dùng nhiệt lượng để thắp sáng và vận chuyển tiến bộ hơn chúng ta ngày nay.
Điều đáng ghi nhớ là những cuộc soi kiếp của ông Cayce thường lặp đi lặp lại nhiều lần rằng dân Atlante ngày xưa bị họa diệt vong vì họ đã lạm dụng những sức mạnh kinh khủng mà họ chế ngự được. Họ dùng điện lực, khoa thôi miên và sức mạnh của tư tưởng để đàn áp, chế ngự kẻ khác, hoặc sai khiến người khác làm việc như những nô lệ, hoặc để cưỡng hiếp phụ nữ và thỏa mãn sắc dục.
Những sự lạm dụng quyền năng và những hành vi trái đạo kể trên không thể cứu chuộc được một cách đầy đủ và trọn vẹn cho dù những kẻ phạm lỗi ấy đã phải trải qua nhiều thời kỳ đớn đau khổ nhục để bù đắp, trong những thời kỳ mà khoa học chưa được phát triển và người ta chưa có những kiến thức sâu rộng về khoa tâm lý hoặc khoa huyền môn. Sự thử thách hữu hiệu nhất để biết một người đã thắng được thói ăn uống vô tiết độ hay chưa là đặt trước mặt anh ta những món cao lương mỹ vị, để xem anh ta có biết tự chủ hay không? Người ta không thể biết được một người đã hoàn toàn tự chủ về sắc dục hay chưa, nếu người ấy chưa gặp phải sự thử thách và bị cám dỗ mà vẫn không động lòng như thánh Antoine ngày xưa, lòng vẫn thanh tịnh giữa những giai nhân tuyệt sắc, đáng yêu! Cũng vậy, những kẻ tội lỗi đã từng lạm dụng những quyền năng phi thường và mầu nhiệm nhờ sự phát triển khoa học của châu Atlantide thuở xưa, chưa hẳn đã thực sự từ bỏ thói ích kỷ tham tàn và thay đổi tâm tính, nếu họ chưa gặp những hoàn cảnh tương tự của một thời kỳ phát triển khoa học và kỹ thuật như thời đại này để thử thách xem họ có biết dùng những phương tiện đó với một tinh thần xây dựng, hay là với mục đích ích kỷ hại nhân như thuở trước.
Sự tiến bộ theo từng chu kỳ của lịch sử đã làm cho thế kỷ hai mươi trở nên một thời kỳ phát triển khoa học như vừa nói trên. Vì thế, những cuộc soi kiếp của ông Cayce tiết lộ rằng có rất nhiều người dân Atlantide thời cổ nay đã tái sinh vào thời kỳ hiện tại.
Những tiến bộ về kỹ thuật và khoa học của thời đại này có thể hiểu theo hai cách. Trước hết, đó là kết quả những kinh nghiệm về phát minh khoa học mà những người dân Atlantide đã mang theo từ những tiền kiếp quá khứ xa xăm của họ ở châu Atlantide ngày xưa. Thứ hai, thời kỳ này có thể xem là giai đoạn thử thách cho những con người đã từng phạm tội đó, để bộc lộ rõ trong suốt thời gian qua họ đã thâu thập được những đức tính gì khả dĩ giúp cho họ chống lại sự cám dỗ do thói ích kỷ và tàn bạo còn rơi rớt lại của thế hệ văn minh khoa học vật chất.
Vì thế, có vẻ như yếu tố căn bản quyết định vấn đề quả báo không tức thì là việc những ai đã gây nghiệp quả xấu phải chờ đến khi tái sinh vào một thời kỳ thuận tiện, hội đủ những điều kiện để quả báo xấu của họ thực sự chín muồi.
Vấn đề này hình như cũng có liên quan đến sự tiến bộ từng chu kỳ của lịch sử và sự luân phiên của những tâm thức tương đồng trong việc tái sinh cùng lúc vào những thời kỳ thích hợp. Những trào lưu chủng tộc và các sắc dân trên địa cầu dường như cũng tái sinh trở lại thế gian theo từng giai đoạn, ví như những luồng sóng dập dồn nối nhau từng chu kỳ, theo định luật tuần hoàn của vũ trụ.
Tuy nhiên, có nhiều đoạn ghi nhận trong các cuộc soi kiếp của ông Cayce chỉ ra rằng sự tái sinh của các nhóm thiểu số trong những nhóm lớn đó, và thậm chí trường hợp của từng cá nhân trong các nhóm ấy, không phải do một sự tiền định hoặc theo từng khuôn mẫu hay chu kỳ nhất định. Trường hợp của mỗi một tâm thức cũng như từng nhóm tâm thức có nghiệp lực tương đồng không phải bao giờ cũng tái sinh một cách đều đặn như một sự việc đã định sẵn. Điều này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác tác động từ bên ngoài (các duyên) cũng như những thay đổi bên trong của từng tâm thức riêng biệt.
Về điểm này, cũng như trên những lãnh vực khác của sự sống trong vũ trụ, con người vốn luôn có quyền tự do ý chí, và mỗi cá nhân hay một nhóm người đều luôn có quyền tự do chọn lựa những điều kiện liên quan đến sự tái sinh của mình, nếu họ có đủ sáng suốt. Nhận xét này gợi lên một sự phức tạp mới nữa: Nếu một tâm thức muốn phát triển những đức tính hay công hạnh nào đó, tâm thức ấy cần có sự chọn lựa một thời điểm tái sinh thích hợp, với những điều kiện thích hợp Và sự tu dưỡng của cá nhân mỗi tâm thức cũng là điều kiện góp phần vào việc tâm thức ấy có phải tức thời nhận lãnh những quả báo xấu mà mình đã tạo ra hay không.
Những sự kiện kể trên là những yếu tố góp phần giải thích hiện tượng quả báo không tức thì sự tu dưỡng tinh thần là một yếu tố quan trọng luôn phải được xét đến, bởi nó vừa mang tính chủ quan của mỗi cá nhân, vừa tạo ra những tác động khách quan khiến cho mọi hoàn cảnh đều có thể thay đổi. Với sự tu dưỡng tinh thần, người ta có thể chịu đựng những quả báo xấu khi chúng xảy đến và xem đó như những cơ hội để rèn luyện, tu dưỡng, nhằm hoàn thiện tinh thần hơn nữa. Mặc dù không thể tránh khỏi việc nhận lãnh những quả báo xấu do lỗi lầm đã mắc phải trong quá khứ, nhưng một người biết tu dưỡng có thể xem đó chính là cơ hội để thâu thập, rèn luyện những đức tính cần thiết để tiếp tục đương đầu với quả báo khác nữa khi nó tuần tự xảy đến trong cuộc luân hồi.
Nhiều người bệnh tật khi được ông Cayce soi kiếp và được cho biết rằng nguồn gốc bệnh trạng của họ được truy nguyên ra từ nhiều kiếp trước, đều lấy làm tò mò muốn biết lý do của sự kéo dài như thế. Những người muốn làm sáng tỏ vấn đề này bằng một cuộc soi kiếp thứ nhì, đều nhận được câu trả lời giống như của cô thiếu nữ què mà chúng tôi đã kể chuyện trong chương 5. Cô này hỏi:
– Tại sao đến kiếp này tôi mới phải trả nghiệp quả mà tôi đã gây ra từ thời đế quốc La Mã?
Cô ấy được trả lời như sau:
– Bởi vì không có đủ những điều kiện thích hợp để quả báo của cô chín muồi vào một thời điểm sớm hơn.
Như vậy, khi một quả báo xấu không đến sớm hơn, đó là vì có những nguyên do chủ quan bên trong lẫn những điều kiện khách quan bên ngoài. Trong trường hợp này cũng như nhiều trường hợp bệnh tật khác, một sự nghiên cứu tỉ mỉ về những kiếp trung gian thường cho thấy rằng đương sự đã có những chuyển hóa tốt đẹp hơn qua sự tu dưỡng, hoặc biết tận dụng nhiều cơ hội để phát triển thêm những đức tính và có sự tiến hóa về mặt tinh thần. Chính vì thế mà những điều kiện nhân duyên thuận lợi cho sự chín muồi của một quả báo xấu đã không được tạo ra.
Thí dụ, nếu chúng ta xét lại trường hợp của người thiếu niên mười sáu tuổi, bị thương nặng trong vụ tai nạn xe hơi như đã kể trên, chúng ta thấy rằng nguyên nhân của nghiệp quả này là do anh ta đã gieo từ thời kỳ đế quốc La Mã. Tuy nhiên, trong một kiếp trước đây khi tái sinh vào thời kỳ Cách mạng ở Bắc Mỹ, anh ta cho thấy có sự phát triển nhiều đức tính như lòng can đảm, yêu đời và khả năng khai thác khía cạnh tốt của mọi hoàn cảnh. Những đức tính đó hoàn toàn không phải tự nhiên có được, mà nó biểu lộ sự nỗ lực của các nhân trong sự vươn lên hoàn thiện chính mình. Và điều đó không phải gì khác hơn mà chính là một trong những hình thức tu dưỡng tinh thần. Nhờ đó mà những điều kiện thích hợp cho sự chín muồi của một quả báo xấu đã bị ngăn chặn.
Một thí dụ sau đây có thể giúp cho chúng ta hiểu rõ hơn về vấn đề này. Một người vay tiền của ngân hàng để kinh doanh. Anh ta không thể trả hết số nợ đó trong vài ngày hay một tuần lễ, hoặc một tháng ngay sau khi vay. Việc kinh doanh của anh ta cần có thời gian, và vì thế sự trả nợ cũng phải có một thời gian, kỳ hạn nhất định. Những món nợ nghiệp quả cũng tương tự như thế, cần có một kỳ hạn nhất định trước khi chín muồi và biểu hiện thành những sự kiện tốt hay xấu trong đời người.
Đó là những lý do khách quan cũng như chủ quan có thể giải thích cho việc người ta thường không nhận lãnh những quả báo xấu một cách tức thì.
Nếu một ngày kia thuyết luân hồi được tất cả mọi người thừa nhận, và nếu quan niệm về nhân quả được quần chúng Tây phương cũng như Đông phương hiểu rõ, ít nhất là trên nguyên tắc đại cương, thì chắc chắn vấn đề quả báo không tức thì sẽ có ý nghĩa răn đe hữu hiệu đối với rất nhiều người! Cái ý tưởng rằng một hành động độc ác nào đó trong quá khứ rồi chắc chắn sẽ dẫn đến những quả báo phải chịu đui mù, tàn tật trong một kiếp tương lai xa hay gần sẽ là một bản án treo làm cho người ta phải cảm thấy lo sợ, cân nhắc mỗi khi sắp phạm vào một sự lỗi lầm. Đối với những người nhạy cảm và có đức tin mạnh mẽ thì một món nợ nhân quả không được biết rõ cũng ví như một lưỡi gươm của Damoclès treo lủng lẳng phía trên và chực chờ rơi xuống đầu họ bất cứ lúc nào, và điều đó có tác dụng giúp họ luôn phải biết lo sửa mình tu dưỡng thay vì sống buông trôi theo lạc thú.
Đối với một số người thì thuyết nghiệp quả có thể chỉ là một sự dọa dẫm mơ hồ và hoàn toàn không có cơ sở khoa học, cũng như hình tượng quỷ Satan và lửa hỏa ngục đã từng là một mối đe dọa làm nhiều người sợ hãi trong nhiều thế hệ đã qua! Để chống lại cái khuynh hướng sợ sệt mơ hồ đó, họ đi đến việc phủ nhận toàn bộ vấn đề quả báo, cũng như phong trào Khoa học Công giáo (Science Christienne) đã từng phủ nhận mọi tội lỗi, sự lầm lạc… Tuy nhiên, sự phủ nhận vật chất thế gian cũng như vấn đề tội lỗi và quả báo không có ý nghĩa giải quyết vấn đề! Điều nên làm của chúng ta không phải là giấu giếm sự thật, như con chim đà điểu vùi đầu xuống cát để giấu mình, mà là phải thấu hiểu được sự thật để biết tự chế phục mình và xây dựng cuộc đời này theo những lý tưởng hay khuynh hướng tâm linh cao cả.
Sự phủ nhận nhân quả chẳng khác nào không thừa nhận những món nợ mà mình phải trả hay những bài học mà mình cần phải học hỏi, và đó là một thái độ bất lương. Kẻ nào muốn gạt gẫm hay trốn tránh trách nhiệm, dầu đó là những trách nhiệm vật chất hay tinh thần, đều không thể gây cho người khác lòng mến phục.
Thói thường, khi người ta không thích một điều gì, người ta hay lý luận một cách khôn khéo để phủ nhận điều ấy. Đó cũng là một sự trốn tránh trách nhiệm. Nhưng nói như vậy không có nghĩa là mọi sự lý luận hay dẫn dụ (suggestion) đều là vô ích. Trái lại, sự dẫn dụ có thể rất hữu ích để chữa những bệnh trạng thuộc về tâm lý. Chúng ta đã thấy trường hợp lý thú của đứa trẻ bị chứng bệnh đái dầm và phương pháp dẫn dụ để đánh tan mặc cảm tội lỗi hằn sâu trong tiềm thức, đã chữa cho em ấy được khỏi bệnh.
Nếu các nhà tâm lý học muốn chữa những chứng bệnh về mặc cảm tội lỗi thì phương pháp điều trị tốt nhất là làm cho bệnh nhân thành thật nhìn nhận những tội lỗi đã gây ra; bày tỏ một ý muốn chân thành muốn chuộc lỗi, và sau cùng phải bày tỏ sự cương quyết làm việc tốt và hướng thiện, nghĩa là theo hướng ngược lại với tội lỗi đã gây ra. Như vậy, quả báo sẽ dần dần giảm nhẹ cho đến tiêu tan, và bệnh sẽ thuyên giảm.
Nếu chúng ta chấp nhận thuyết luân hồi thì ta phải nhìn nhận rằng nhân loại chưa có được sự tiến hóa cao về phương diện tâm linh, vì thế mà con người còn phải chịu những quả báo xấu trong nhiều kiếp sống tương lai. Nhưng ta không nên quá băn khoăn lo sợ vì điều đó. Tục ngữ phương Tây có câu: “Mỗi ngày chỉ chịu đựng vừa đủ sự khổ nhọc của nó!” (A chaque jour suffit sa peine.) Câu này ngụ ý là ta nên sống mỗi ngày một cách bình tĩnh, chấp nhận mọi sự việc mà không cần phải băn khoăn lo lắng. Chẳng những là mỗi ngày mà mỗi kiếp sống cũng vậy; dầu cho ta có bị những khó khăn đau khổ như thế nào, ta cũng phải sống trọn đời sống của mình với một niềm tin tưởng chắc chắn rằng những gì xảy đến cho ta là rất công bình, và ta luôn có đủ sức chịu đựng mọi điều xảy đến. Không gì có thể xem là quá sức chịu đựng của ta trong đời sống cả.
Hơn nữa, dầu cho ta có tin vào luật nhân quả hay không, ta cũng phải thừa nhận rằng tương lai là một cái gì mà ta không thể biết được một cách chắc chắn. Và nếu ta tin rằng những tai họa xảy đến cho ta là do lẽ nhân quả báo ứng chứ không phải do sự ngẫu nhiên tình cờ hay ý muốn của một đấng toàn năng, thì những nỗi băn khoăn sợ sệt của ta sẽ tự nó tan biến, vì lý do giản dị là quả báo luôn xảy đến cho ta theo một định luật công bằng tuyệt đối.
Con người thường hay sợ sệt những tai họa sẽ đến, nhưng nếu biết rằng sự việc luôn xảy đến một cách công bằng thì ta sẽ chẳng có gì phải lo sợ hay trốn tránh. Ngược lại, mỗi tai họa còn có thể là một cơ hội để mang đến cho ta một bài học hay và mở rộng tầm kiến thức cũng như rèn luyện và tu dưỡng tinh thần. Như vậy, rõ ràng đó không phải là một điều đáng sợ.
Một người lương thiện nếu biết mình mắc nợ thì phải cố gắng lo việc trả nợ; anh ta sẽ làm việc một cách siêng năng chăm chỉ để có thể trả hết món nợ vào đúng kỳ hạn, nhưng hoàn toàn không cần thiết phải lo lắng sợ sệt về việc ngày trả nợ sẽ đến. Người ấy chỉ cần đem hết tinh thần, sức lực, cố gắng làm việc để có thể trả dứt nợ nần, vì đó mới là sự nỗ lực đúng hướng nhất.
Vì tầm ý thức của chúng ta có giới hạn nên chúng ta không thể biết được rằng mình đã mắc phải bao nhiêu món nợ quả báo trong những tiền kiếp thuộc về quá khứ xa xăm. Nhưng dù vậy, chúng ta cần phải có thái độ thẳng thắn của một người lương thiện, chấp nhận những món nợ của ta với một thiện chí và chân thành muốn trả nợ. Sự chấp nhận luật nhân quả và tin tưởng vào sự công bằng tuyệt đối của nó chính là thái độ tích cực nhất của chúng ta đối với mọi quả báo xảy đến.
Khi có thể đặt niềm tin vào sự tác động công bằng của luật nhân quả thì chắc chắn ta không thấy có bất cứ điều gì cần phải sợ sệt cả. Những ai gieo gió sẽ phải gặt bão, và nếu nỗ lực làm thiện thì sẽ được hưởng những quả báo tốt đẹp. Chỉ có thế thôi!
Chương 8
Quả Báo Đối Với Sức Khỏe
Có nhiều người nhận hiểu rất sai lầm về luật nhân quả. Họ cho rằng theo luật nhân quả thì mọi sự đều đã được định sẵn từ trước, và điều này làm cho họ có một thái độ thụ động, lười biếng, mất cả chí tiến thủ và việc gì cũng đổ thừa cho số mạng.
Khi hiểu nhân quả theo cách này, họ chỉ thấy được một phần của vấn đề mà không nhận hiểu được một cách toàn diện. Ngay cả đối với những người dân Ấn Độ hoặc một số nước ở phương Đông, tuy có sự tin tưởng vào luật nhân quả từ nhiều ngàn năm qua, nhưng cũng không ít người có sự nhận hiểu và thái độ sai lầm như nói trên.
Quả thật là một khi nghiệp quả đã chín muồi và được thể hiện thành một sự kiện cụ thể thì chúng ta hầu như không còn làm gì được nữa đối với quả báo xấu đó. Một người sinh ra đã bị mù do quả báo của một hành vi xấu trong quá khứ, thì hiện tại có vẻ như anh ta không làm được gì ngoài việc chấp nhận sự mù lòa đó. Tuy nhiên, cách hiểu như thế là hết sức phiến diện, vì đã cắt ngang chuỗi tiến trình nhân quả và chỉ xem xét một phần trong toàn bộ tiến trình đó. Sự thật là, nếu một hành vi trong quá khứ đã mang đến kết quả trong hiện tại, thì điều tất nhiên là mọi tư tưởng, hành vi trong hiện tại cũng tiếp tục mang đến những kết quả tương ứng trong tương lại. Hơn nữa, quả báo của một hành vi, như chúng ta sẽ thấy, không phải bao giờ cũng thuộc loại không tức thì như đã nói trong chương trước. Có rất nhiều loại quả báo có thể xảy đến ngay tức thì, hoặc ít ra cũng là ngay trong kiếp sống hiện tại, mà xưa nay người ta vẫn thường gọi là “quả báo nhãn tiền”.
Như vậy, việc ta chấp nhận một quả báo xấu theo cách nào cũng là một nhân tố góp phần tạo ra kết quả mà ta phải nhận lãnh trong tương lai gần hoặc xa. Trong ví dụ nói trên, nếu người bị mù lòa đó luôn than thân trách phận hoặc oán ghét cha mẹ đã sinh ra mình với thân phận mù lòa, thì chắc chắn anh ta phải chịu nhiều khổ đau ngay trong kiếp sống hiện tại và cũng tạo ra cái nhân đau khổ cho kiếp sống tương lai. Ngược lại, nếu anh ta nhận thức rằng sự mù lòa của mình là biểu hiện cho thấy một hành vi xấu ác đã mắc phải trong quá khứ, thì anh ta sẽ khởi lên một sự hối lỗi, sẽ cố gắng hướng đến những tư tưởng và hành vi tốt lành, giúp đỡ người khác. Với ý thức đó, anh ta sẽ chấp nhận sự mù lòa một cách thoải mái hơn, và cũng có những đóng góp tích cực hơn cho đời sống. Điều này tất yếu sẽ mang đến cho anh ta kết quả tốt đẹp hơn trong những kiếp sống tương lai.
Nếu chúng ta chấp nhận quan niệm về nhân quả, thì thái độ của chúng ta đối với mọi sự việc xảy ra trong đời sống sẽ là sự tin tưởng, chấp nhận hiện tại và nỗ lực hướng thiện để xây dựng tương lai.
Như vậy, chúng ta không khỏi đặt ra câu hỏi rằng: Chúng ta nên chấp nhận những quả báo xảy đến cho ta đến mức độ nào? Hay nói cách khác, nếu một người tin rằng căn bệnh của mình là do quả báo xấu thì liệu người ấy có nên cố gắng tìm cách chạy chữa? Hay là phải chấp nhận bệnh trạng như nó đang diễn ra?
Vấn đề này thường được nêu ra trong những trường hợp quả báo về thân xác gây nên những bệnh tật làm bệnh nhân đau khổ. Về vấn đề này, những cuộc soi kiếp của ông Cayce đều rất lý thú vì nó đem đến lời giải đáp cho những sự tranh luận về thuyết luân hồi. Những câu hỏi sau đây thường được nêu ra:
– Đối với những người đau khổ vì một chứng bệnh, nếu tin rằng đó là do quả báo thì phải điều trị như thế nào?
– Có hy vọng chữa khỏi bệnh tật hay không nếu đó là do nhân quả?
Những cuộc soi kiếp được ghi lại trong các tập hồ sơ của ông Cayce đều khuyên người ta không nên có một thái độ hoàn toàn thụ động trong việc đón nhận quả. Ông Cayce thường lặp đi lặp lại câu nói này với bệnh nhân trong trạng thái bị thôi miên của ông:
– Đó là nghiệp quả của anh (hay chị). Và bây giờ, đây là những gì mà anh (hay chị) phải cố gắng làm để thay đổi sự việc.
Trong những tập hồ sơ đó, có điều đáng chú ý là trong tất cả mọi trường hợp về bệnh tật, tuy được giải thích là do nhân quả, nhưng luôn luôn đều có những lời khuyên về cách điều trị cụ thể.
Trong nhiều trường hợp bệnh tật do quả báo, cuộc soi kiếp cho biết đều có hy vọng chữa khỏi. Trong những trường hợp mà nghiệp quả nặng nề hơn, cuộc soi kiếp nói rõ rằng tuy không có hy vọng được hoàn toàn chữa khỏi, nhưng bệnh có thể được thuyên giảm nhờ sự cố gắng tích cực đúng hướng; và kế đó là sự mô tả những phương pháp điều trị, kèm theo những yêu cầu về sự tu tâm dưỡng tánh.
Dưới đây là trường hợp lý thú của một người thợ điện ba mươi bốn tuổi, bị một chứng bệnh đau mắt cườm rất nặng, không thể chữa khỏi. Trong suốt ba năm, anh ta không làm việc gì được; mắt anh ta nhìn kém đến nỗi không thể đọc hay viết; thậm chí khi thử đi vài bước thì anh ta thường bị vấp ngã. Anh ta đã phải điều trị tại bệnh viện, trong khi vợ anh làm công trong một cửa hàng lớn để nuôi cả gia đình, với một đứa con chỉ vừa được năm tuổi.
Trong một cuộc soi kiếp của ông Cayce, anh ta được cho biết đó là một chứng bệnh do quả báo, nhưng không nên tuyệt vọng. Trong cuộc soi kiếp, ông Cayce nói:
– À! Theo chỗ chúng tôi thấy thì bệnh trạng tuy rất nặng nhưng anh chớ nên tuyệt vọng, vì sự cứu chữa đã sắp đến.
Sau đó, ông diễn tả căn bệnh bằng những danh từ y học rất chuẩn xác. Kế đó, ông Cayce tiếp tục nói về những khả năng hồi phục tiềm tàng trong người bệnh nhân; ông nói qua vài điều để chỉ rằng nguyên do chứng bệnh này là một quả báo xấu. Tiếp theo đó, ông khuyên bệnh nhân hãy thay đổi tâm tính và dẹp bỏ mọi điều oán ghét, thù hận, mọi tư tưởng xấu ác. Cuộc soi kiếp kết thúc bằng một phương pháp điều trị tỉ mỉ từng chi tiết.
Khoảng một năm sau, chính bệnh nhân ấy viết thư yêu cầu ông Cayce dành cho một cuộc soi kiếp thứ nhì. Anh ta cho biết rằng đã áp dụng cách điều trị do ông hướng dẫn một cách đúng đắn và đã thấy khá hơn. Sự thuyên giảm đó kéo dài được bốn tháng, nhưng sau đó bệnh lại tái phát và sức khỏe anh ta giảm sút.
Trong thực tế, dường như anh ta chỉ áp dụng phép điều trị về phương diện vật chất mà không chú ý đến phương diện tinh thần, vì cuộc soi kiếp lần thứ hai đã cảnh cáo anh ta một cách rõ ràng như sau:
– Tôi thấy rằng anh đã có nhiều tiến bộ về vật chất, nhưng còn có rất nhiều điều phải sửa chữa về mặt tinh thần.
Sau đó, ông đưa ra những phân tích và chỉ dẫn cụ thể. Như đã nói ở trên, ông đề nghị người bệnh phải thay đổi thái độ ứng xử trong cuộc đời, trong mọi hoàn cảnh, phải biết yêu thương và giúp đỡ đối với người đồng loại. Ông cũng giải thích, tuy bệnh có được thuyên giảm một phần nào nhờ sự áp dụng những phương pháp điều trị về thể chất, nhưng nếu người bệnh lấy đó làm tự mãn và không chịu thay đổi thái độ về mặt tinh thần; vẫn nuôi lòng thù hận, ích kỷ, độc ác bất công và ganh ghét đối với mọi người khác; hoặc nếu anh ta vẫn nuôi trong lòng những gì ngược lại với những đức tính nhẫn nhục, khoan dung, bác ái, thiện cảm, nhân từ… thì bệnh trạng của anh ta sẽ không có hy vọng chữa khỏi.
Ông phân tích: Người này thật ra muốn khỏi bệnh vì mục đích gì? Phải chăng là để thỏa mãn những dục vọng của thể xác? Hay là để làm tăng trưởng thêm lòng ích kỷ của mình? Nếu như thế, thì tốt hơn là anh ta hãy cứ giữ nguyên tình trạng bệnh tật hiện thời. Nếu anh ta có sự thay đổi bên trong tâm tính về thái độ ứng xử với mọi người, và nếu anh ta biểu lộ sự thay đổi đó trong lời nói và hành động, đồng thời áp dụng cách điều trị đúng như phương pháp đã nêu ra, thì bệnh của anh ta sẽ có thể thuyên giảm.
Nhưng ông Cayce nhấn mạnh rằng trước hết cần phải có một sự thay đổi tánh tình, tâm trạng và mục đích, quan điểm sống. Tất cả những phương thức điều trị mà anh ta đã áp dụng chỉ có thể đem đến một sự khỏi bệnh hoàn toàn khi nào chính bản thân anh ta biết nhận rõ lỗi lầm và có một quyết tâm sửa đổi, nỗ lực chuyển hóa hướng thiện, làm thay đổi triệt để ngay từ những khuynh hướng xấu đang hiện hữu trong tâm hồn. Ngoài khả năng khỏi bệnh theo hướng này, ông Cayce cũng cho biết là không còn bất cứ cách nào khác để bàn thêm. Điều đó có nghĩa là mọi việc chỉ thay đổi khi bản thân người bệnh biết tự sửa đổi. Ông đã chấm dứt cuộc khám bệnh sau khi đưa ra nhận xét cuối cùng này.
Người ta nhận thấy trong những nội dung được ghi lại trên đây rằng hy vọng được khỏi bệnh tùy thuộc hoàn toàn vào sự thay đổi trong tâm hồn và thái độ, quan điểm của bệnh nhân đối với cuộc đời. “Anh muốn khỏi bệnh với mục đích gì?” Đó là một câu hỏi rõ ràng với một sự dò xét nghiêm khắc. Phải chăng là để thỏa mãn những dục vọng của thể xác? Hay là để làm tăng trưởng lòng ích kỷ? Nếu đúng như thế thì tốt hơn anh hãy tiếp tục chịu đựng tình trạng cũ!
Trải qua trên hai mươi lăm ngàn cuộc soi kiếp, ông Cayce không một lần nào từ chối giúp đỡ ý kiến để bệnh nhân có khả năng tự điều trị, cho dầu trước đây anh ta đã phạm vào tội lỗi xấu xa nặng nề đến mức nào. Nhưng cũng giống như trong trường hợp kể trên, ông thường nhấn mạnh rằng bệnh tật hay những nỗi đau khổ có thể được xem như một cơ hội giáo dục, vì nó khiến cho người ta phải suy ngẫm về những tội lỗi của mình và quay về nẻo chính, bởi vì bao giờ cũng vậy, ông luôn nhấn mạnh rằng những hành vi, tư tưởng tội lỗi, tà vạy đã gây nên quả báo bệnh tật cần phải được sửa đổi.
Người bệnh phải cố gắng bằng nhiều cách để cải thiện tâm tính của mình; nhưng đồng thời cũng phải áp dụng nhiều phương thức thực hành tu dưỡng để rèn luyện và sửa đổi sự yếu kém bên trong tâm hồn. Những khả năng hồi phục tự nhiên và những cách điều trị của khoa học hiện đại đều có thể mang lại một sự thuyên giảm tạm thời, nhưng không thể chữa khỏi bệnh hoàn toàn, và điều này là hợp lý khi xét từ góc độ nhân quả.
Nói tóm lại, trong hầu hết các trường hợp, sự khỏi bệnh thường xuất phát từ những chuyển biến, cải hóa về mặt tâm linh, nghĩa là phải đến từ trong nội tâm của người bệnh. Nếu chỉ dựa vào những tác động khách quan từ bên ngoài thì kết quả chắc chắn sẽ không được lâu bền.
Trường hợp sau đây của một người mù, rút trong số hàng trăm trường hợp mù lòa trong các tập hồ sơ của ông Cayce, có thể xem là tiêu biểu cho nhận xét nói trên. Đây là những gì được ghi trong biên bản cuộc khám bệnh:
“Đây là một bệnh do quả báo. Sự áp dụng các lý tưởng đạo đức tâm linh trong cách xử thế hằng ngày đã đem đến một sự thay đổi lớn trong cuộc đời bệnh nhân. Tuy lúc đầu bệnh vẫn không thấy bớt, nhưng tôi nhận thấy rõ rằng cặp mắt bệnh nhân đã dần dần thuyên giảm khi anh ta bắt đầu sửa đổi tâm tánh. Tôi cũng nhận thấy rằng sự cố gắng đầu tiên phải là thuộc về phạm vi tinh thần và bệnh nhân phải cố gắng biểu lộ lòng nhân từ trong những cử chỉ hằng ngày. Hãy tập ứng xử với sự thiện cảm, tình thân hữu, đức kiên nhẫn, dịu dàng, khoan dung, nhân hậu…”
Trong hai trường hợp kể trên, người ta thấy rằng cuộc soi kiếp nhấn mạnh trước hết ở sự thay đổi tâm tính và chuyển hóa tinh thần, và đó là điều kiện cốt yếu để sửa đổi nghiệp quả về thân xác.
Nếu chúng ta nhớ rằng ý nghĩa của sự quả báo là biểu lộ những hành vi, tư tưởng xấu ác trong quá khứ, hay sự suy thoái về mặt đạo đức, tâm linh, thì chúng ta sẽ hiểu rằng phương pháp điều trị kể trên là lẽ tự nhiên vậy. Cái gọi là tội lỗi trong luật nhân quả không hề mang ý nghĩa dị đoan cổ xưa như là làm trái ý hoặc xúc phạm quỉ thần, cũng không phải theo ý nghĩa của các nhà thần học tin vào một đấng toàn năng thưởng phạt. Tội lỗi ở đây cần được hiểu theo ý nghĩa tâm lý, bao gồm tất cả những gì trái ngược và làm hại đến sự sống trong thiên nhiên. Tội lỗi hiểu theo ý nghĩa này thường là những tư tưởng, hành vi xuất phát từ lòng ích kỷ, khuynh hướng phân biệt giữa người khác với ta, và từ đó luôn tìm cách bảo vệ, vun bồi cho cái bản ngã nhỏ hẹp của mình.
Sự chấp giữ bản ngã đó có thể biểu hiện bằng nhiều hình thức. Nó có thể là sự tàn bạo đối với kẻ khác; hoặc sự lạm dụng cơ thể của chính mình do sự vô tiết độ hay sinh hoạt cẩu thả; hoặc cũng có thể là sự kiêu căng, tự tôn tự đại.
Những lỗi lầm đó sở dĩ có đều là xuất phát từ một nhận thức sai lầm căn bản về sự tồn tại của “bản ngã”. Trong thực tế, không có bất cứ một thực thể nào có thể gọi là “bản ngã” hay “cái ta” mà mỗi người luôn gìn giữ và vun đắp. Sự hiện hữu của con người thật ra chỉ là một sự tập hợp của nhiều yếu tố nhân duyên khác nhau và sẽ tan biến khi các điều kiện thuận tiện cho sự tồn tại đó không còn nữa. Chính vì nhận thức nhận thức sai lầm về một “bản ngã” là thật có nên con người cứ mãi mê ôm giữ và tạo tác mọi tội lỗi để bảo vệ và phát triển cái “bản ngã” vốn không có thật đó.
Chỉ cần nhận biết được sai lầm căn bản này, người ta sẽ có thể thay đổi hoàn toàn mọi quan điểm ứng xử trong cuộc sống theo hướng tốt đẹp, hướng thiện. Chúng ta sẽ không còn thấy là “mất đi” khi ban phát, cho tặng những gì mình có, và cũng không thấy là “có được” khi giành lấy những thứ thuộc về người khác. Chỉ theo cách nhận thức mới này, người ta mới có thể hiểu được ý nghĩa của những tư tưởng, hành vi cao quý, vị tha, nhân ái… Khi đó, những giá trị tinh thần, những niềm vui và hạnh phúc chân thật mới có thể được nhận ra và thực hiện.
Về điểm này, những cuộc soi kiếp của ông Cayce gọi là sự thức tỉnh tinh thần hay quay về nguồn cội. Người ta thấy trong những trường hợp kể trên cũng như trong nhiều trường hợp khác về quả báo thân xác được ghi lại trong tập hồ sơ của ông Cayce rằng lời khuyên răn tối hậu để được khỏi bệnh là bệnh nhân hãy cố gắng làm thế nào để loại trừ lòng tham lam ích kỷ và bắt đầu biết quan tâm giúp đỡ người khác.
Những cuộc soi kiếp của ông Cayce đã dùng những lời lẽ và danh từ khác nhau để diễn đạt các ý tưởng trên. Mặc dù vậy, những ý nghĩa chính mà ông đề cập đến trong tất cả các trường hợp khác nhau đều không đi ra ngoài những điều nói trên.
Nhưng cách biểu lộ tư tưởng của ông, dầu là dưới hình thức nào, cũng không có ảnh hưởng gì đến công việc cứu khổ giúp người mà ông đang theo đuổi. Dưới đây là một thí dụ về sự khuyên răn của ông cho một người bị chứng bệnh lao tủy sống:
– Anh hãy nhớ rằng nguồn gốc bệnh trạng của anh là tự anh gây ra: Nó là một chứng bệnh do quả báo. Phương tiện tốt nhứt là anh hãy tin tưởng vào sự công bằng của luật nhân quả và đừng bao giờ oán trách số phận, phải biết tự mình thay đổi nghiệp quả bằng cách hướng về điều thiện và nỗ lực giúp đỡ, chia sẻ cùng người khác. Sự chân thành sám hối, ăn năn tội lỗi và quyết chí sửa mình sẽ mang đến những kết quả tốt lành và có thể giúp làm tiêu tan nghiệp quả.
Sự suy gẫm về những điều thiện ác và nỗ lực làm việc phụng sự người khác là những phương pháp thường được nêu ra trong các cuộc soi kiếp của ông Cayce để khuyên người bệnh sửa đổi tâm tính và tiến bộ về tinh thần. Nhưng muốn đạt được kết quả thì những phương pháp đó phải được thực hành một cách chân thành chứ không phải là một cách máy móc, gượng ép. Nếu không có một tình thương nhân loại và chúng sinh phát xuất tự đáy lòng, nếu không có một tấm lòng nhân ái, từ bi, thì những phương pháp thực hành nêu trên cũng chỉ là trống rỗng và không có ý nghĩa gì. Chỉ có những sự hồi tâm đúng đắn, một quyết tâm mạnh mẽ trong việc cải tà qui chánh, chuyển hóa tâm tính mới có thể giúp cho nghiệp quả được giảm nhẹ hoặc thay đổi.
Nhưng không phải tất cả mọi người đều dễ dàng đạt đến một trình độ nhận thức đầy đủ hay phát khởi lòng tin sâu xa đủ để có thể nỗ lực tu dưỡng và đạt được tình thương yêu bao la chân thật dành cho muôn loài, muôn người. Chính tâm yêu thương chân thật đó mới có đủ sức mạnh làm tiêu tan mọi điều tai ách, nghiệp chướng do quả báo đưa đến.
Trong trường hợp người thanh niên bị chứng bệnh lao tủy sống, cuộc soi kiếp dường như cũng cho biết rõ anh ta không đủ sức thực hiện những lời khuyên nói trên. Bởi đó, với sự thẳng thắn của một vị y sĩ biết rõ tiềm lực và khả năng của bệnh nhân và không muốn anh ta hy vọng những điều quá sức mình, ông Cayce đã cho anh ta biết rõ:
– Bệnh của anh chỉ có thể giảm bớt phần nào thôi, chứ không thể dứt tuyệt.
Tuy nhiên, cuộc soi kiếp không phải đã kết thúc. Trong trường hợp này và những trường hợp khác nữa, cuộc soi kiếp tiếp tục đưa ra cho bệnh nhân những phương pháp điều trị về phần thể chất, để cho bệnh nhân có thể thực hiện những cố gắng cụ thể trong việc tự chữa trị. Sự kiên nhẫn, bền chí, can đảm và những đức tính khiêm tốn, nhân từ, khoan hậu, mà bệnh nhân cố gắng phát triển và thâu thập được trong thời kỳ đó sẽ cải thiện phần nào về mặt tinh thần, ít nhất là một cách gián tiếp, để làm thay đổi nghiệp quả.
Như vậy, thay vì có một thái độ tiêu cực, thụ động đối với vấn đề trả quả, những cuộc soi kiếp của ông Cayce luôn luôn khuyến khích bệnh nhân hãy có một thái độ tích cực tranh đấu để vượt qua những nỗi chướng ngại đau khổ của mình. Và sự nỗ lực đó luôn hướng đến việc hoàn thiện chính mình về phương diện đạo đức, tâm linh chứ không phải chỉ lo bồi đắp cho thể xác.
Dưới đây là một khía cạnh quan trọng khác của vấn đề chữa bệnh. Trong những cuộc soi kiếp, ông Cayce luôn luôn đưa ra những điều khuyên răn các bệnh nhân tùy theo trình độ nhận thức riêng của từng người. Ông không đưa ra những phương pháp điều trị nghiêng hẳn về tinh thần đối với những người không thể hiểu được hoặc đang có những định kiến chống lại những phương pháp đó.
Bác sĩ Alexis Carrel, tác giả hai quyển sách nhan đề: “Con người” và “Cuộc hành trình đến thành Lourdes”, cho biết rằng ở Lourdes có nhiều người có tinh thần tín ngưỡng rất sâu xa, đã được chữa khỏi ngay tại chỗ về bệnh ưng thư và những chứng bệnh nan y khác. Nếu như sự khỏi bệnh ấy quả có thật, thì chắc chắn là việc ấy không thể xảy đến cho những người không có một đức tin và một thái độ tinh thần giống như của những người được khỏi bệnh kể trên.
Sự nghiên cứu nhiều cuộc soi kiếp và khám bệnh của ông Cayce chỉ rõ ra rằng ông luôn luôn biết rõ giới hạn đức tin của từng bệnh nhân. Trong nhiều trường hợp, những cuộc soi kiếp biết rằng một vài bệnh nhân nào đó có thể được chữa khỏi bằng phương pháp dẫn dụ tinh thần. Trong những trường hợp khác cũng cùng một chứng bệnh nhưng bệnh nhân lại không thể chữa khỏi bằng phương pháp đó, hoặc do sự thiếu hiểu biết, hoặc do sự hoài nghi, hoặc vì họ quá thiên về quan niệm vật chất. Đối với những người này, tốt hơn là khuyên họ dùng những phương pháp điều trị thể xác.
Người ta còn nhớ một câu chuyện cổ điển ở Ấn Độ nói về người đệ tử của một vị đạo sĩ. Người đệ tử đã trải qua giai đoạn huấn luyện công phu để có thể chế ngự được vật chất bằng sức mạnh tinh thần. Anh ta là một đệ tử ưu tú và có nhiều khả năng tiến bộ. Khi ấy, anh ta bèn ẩn mình trong rừng sâu, và sau mười năm tập luyện mới trở lại gặp thầy. Vị thầy hỏi:
– Con đã làm gì trong suốt thời gian đó?
Người đệ tử đáp lại với một giọng hơi tự đắc:
– Con đã luyện tập chế ngự tư tưởng để có thể đi trên mặt nước và bây giờ con có thể vượt qua sông như đi trên đất bằng.
Vị thầy nói với một giọng buồn rầu:
– Con ơi! Con đã lãng phí thời giờ một cách vô ích. Con có thể qua sông mà chỉ trả có một xu cho người lái đò, sao con phải phí nhiều thời gian và công sức đến thế cho việc này?
Câu chuyện này có một ý nghĩa hết sức sâu xa để cho chúng ta suy gẫm. Lẽ dĩ nhiên, sự cố gắng để tự chữa bệnh bằng sức mạnh tinh thần là một nỗ lực đáng khen và giúp ta tự đào luyện tinh thần và ý chí. Khoa học công giáo và những phong trào tôn giáo cùng một loại đã từng phổ biến trước công chúng sự hiểu biết về những quyền năng của tư tưởng, là nguồn gốc nhiều chứng bệnh của người đời, nhưng đồng thời cũng có công năng dùng để chữa bệnh. Tuy nhiên, người ta cần biết rằng có những chứng bệnh mà nguyên nhân không phải là tư tưởng. Có những chứng bệnh có thể được điều trị bằng những phương tiện vật chất một cách hữu hiệu hơn là điều trị bằng tinh thần.
Những quan niệm về y học của ông Cayce còn có một khía cạnh khác là những cuộc soi kiếp ông không bao giờ xem bất cứ một phương pháp điều trị nào là có ý nghĩa tinh thần hơn một phương pháp khác. Tất cả những phương pháp điều trị do ông chỉ dẫn đều có một ý nghĩa tinh thần như nhau.
Một người phụ nữ bị chứng bệnh đau lưng rất dữ dội. Bà muốn biết xem nên theo cách điều trị thể xác hay tinh thần. Cuộc khám bệnh của ông Cayce giải đáp câu hỏi đó như sau:
– Bệnh trạng của bà phần lớn có thể chữa khỏi bằng tinh thần. Nhưng bà hãy để tự nhiên. Nếu bà thấy đau nhiều, bà hãy theo phép điều trị bằng thuốc men để ứng đáp nhu cầu của thể xác.
Thật ra hai phương pháp điều trị đều không khác gì nhau, vì cùng hướng đến một mục đích. Hai phương pháp ấy không phải tương phản nhau như vài người tưởng lầm. Một ký giả ở Pittsburg bị bệnh tê thấp đã mười năm, được khuyên nên điều trị bằng cách tắm nước nóng và dùng tia tử ngoại để làm tăng sự lưu thông máu huyết và bài tiết chất độc trong máu. Trong cuộc soi kiếp, ông Cayce nói:
– Mọi phương thức chữa bệnh đều có ý nghĩa như nhau. Ai là người chữa khỏi bệnh cho anh? Đó chính là sự hướng thiện của bản thân anh, bởi vì nếu những hành vi tội lỗi của anh trong quá khứ đã mang lại quả báo xấu này thì cũng chính những hành vi tốt đẹp của anh trong hôm nay mới giúp anh có được những kết quả tốt đẹp hơn mà thôi.
Bất cứ phương tiện nào người ta dùng để chữa bệnh, dầu cho đó là thuốc men, máy móc dụng cụ, tắm nước nóng, hay là phương tiện vật chất nào khác, thật ra cũng đều phụ thuộc vào sự chuyển biến tinh thần của người bệnh mới có thể mang lại kết quả tốt đẹp. Rất nhiều người giàu có và không thiếu bất cứ một phương tiện chăm sóc vật chất nào, nhưng vẫn phải mang bệnh suốt đời và chịu sự hành hạ khổ đau của căn bệnh đó. Đơn giản chỉ vì những hành vi và tư tưởng của họ mới là nguyên nhân chính của bệnh trạng.
Chương 9
Kích Thước Mới Của Khoa Tâm Lý
Người ta có thể học được rất nhiều điều qua việc đối mặt và giải quyết những vấn đề khó khăn. Sự giải quyết nhiều vấn đề lý thú thường căn cứ trên một nguyên tắc quan trọng là sự suy luận hợp lý hay suy gẫm sâu sắc. Vấn đề quan trọng nhất trong mọi vấn đề bí ẩn của cuộc đời là bí ẩn về con người: Con người thật ra là ai? Từ đâu đến và sẽ đi về đâu?
Để giải đáp vấn đề này, chúng ta có thể áp dụng một phương pháp khoa học giản dị như sau: Chúng ta đưa cho một người sáu que diêm và bảo anh ta hãy sắp thành bốn hình tam giác đều. Người ấy sẽ lần mò sắp xếp các que diêm theo đủ cách khác nhau, và trải qua một hồi lâu, anh ta cuối cùng cũng đành chịu thua và bỏ cuộc vì quả thật là không có cách nào để thực hiện yêu cầu đó được.
Bài toán bí hiểm này chỉ có thể được giải quyết nếu người ấy bỏ cái đi cái định kiến sẵn có là chỉ xếp các que diêm trên một mặt phẳng, mà thật ra là người đưa ra bài toán không hề yêu cầu. Khi chuyển sang sắp xếp các que diêm theo hình khối trong không gian, ta sẽ có đủ bốn hình tam giác đều theo đúng yêu cầu một cách dễ dàng.
Những vấn đề bí ẩn của đời người lại cũng có phần tương tự như cái mẹo vặt trong bài toán nói trên. Vì chúng ta luôn bị trói buộc vào những định kiến do chính ta đặt ra, bằng những khái niệm và quy tắc, nên ta không thể nào nhận thức thực tại một cách đúng thật như nó đang hiện hữu. Chúng ta tự mình giới hạn sự sống trong những giới hạn tồn tại của vật chất, trong khi sự tồn tại của vật chất thật ra chỉ là một phần trong cái toàn thể là sự sống. Thật ra, nếu suy xét một cách khách quan, ta sẽ thấy rằng sự tồn tại của vật chất tự nó không thể tạo thành sự sống. Giữa một người vừa tắt thở và một người còn đang sống, về cơ bản không khác nhau mấy về thành phần cấu trúc vật chất. Nhưng đó là hai thực thể hoàn toàn khác nhau. Vậy người sống khác với xác chết ở điểm nào? Trả lời được câu hỏi ấy là ta đã bắt đầu hé mở được cánh cửa khép chặt những bí ẩn của cuộc đời.
Người ta thường cho rằng đời người chỉ là cái kiếp sống của thể xác, nên sự sống của một người đương nhiên phải bị giới hạn kể từ khi bắt đầu sinh ra cho đến khi chết là hết. Nhưng nếu xét kỹ ta sẽ nhận ra được rằng con người không phải chỉ là cái thể xác vật chất này, mà cần có một yếu tố khác nữa mới có thể tạo thành sự sống. Yếu tố đó, một số người gọi là linh hồn, một số người khác gọi là tâm thức, nhưng dù gọi tên nó là gì thì cũng phải thừa nhận rằng nó là phần vô hình và chỉ có thể nhận biết bằng trực giác hay suy luận mà thôi.
Những người cố chấp vào kiến thức khoa học hiện đại dường như vẫn chưa chịu chấp nhận sự tồn tại của yếu tố vô hình này, mà cố gán ghép nó cho những hoạt động của bộ não, với những xung điện và hệ thần kinh điều khiển cơ thể, vì họ cho rằng hoạt động này cũng vô hình. Thật ra, những hoạt động của não bộ tuy là vô hình đối với mắt thường, nhưng vẫn hoàn toàn có thể nhận biết được bằng những công cụ khoa học, nên không hề đồng nhất với yếu tố tinh thần mà chúng ta đang đề cập. Hơn nữa, khi thử tạo ra những hoạt động tương tự như của não bộ, người ta vẫn không thể tạo thành cái gọi là sự sống.
Như vậy, liệu phần tinh thần của chúng ta có tồn tại trước khi sinh ra và sẽ tiếp tục tồn tại sau khi ta chết đi hay chăng? Về mặt tôn giáo, hầu như người ta đã mặc nhiên thừa nhận điều này từ rất xa xưa, được nhận biết bằng vào kinh nghiệm trực tiếp của những người đã khai mở được trí tuệ giác ngộ. Nhưng vì là kinh nghiệm trực tiếp của từng cá nhân, nên người ta không có cách gì chứng minh điều đó với mọi người khác, mà chỉ có thể chỉ ra con đường để giúp người khác cũng đạt đến sự nhận biết tương tự như mình. Điều này cũng giống như một người ăn quả ớt và biết được vị cay của nó, nhưng không thể truyền đạt cái kinh nghiệm đó cho những ai chưa từng ăn quả ớt. Cách duy nhất để có được kinh nghiệm này là phải tự mình ăn quả ớt mà thôi. Và khi mỗi chúng ta chưa có điều kiện để tự mình ăn ớt, thì điều tất nhiên là ta không khỏi phân vân trước sự chọn lựa tin hay không tin vào sự mô tả của những người đã từng ăn nó.
Chính vì vậy mà về mặt khoa học người ta vẫn không khỏi hoài nghi về sự tồn tại của cái gọi là linh hồn hay tâm thức. Nếu có thể tìm ra một cách nào đó để chứng minh sự tồn tại này một cách khoa học, thì có lẽ điều đó sẽ làm đảo lộn tất cả mọi quan niệm của khoa học hiện nay.
Tuy nhiên, khoa học vẫn phải thừa nhận một yếu tố phi vật chất luôn hiện hữu trong tất cả mọi con người, dù rằng họ không biết được là nó có tiếp tục sẽ tồn tại sau khi chết hay không. Yếu tố đó là phần tâm lý khác biệt của mỗi con người, và được nghiên cứu rất kỹ trong khoa tâm lý học hiện nay.
Trong thời gian gần đây, các nhà tâm lý học đã có nhiều thành tựu trong việc nghiên cứu về cá tính con người, và nhờ những kết quả nghiên cứu công phu đó, người ta đã có nhiều sự vận dụng thực tế vào các vấn đề lao động, hướng nghiệp, công tác xã hội v.v… Tuy thế những cuộc nghiên cứu đó cũng chỉ cho biết một cách rất nông cạn về con người. Chung quy cũng giống như việc loay hoay sắp xếp sáu que diêm trên một mặt phẳng để cố tạo ra bốn hình tam giác.
Nếu người ta chịu buông bỏ những định kiến về giới hạn của đời người, chấp nhận rằng thuyết luân hồi là có thật, rằng con người không phải sau khi chết đi là chấm dứt tất cả, thì điều đó sẽ mở ra một khả năng mới để thăm dò và nhận hiểu về những vấn đề bí ẩn của cuộc đời. Nhờ đó, người ta có thể nhận thấy rằng những tánh tình, cử chỉ, thái độ, đức tánh, hoặc những sự kiện xảy đến cho một con người không chỉ đơn giản là do những điều kiện trong hiện tại quy định. Điều này sẽ giải thích những khác biệt lớn lao của những con người khác nhau ngay từ khi sinh ra, cho dù họ có thể ra đời trong cùng một gia đình, lớn lên trong cùng một hoàn cảnh tương tự như nhau. Điều gì khiến cho một người sinh ra đã sẵn có lòng nhân hậu, và một người khác luôn nóng nảy, cộc cằn? Điều gì khiến cho một người lớn lên dễ dàng trở thành một thiên tài toán học, trong khi một người khác dù nỗ lực cố gắng bao nhiêu năm mà vẫn không vượt qua được ngưỡng cửa Trung học?
Những người cố chấp vào kiến thức khoa học có thể sẽ phản đối và đặt câu hỏi: “Chúng ta đều là những người đang sống, làm sao có thể khẳng định rằng sự sống vẫn tiếp tục sau khi chết?” Tuy nhiên, với cùng một thái độ khách quan, nghiêm túc và cũng không kém phần khoa học, ta vẫn có thể đặt câu hỏi ngược lại rằng: “Chúng ta đều là những người đang sống, làm sao có thể khẳng định rằng sự sống sẽ không tiếp tục sau khi chết?”
Trong cả hai trường hợp, có thể nói là khả năng quyết đoán đều như nhau, và chỉ có thể kết luận rằng những điều đó chỉ là giả thuyết. Nhưng trong trường hợp của giả thuyết thứ hai, nghĩa là sự sống vẫn còn tiếp tục sau khi chết, chúng ta sẽ nhận được những biện giải hợp lý hơn cho nhiều hiện tượng bí ẩn vẫn luôn diễn ra trước mắt ta trong cuộc đời.
Sự buông bỏ những định kiến giới hạn sẽ giúp chúng ta nhận thức về cuộc đời một cách thông thoáng hơn, tương tự như người sắp xếp những que diêm kia chịu chấp nhận sử dụng đến kích thước không gian thay vì chỉ giới hạn trên một mặt phẳng. Chưa có một kết luận khoa học nào có thể khẳng định chắc chắn rằng sự sống không tiếp tục sau khi chết, cũng như chưa có một kết luận khoa học nào khẳng định rằng không có sự sống ở các hành tinh khác trong vũ trụ. Khoa học vẫn còn đang trên bước đường tìm kiếm, và chúng ta không thể vì những điều chưa biết mà tự giới hạn mình.
Chúng ta có thể thử dùng một hình ảnh so sánh khác. Như một khối băng khổng lồ trôi trên mặt biển, bao giờ cũng chìm dưới nước đến chín phần và chỉ nổi ở phía trên có một phần thôi. Chúng ta không thể vì việc chỉ nhìn thấy được một phần bên trên mà phủ nhận sự tồn tại của chín phần không nhìn thấy bên dưới nước. Tuy không nhìn thấy, nhưng ta có thể nhận biết sự tồn tại của nó thông qua việc nhìn thấy phần nổi bên trên. Tương tự, tuy chúng ta không nhìn thấy được những tiền kiếp hay sự tiếp nối của đời sống sau khi thể xác chết đi, nhưng có rất nhiều bằng chứng cho thấy mối liên hệ giữa những kiếp sống đã qua và những gì xảy ra trong hiện tại. Nếu không có những mối liên hệ này, ta sẽ không sao giải thích được những sự kiện kỳ lạ vẫn đang xảy ra ngay trong thế kỷ này. Chẳng hạn như sự tái sinh của các vị Lạt-ma Tây Tạng, hay những người có khả năng nhớ lại đời sống trước đây và nhận biết, gọi tên những người mà trong kiếp sống trước họ đã từng quen biết…
Vì thế, sự chấp nhận thuyết luân hồi sẽ hé mở cho ta thấy được chín phần khối băng chìm sâu dưới nước, còn khoa tâm lý học hiện nay dù đã nghiên cứu một cách vất vả mệt nhọc nhưng chỉ giới hạn trong một phần nhỏ bé nổi lên phía trên, mà họ có thể nhìn thấy!
Những tập hồ sơ của ông Cayce còn đưa ra nhiều trường hợp về mối liên hệ vượt thời gian như vừa nói trên, qua đó giải thích về cá tính hiện nay của một người.
Trong một cuộc soi kiếp, ông Cayce nói về một người lính Gaulois bị tướng La Mã Annibal bắt làm tù binh và sai làm nô lệ chèo thuyền ở giữa biển. Người tù binh này bị các tên lính da đen ngược đãi và sau cùng anh ta bị một tên da đen đánh chết. Việc này xảy ra đã từ ba kiếp về trước, nhưng lòng thù hận về hành động tàn ác này đã ăn sâu vào tiềm thức của anh ta trải qua hai mươi hai thế kỷ. Trong kiếp này, anh ta làm một nông dân chuyên việc trồng tỉa ở tiểu bang Alabama, Hoa Kỳ. Suốt đời anh ta luôn có một thái độ thù ghét sâu đậm đối với những người da đen, nhưng khi được hỏi thì chính anh ta cũng không sao giải thích được thái độ đó.
Đó là một thí dụ cho thấy người ta chịu ảnh hưởng của những kiếp sống trước đây trong việc thể hiện cá tính của mình. Người ta có thể tìm thấy rất nhiều trường hợp tương tự như thế trong các tập hồ sơ của ông Cayce.
Một nhà báo kia biểu lộ trong nhiều năm một tinh thần chống Do Thái mãnh liệt. Một cuộc soi kiếp cho biết rằng thái độ ấy bắt nguồn từ một kiếp trước ở xứ Palestine, khi anh ta thuộc về giáo phái Samaritain, thường có những cuộc xung đột dữ dội với người Do Thái ở nước láng giềng.
Một người đàn bà ba mươi tám tuổi, độc thân, đã có nhiều mối tình duyên trong đời, nhưng không chịu kết hôn với một người nào vì luôn có một thái độ nghi kỵ đối với đàn ông. Sự dè dặt và nghi kỵ này xuất phát từ một kiếp trước khi bà ta đã từng đau khổ vì bị người chồng bỏ rơi một cách tàn nhẫn.
Một người phụ nữ nọ có một tinh thần tôn giáo rất rộng rãi khoan dung. Khi soi kiếp, ông Cayce cho biết rằng cô có đức tính này là nhờ trong một kiếp trước cô đã từng sống chung với những người thuộc các tôn giáo khác. Trong khi tiếp xúc, cô đã nhận thức được rằng những người “ngoại đạo” cũng biểu lộ nhiều đức tính tốt như can đảm, nhân từ, khoan dung độ lượng… Điều này đem đến cho cô một ấn tượng mạnh mẽ sâu xa đến nỗi nó đã làm cho cô có một ý thức rõ rệt và bền bỉ về đức tính khoan dung đối với người thuộc những tôn giáo khác hơn mình.
Trái lại, một người làm nghề quảng cáo có óc hoài nghi và không có tín ngưỡng tôn giáo, được biết là kiếp trước đã từng tiếp xúc với nhiều giáo sĩ và nhận thấy có sự khác biệt mâu thuẫn giữa những điều họ thuyết giảng và với hành động của họ. Điều này đã làm anh ta hết sức thất vọng, đến nỗi trong kiếp này anh ta vẫn còn giữ một sự nghi ngờ rất lớn đối với những sự biểu lộ tôn giáo về hình thức bên ngoài.
Những thí dụ kể trên bao gồm ba thái độ khác nhau: thái độ về vấn đề chủng tộc, đối với người khác phái và đối với vấn đề tôn giáo, mà nguyên nhân đều xuất phát từ một kiếp trước.
Các nhà tâm lý học hiện đại đều thừa nhận rằng những thái độ tinh thần của con người vốn được hình thành từ trong tiềm thức rồi mới biểu lộ ra ngoài. Nhưng họ hiểu về tiềm thức chỉ trong giới hạn của kiếp sống này, nghĩa là những ký ức mờ nhạt về thời thơ ấu chẳng hạn. Thuyết luân hồi chỉ nới rộng giới hạn của tiềm thức bao gồm cả những kinh nghiệm đã trải qua từ những kiếp trước, và như thế về nguyên tắc cũng không phải là mâu thuẫn với khoa tâm lý học.
Ngay cả những sở thích khác nhau của mc người cũng có thể có nguyên nhân bắt nguồn từ một trong những tiền kiếp xa xôi. Thí dụ, trong một gia đình có hai người con, nhưng một người yêu thích âm nhạc, một người lại yêu thích những vấn đề liên quan đến máy móc, cơ khí. Sự giải thích thông thường của khoa tâm lý học trong những trường hợp này thường gặp bế tắc vì họ chỉ dừng lại ở những khác biệt trong môi trường sống và những kinh nghiệm trong kiếp sống hiện tại, và điều đó thường không thể dẫn đến những khác biệt quá lớn lao hoặc thậm chí là trái ngược.
Những tập hồ sơ của ông Cayce chứa đựng những thí dụ dưới đây về những khuynh hướng đặc biệt của một số người được truy nguyên ra từ nhiều kiếp trước.
Một vị nha sĩ sinh trưởng ở thành phố New York, mặc dầu rất hài lòng về công việc và đời sống ở thành thị, nhưng thỉnh thoảng lại thấy muốn sống ở đồng ruộng hoặc trên bờ sông với một khẩu súng đi săn và một cần câu; và cắm trại một mình với một chiếc lều dựng lên giữa bãi sa mạc. Sự thích thú sống gần với thiên nhiên này vốn không phù hợp với tâm tính của một người quen sống ở thị thành, nhất là khi gia đình ông ta đã từng sống ở thành thị trải qua nhiều thế kỷ. Điều này chỉ có thể giải thích được bằng thuyết luân hồi. Cuộc soi kiếp của ông Cayce cho biết rằng trong một tiền kiếp, người này là một người Đan Mạch di cư sang Bắc Mỹ trong thời kỳ khai thác thuộc địa. Ông ta sống ở New Jersey, trong một vùng có nhiều đầm lầy, hồ ao, sông rạch; từng sống với nghề săn bắn, bẫy thú rừng, và buôn bán các loại da thú. Cuộc đời hoạt động giữa chốn rừng rậm, đầm lạch, sông ngòi, đã đem đến cho anh ta một sự thích thú đặc biệt vẫn còn tồn tại đến ngày nay, tuy rằng điều ấy còn phải lệ thuộc vào đời sống hành nghề nha sĩ trong kiếp này.
Có nhiều người cảm thấy yêu mến nồng nàn một xứ sở hay một địa phương xa lạ. Những cuộc soi kiếp truy nguyên ra sự hấp dẫn này ở một kiếp trước của đương sự, trong kiếp đó họ đã từng trải qua một thời kỳ sung sướng và hạnh phúc ở xứ sở ấy. Thí dụ như một người phụ nữ kinh doanh buôn bán lớn ở vùng bờ biển phía đông Hoa Kỳ nhưng luôn có ý muốn di cư xuống ở miền Tây Nam. Sau cùng bà ta di cư thật và hiện nay làm chủ một khách sạn lớn ở tại New Mexico. Cuộc soi kiếp cho biết bà đã từng sống trong hai tiền kiếp ở vùng này, và lòng trìu mến của bà đối với xứ ấy vẫn còn tồn tại.
Có bốn người kia, một người cảm thấy yêu mến những vùng hải đảo miền Nam Thái Bình Dương, một người muốn sống ở tiểu bang New Orleans, một người yêu mến xứ Ấn Độ và một người lại thích ở xứ Trung Hoa. Những cuộc soi kiếp cho biết rằng trong kiếp trước, họ đã từng sống ở các xứ ấy, và đó là lý do của sự hấp dẫn nói trên.
Sự thích thú một bộ môn nghệ thuật hay một nghề nghiệp nào cũng có thể là do ở những kinh nghiệm trong các tiền kiếp. Một thiếu phụ kia yêu thích đến say mê môn khiêu vũ và kịch nghệ Hy Lạp, được biết rằng đó là do kinh nghiệm trong một kiếp trước của bà ở Hy Lạp, trong thời kỳ những môn nghệ thuật này phát triển đến cực điểm. Sự thích thú của một thanh niên nọ về hiện tượng thần giao cách cảm được truy nguyên ra từ một kiếp trước ở châu Atlantide, trong kiếp đó anh ta đã dạy môn tâm lý học và chuyển di tư tưởng. Cũng do một kinh nghiệm cũ về nghề hoa tiêu và giám đốc ngành vận chuyển ở châu Atlantide mà một thiếu nữ nọ cảm thấy rất thích thú nghề phi công và bộ môn kỹ thuật hàng không trong kiếp này.
Một người đàn bà nọ ham thích làm việc công tác xã hội phụng sự các trẻ em tật nguyền khốn khổ, được cho biết rằng kiếp trước y đã từng sống ở xứ Palestine, chịu ảnh hưởng giáo lý của đức chúa Jesus và bắt đầu hiến dâng cuộc đời để săn sóc cứu chữa những kẻ tàn tật, bệnh hoạn.
Một vị kỹ sư nọ đảm nhiệm một cơ quan nghiên cứu, và đã từng làm việc nhiều năm trong phong trào phát triển ngành kỹ thuật, kiếp trước vốn là một người Atlante chuyên về ngành quản trị khoa học.
Sự tái diễn những kinh nghiệm và khả năng đặc biệt từ những tiền kiếp dường như càng biểu lộ rõ rệt trong cuộc đời của những nhân vật tên tuổi. Chúng tôi không căn cứ điều này trên những cuộc soi kiếp của ông Cayce, mà căn cứ trên tiểu sử của những nhân vật ấy. Thí dụ như trường hợp của ông Heinrich Schliemann,[8] nhà khảo cổ Đức đã khám phá di tích cổ của thành Troie bị chôn sâu trong lòng đất, và nhờ đó đã xác nhận tính cách lịch sử của thiên anh hùng ca “Iliade” của Homère.
Ông là con của một vị mục sư nghèo, giảng đạo tại một làng ở miền bắc nước Đức nhưng trong lúc thiếu thời ông đã say mê Iliade; ông nhất định học tiếng Hy Lạp và truy tầm nơi diễn tả sự tích của thiên anh hùng ca bất hủ này. Trong ba mươi lăm năm, ông Schliemann cố gắng dành dụm một số tiền để giúp ông thực hiện công trình khảo cổ này. Ông trở nên một nhà sinh ngữ học ưu tú, nhưng ông lại thích nhất môn sinh ngữ Hy Lạp và tất cả những gì thuộc về xứ sở ngàn năm văn vật này. Về sau, ông dùng những cách hành văn Hy Lạp trong khi nói chuyện và nhà chép tiểu sử của ông thuật lại rằng trong dịp làm lễ rửa tội cho con trai ông, ông đặt quyển anh hùng ca của Homère trên đầu con ông và ngâm vang lên những câu thơ bất hủ trong đó trước khi giao nó cho vị linh mục làm phép rửa tội! Điều này chỉ là một trong những cử chỉ biểu lộ rõ nét một lòng hâm mộ và say mê nồng nhiệt nền văn hóa cổ xưa của xứ Hy Lạp. Một sự say mê nồng nhiệt như thế chỉ có thể hiểu được nếu chúng ta thấy rằng đó là do ký ức của ông muốn nhắc nhở và sống lại thời kỳ hạnh phúc đã qua trong dĩ vãng.
Một thí dụ khác cũng rất lý thú là trường hợp của nhà văn Lafcadio Hearn.[9] Ông sinh ra trên một hòn đảo Hy Lạp, cha ông là người Ái Nhĩ Lan, mẹ ông là người Hy Lạp. Ông đi phiêu lưu giang hồ từ Hy Lạp sang Anh quốc, Mỹ quốc, đảo Guadeloupe, Martinique, và sau cùng ông đã tìm thấy “quê hương tinh thần” của ông ở xứ Phù Tang (Nhật Bản). Tại đây ông cưới vợ Nhật, đổi tên Nhật, và dạy học ở một trường Nhật. Sự hiểu biết sâu xa về tâm hồn của người Nhật, tài năng lạ lùng của ông trong sự diễn đạt cái tinh hoa của nước Nhật cho thế giới Âu Tây và diễn đạt tư tưởng Âu Tây cho người Nhật, chỉ có thể không làm cho ta ngạc nhiên nếu thừa nhận rằng đó là do những kinh nghiệm cũ của ông trong một tiền kiếp ở Nhật Bản. Bằng không, đó sẽ là một điều vô cùng khó hiểu!
Trường hợp của ông T. E. Lawrence[10] là một thí dụ khác nữa. Ông ta đặc biệt tỏ ra khôn khéo trong việc tiếp xúc với người Ả Rập và đã sống chung với họ như một người Ả Rập. Ông không hề cảm thấy thoải mái dễ chịu ở tại quê hương xứ sở hay trong gia đình ông ở Anh quốc. Ông chán nản mọi sự học ở nhà trường, trừ ra một vài buổi học lịch sử liên quan đến Ả Rập và việc nghiên cứu các tòa lâu đài cùng thành lũy thời Trung Cổ.
Sự thành công đặc biệt của ông trong vai trò chỉ huy quân đội Ả Rập có thể hiểu được như là kết quả của một kiếp trước vào thời Trung Cổ, khi ông là người Ả Rập và là một chiến thuật gia, nhưng không đạt được mục đích trước khi từ trần.
Những khuynh hướng đặc biệt như trên không phải chỉ có ở những nhân vật tên tuổi của lịch sử mà thôi; mỗi người đều có thể nhận thấy ít nhiều khuynh hướng đó ở chính những bạn bè thân quyến của mình. Những nét riêng hay đặc điểm về cá tính, cũng như những sở thích và thái độ đặc biệt của một người là những yếu tố quan trọng trong việc phân tích tâm lý, và những tập hồ sơ Cayce đã nêu ra những trường hợp vô cùng lý thú về sự truy tìm nguyên nhân ở những kiếp trước.
Bà vợ của một nhà triệu phú ở miền Tây Hoa Kỳ có một cá tính rất độc tài và chuyên chế. Cuộc soi kiếp cho biết nguyên nhân là vì kiếp trước bà đã từng làm giáo sư ở tiểu bang Ohio, và trong những kiếp trước nữa đã từng nắm giữ những chức vụ cao ở Palestine và ở Ấn Độ.
Một thanh niên từ thuở nhỏ đã tỏ ra rất thích những cuộc tranh luận đôi co, và có khả năng biện luận một cách rất hùng hồn và xác đáng. Nguyên nhân là trong một kiếp trước anh ta đã từng làm một luật gia và một kiếp trước nữa đã làm quan tòa ở xứ Ba Tư.
Một người đàn bà có khuynh hướng trầm lặng và thần bí. Trong kiếp trước, bà ấy đã từng đứng đầu một tu viện kín vào hồi đầu thế kỷ 19.
Một thanh niên con nhà giàu có nhưng lại có tật chè chén say sưa quá độ đến nỗi gây sự thất vọng và đau khổ cho gia đình. Thói say sưa này được truy nguyên ra do sự chơi bời phóng túng trong kiếp trước, vào thời kỳ thiên hạ đổ xô nhau đi tìm vàng ở California.
Người ta còn thấy hằng trăm trường hợp khác tương tự trong những cuộc soi kiếp của ông Cayce. Khoa tâm lý học hiện đại cho rằng sự khác biệt về cá tính giữa hai con người được quyết định trước hết do sự di truyền và sau đó do ảnh hưởng của môi trường chung quanh. Tuy nhiên, nếu nhìn từ góc độ của thuyết nhân quả thì chính sự di truyền và ảnh hưởng của môi trường cũng chính là những kết quả báo ứng của những nguyên nhân đã gây ra từ những kiếp trước.
Đức Phật có dạy: “Tư tưởng làm chủ mọi hành vi. Những gì chúng ta làm đều là kết quả của những điều ta đã suy nghĩ.” (Kinh Pháp cú, kệ số 1)
Có nhiều người tuy chấp nhận luật nhân quả nhưng lại hiểu sai về luật này như một công cụ chỉ dùng để trừng phạt và gây đau khổ. Ta nên nhớ rằng danh từ karma chỉ có nghĩa là hành động, hay nghiệp, và đó là một danh từ không hàm ý tốt hay xấu. Nghiệp quả không phải bao giờ cũng chỉ cho những quả báo xấu, khiến người ta phải đau đớn, khổ sở khi chịu đựng. Bởi vì mỗi một hành động có thể là tốt hay xấu, ích kỷ hay vị tha… Và nếu cách hành động cư xử của một người là tốt thì điều tất nhiên là người ấy sẽ nhận được những quả báo tốt lành, được hưởng một cuộc sống có nhiều niềm vui và sức khỏe chẳng hạn. Không có gì ngăn trở tất cả chúng ta đều làm những việc tốt đẹp, hiền thiện để nhận được những nghiệp quả tốt lành; và nếu mọi người đều có thể làm được như thế thì có lẽ cuộc sống trần gian đã ngay lập tức có thể biến thành một cõi thiên đàng, không cần ta phải chờ đợi hay tìm kiếm ở đâu xa.
Chính ở điểm này mà ta có thể nhận ra khá nhiều điều thú vị. Một người do sự tham lam hoặc sân hận đã phạm vào tội lỗi xấu ác, điều tất yếu là anh ta phải nhận lấy những nghiệp quả xấu và trở thành người ngu dốt, thấp hèn hoặc mang nhiều tính xấu… Nhưng chính vì sinh ra làm một người thấp kém hèn hạ hoặc có nhiều tính xấu mà anh ta lại dễ dàng tiếp tục thực hiện thêm nhiều việc xấu ác, để rồi những kiếp sống tương lai chờ đón anh ta lại càng u ám, xấu xa hơn nữa. Ngược lại, nếu một người biết quên mình vì người khác hoặc làm được những việc tốt đẹp, hiền thiện, cứu giúp nhiều người, anh ta sẽ nhận được những quả báo tốt đẹp, sẽ sinh ra làm một người thông minh, giàu có, luôn được sống trong những môi trường thuận lợi, tốt đẹp… và do đó anh ta lại có đủ điều kiện để tiếp tục thực hiện những điều tốt lành, hiền thiện, và tiếp tục tạo dựng được những kiếp sống tương lai ngày càng tươi sáng hơn.
Có gì là bất công trong khuynh hướng tự nhiên này chăng? Có vẻ như người tốt sẽ ngày càng thêm tốt hơn mà không phải nỗ lực nhiều, vì mọi thứ đều thuận lợi chung quanh anh ta; ngược lại, kẻ xấu ngày càng thêm xấu vì hoàn cảnh chung quanh luôn xô đẩy, lôi cuốn anh ta ngày càng chìm sâu vào tội lỗi, cho dù có một đôi lúc hồi tâm chuyển ý thì dường như cũng khó lòng cưỡng lại được sự sa đọa.
Sự thật thì điều này không có gì là sai trái hay bất công cả. Mỗi người đều có một quyền tự do tuyệt đối trong sự quyết định những hành vi của mình. Điều quan trọng là chúng ta phải có quyết tâm khởi sự làm điều thiện, và việc đó không bao giờ là quá muộn. Sự khởi đầu luôn là bước khó khăn nhất, nhưng chính nó sẽ tạo ra nền tảng cho mọi bước tiến về sau của chúng ta.
Chúng ta hãy thử so sánh với những hoàn cảnh đời sống trong xã hội và sẽ thấy nhiều điểm tương đồng với vấn đề vừa nêu trên. Một người giàu có dường như rất dễ dàng có được mức thu nhập trong một ngày bằng với một tháng lương của những người lao công nghèo khó, mà không phải nỗ lực quá nhiều. Vì thế, họ ngày càng trở nên giàu có hơn nữa. Ngược lại, những người nghèo khó dường như lúc nào cũng chịu nỗi lo đói thiếu, công việc cực nhọc nhưng lại dễ dàng bị mất việc bất cứ lúc nào, cũng như thu nhập hầu như không bao giờ đủ trang trải mọi chi phí sinh hoạt tối thiểu. Sự dư thừa để tích lũy đối với họ chỉ là điều không tưởng.
Nhưng có phải khuynh hướng này là bất công hay chăng? Không phủ nhận một điều là những người giàu có tốt bụng luôn cố gắng để san sẻ những gì mình có với người nghèo, nhưng không có nghĩa là họ có thể đưa cuộc sống của người nghèo lên ngang bằng với họ. Và nếu sự làm giàu của họ là chính đáng thì không ai có thể chê trách họ bởi sự giàu có đó.
Còn đối với người nghèo thì sao? Tất nhiên là sự nghèo khó của họ luôn phải có nguyên nhân. Nếu chỉ giới hạn ở những nguyên nhân thấy được trong hiện tại thì đó có thể là do thất học, không có nghề nghiệp hoặc các tật xấu như nghiện ngập, cờ bạc… Tất nhiên là còn có những nguyên nhân khách quan khác, nhưng chúng ta hãy khoan xét đến. Nếu là do thất học, thì một gia đình nghèo khó cần phải vươn lên đổi đời bằng cách chu toàn cho con cái học hành đến nơi đến chốn, cho dù điều đó có thể là cực kỳ khó khăn đối với họ, nhưng đó lại là phương cách duy nhất để họ vươn lên. Tương tự, nếu là do những thói hư tật xấu thì chỉ có chính họ mới tự cứu lấy mình được bằng cách lìa bỏ chúng…
Cũng vậy, một người đã nhận chịu những quả báo xấu thì ít có điều kiện để làm việc tốt, vì hoàn cảnh, môi trường của họ đã bị xấu đi. Tuy nhiên, dù khó khăn cũng không có nghĩa là không thể làm được. Nếu họ ý thức được rằng những việc thiện đầu tiên bao giờ cũng là khó khăn nhất, họ sẽ có đủ quyết tâm để khởi sự.
Một khi đã khởi sự làm thiện, chúng ta sẽ nhận được những quả báo tốt lành. Và một khi đã có được những quả báo tốt lành, chúng ta sẽ dễ dàng tiếp tục làm thiện. Xoay chuyển được từ khuynh hướng xấu ác sang khuynh hướng làm thiện là một điều cực kỳ khó khăn, nhưng một khi đã quyết tâm thực hiện đươc thì chúng ta sẽ được tưởng thưởng xứng đáng. Như một người nghèo kia, rất khó khăn mới có thể nuôi người con học qua đại học; nhưng khi người con ấy đã học xong đại học, có việc làm tốt, thu nhập cao, thì anh ta sẽ dễ dàng hơn rất nhiều trong việc tiếp tục cho con mình ăn học thành tài, thậm chí có thể sẽ đạt được những học vị cao hơn nữa.
Vì thế, luật nhân quả bao giờ cũng có một tác động khách quan và công bằng tuyệt đối, như ta soi bóng vào trong gương, hoặc nghe tiếng dội lại từ vách tường. Hình ảnh của ta thế nào thì bóng ta trong gương thế ấy; âm thanh phát ra thế nào thì tiếng vang thế ấy; không thể có sự sai lệch. Một việc làm xấu mang lại một quả báo xấu; ngược lại, một việc làm tốt mang đến một quả báo tốt. Điều đó là một luật tự nhiên, không do ai phán đoán hay quyết định. Khi hiểu được như thế, ta sẽ có thể vận dụng luật nhân quả để tạo ra một đời sống tốt đẹp bằng cách nỗ lực khởi sự làm điều thiện. Và sẽ không bao giờ là quá muộn đối với mỗi chúng ta để đưa ra quyết định đúng đắn đó.
Chương 10
Những Hạng Người Khác Nhau
Trong sự tiếp xúc hằng ngày với những người chung quanh, chúng ta thường có thể phân biệt được nhiều hạng người khác nhau. Có hạng người tánh tình cởi mở, xã giao lịch thiệp; có hạng người dè dặt kín đáo, tánh tình trầm lặng; có hạng người ích kỷ, hạng người vị tha.v.v…
Nhiều nhà tâm lý học đi đến kết luận rằng dựa vào những điểm khác biệt và tương đồng mà con người có thể được sắp xếp, phân chia thành những hạng khác nhau, và đã lập một căn bản khoa học cho việc sắp hạng ấy.
Sự phân hạng thông thường nhất là do Carl Jung[11] đưa ra. Ông này phân loại con người thành hai hạng chính là: hạng người hướng nội, có tâm hồn khép chặt (intraverti) và hạng người hướng ngoại, có tâm hồn cởi mở (extraverti). Hạng người hướng nội tức là hạng người hướng sự chú ý của họ vào bên trong, nghĩa là vào chính bản thân mình; còn hạng người hướng ngoại tức là hạng người hướng sự chú ý của họ ra thế giới bên ngoài.
Tuy nhiên, các đạo gia cho rằng Carl Jung và những nhà tâm lý học khác đều không đưa ra những giải thích thỏa đáng về lý do nào đã khiến cho một người sinh ra đời lại có một tâm hồn khép chặt, và một người khác sinh ra lại có một tâm hồn cởi mở.
Ông Carl Jung và những nhà bác học khác cho rằng hai trạng thái tâm lý căn bản này là do những nguyên nhân về sinh lý. Tuy nhiên, về mặt tôn giáo thì những nguyên nhân sinh lý kể trên chỉ được xem là phụ thuộc; còn cách sinh hoạt cùng thái độ cử chỉ của một người trong một kiếp trước mới là nguyên nhân chính.
Những tập hồ sơ của ông Cayce có ghi chép rõ ràng nhiều trường hợp hướng nội, tức là của những tâm hồn khép chặt, có nguyên nhân xuất phát từ những kinh nghiệm trong kiếp trước. Xét kỹ những trường hợp này, người ta thấy rằng sự tác động dây chuyền luật nhân quả được biểu lộ một cách rõ ràng, và khiến cho khi chuyển từ kiếp sống này sang kiếp sống khác luôn có một vài thái độ hay trạng thái tâm lý của con người vẫn giữ nguyên không thay đổi. Dưới đây là một trường hợp như vậy.
Một nữ sinh viên hai mươi mốt tuổi có năng khiếu về âm nhạc, nhưng có tánh e lệ rụt rè một cách quá đáng. Mặc dầu cô ta có dung mạo đẹp đẽ, nhưng cô khó kết bạn với người khác và rất buồn khi không được nhận vào Câu lạc bộ của nhà trường. Người ta không biết gì về hoàn cảnh gia đình của cô trước khi cô vào trường, vì có thể đó là nguyên nhân gây ra nơi cô tính rụt rè nhút nhát. Tuy nhiên, một cuộc soi kiếp của ông Cayce cho biết rằng điều này có nguyên nhân xa hơn ở một kiếp trước. Hồi đó, cô ta là một bà mệnh phụ trong triều đình nước Pháp, có tài hoa, sắc đẹp và rất lịch thiệp. Nhưng chồng bà vốn là một người ích kỷ, không muốn cho bà mở rộng mối quan hệ xã giao khéo léo và lịch sự với tất cả mọi người. Bởi đó, ông ta ngăn trở mọi sự giao tế xã hội của bà vợ bằng một sự áp chế lạnh lùng và khắc nghiệt, thậm chí có khi ông ta đánh đập vợ bằng roi vọt. Điều này làm cho bà vợ e dè sợ sệt, và sự sợ sệt đó hãy còn in sâu vào tiềm thức cho đến bây giờ.
Sau đây là một trường hợp cũng có sự áp chế tương tự, tuy rằng trong hoàn cảnh khác hẳn. Ông Cayce soi kiếp cho một thanh niên hai mươi tám tuổi. Đây là một anh chàng ham học và tâm tính khép chặt. Ông Cayce cho biết rằng trong một kiếp trước, anh ta từng bị khủng bố tàn nhẫn trong những vụ xử án các tay phù thủy ở Salem, thuộc tiểu bang Massachusetts, Hoa Kỳ. Kinh nghiệm đó đã bộc lộ bằng hai cách trong tâm tính của anh ta hiện nay. Trước hết, anh ta có sự căm ghét đối với mọi hình thức áp chế; và đồng thời anh ta có tánh rất ham học nhưng lại muốn giữ kín những điều hiểu biết riêng cho mình, không muốn chỉ bày cho ai. Đối với trường hợp của người thanh niên này, trong tiềm thức anh ta rõ ràng là vẫn còn in sâu một bản năng tự vệ khi bị khủng bố, khiến anh ta luôn có thái độ dè dặt đề phòng những người chung quanh, không chịu tiếp xúc và không chịu bày tỏ với ai những điều hiểu biết của mình.
Những tập hồ sơ của ông Cayce còn ghi lại nhiều trường hợp tương tự như trên về những vụ xử án các phù thủy ở Salem, mà kết quả là làm cho đương sự có một thái độ khép nép, kín đáo và dè dặt như thế.
Một vị bác sĩ có tính rất dè dặt kín đáo, không thích giao du, được biết nguyên nhân là vì trong một kiếp trước, ông ta đã từng giữ giới tịnh khẩu theo tín điều của phái Quaker.
Một vị giám đốc thương vụ ở New York cũng có tính rụt rè, thiếu sự xã giao lịch thiệp. Trong một kiếp trước, ông ta là một nhà thám hiểm, sống một cuộc đời cô độc và tự lập ở miền nam châu Phi.
Một cô nữ sinh nhút nhát và tự ti mặc cảm, được cho biết rằng kiếp trước là một thổ dân da đỏ dưới thời đô hộ của thực dân da trắng ở Bắc Mỹ và hãy còn giữ lại thái độ nghi ngờ và phòng thủ đối với người khác.
Theo sự chứng minh của những trường hợp kể trên và nhiều trường hợp khác trong tập hồ sơ Cayce, thì tính rụt rè kín đáo thường kéo dài từ kiếp này sang kiếp khác, bắt đầu từ một kinh nghiệm đầu tiên khiến cho đương sự có một ấn tượng sâu đậm và nảy sinh thái độ đó.
Sự kéo dài liên tục này cũng xảy ra một cách tương tự trong trường hợp của những người có tánh tình cởi mở.
Đây là trường hợp một người đàn bà ngoài ba mươi tuổi, đã hai lần ly dị, có một tâm hồn cởi mở và vẫn còn nghĩ đến một cuộc tái giá lần thứ ba. Cuộc soi kiếp của ông Cayce cho biết rằng thái độ hồn nhiên, yêu đời đó được truy nguyên từ hai kiếp về trước. Trong một kiếp, cô ta làm huấn luyện viên khiêu vũ tại một vũ trường vào thời kỳ khai mở thuộc địa ở Bắc Mỹ. Trong một kiếp trước nữa dưới triều vua Louis thứ XV nước Pháp, cô là một ái phi của nhà vua. Trong kiếp đó, cô đã phát triển được những khả năng khôn khéo, lịch thiệp và quyến rũ, làm cho mọi người đều thương mến, từ nhà vua cho đến chị bếp trong cung cấm. Trong kiếp làm huấn luyện viên khiêu vũ, cô cũng đã sử dụng và phát triển thêm những khả năng trên đây.
Đây là một thí dụ lý thú khác nữa. Một nhà làm trò ảo thuật ở New York có một sức hấp dẫn rất mạnh, xã giao lịch thiệp, và đặc biệt có tài hài hước, được biết rằng những khả năng trên đây có nguyên nhân từ những kinh nghiệm trong hai kiếp trước. Cuộc soi kiếp cho biết là trong một kiếp trước, ông ta từng là một trong những người khai thác thuộc địa đầu tiên đến vùng thung lũng Mohawk ở Bắc Mỹ. Những đức tính mà ông ta đã phát triển trong kiếp đó và một kiếp trước nữa đã giúp cho ông ta có khả năng hấp dẫn và chỉ huy kẻ khác trong kiếp này. Sự khôn khéo lịch thiệp và tài lãnh đạo của ông ta được phát triển là do thời kỳ tranh đấu cho lý tưởng ở Bắc Mỹ vào thuở ban đầu. Sự nhanh trí và tinh thần hài hước của ông ta lại nảy sinh từ một kiếp khác khi làm hề dưới triều vua Henri VIII ở Anh quốc.
Nói tóm lại, tất cả những trường hợp của những người có tâm hồn cởi mở và xã giao lịch thiệp dường như đều là do kết quả của những hoạt động xã hội trong những kiếp trước.
Trong những tập hồ sơ Cayce, có nhiều trường hợp thành công hoặc thất bại trong sự giao tế và sống hòa hợp với hoàn cảnh xã hội bên ngoài. Một trường hợp là của một người đàn bà có tính chất cởi mở, hoạt bát và vị tha. Trước hết, cô có tham vọng trở thành một nữ diễn viên, nhưng hoàn cảnh gia đình và một thể xác lùn thấp không giúp cô được như ý nguyện, cô bèn xoay qua vấn đề kinh doanh. Cuộc soi kiếp cho biết rằng vào một kiếp trước trong thời kỳ Cách mạng ở Bắc Mỹ, cô đã hưởng thụ rất nhiều, có địa vị xã hội cao, sống một cuộc đời xa hoa lộng lẫy, nhưng thiếu lương tâm và khinh thường đạo lý. Khả năng lôi cuốn hấp dẫn kẻ khác, tinh thần hài hước và khoa ngôn ngữ của cô là do từ kiếp đó mà có; nhưng vì cô đã sử dụng khả năng ấy một cách thiếu đạo đức nên kiếp này cô phải bị thất bại trên trường đời.
Những trường hợp như trên chỉ ra cho ta thấy rằng, vấn đề nghề nghiệp vẫn luôn đi đôi với vấn đề đạo đức tâm linh. Người ta thường thấy rằng, trong rất nhiều trường hợp, sự thất bại về nghề nghiệp không phải chỉ do thiếu năng lực, mà còn vì thiếu tinh thần đạo đức. Điều này thường không được nhận biết nếu tham vọng nghề nghiệp của một người được thỏa mãn một cách quá tốt đẹp, dễ dàng.
Trong cuộc soi kiếp, ông Cayce đã khuyên người phụ nữ nói trên, lúc ấy mới có ba mươi hai tuổi, hãy theo đuổi nghề diễn viên hoặc săn sóc những trẻ em tàn tật hoặc mồ côi; nghĩa là, cô phải dùng những khả năng của mình vào những mục đích xây dựng và vị tha.
Đây là trường hợp khác của một người đàn bà bốn mươi chín tuổi, làm thư ký ở Washington, vì trong kiếp trước đã lạm dụng những đức tính lịch thiệp xã giao của mình vào những mục đích không tốt nên phải chịu những hậu quả trong kiếp này. Trong những bức thư, cô cho biết rằng trong bất cứ mọi giới mà cô cố gắng để tiếp xúc, cô đều cảm thấy không được mọi người hoan nghinh. Có lẽ đó là vì hồi thuở nhỏ, cô thường bị những người anh chị trong gia đình ruồng bỏ nên vẫn còn mang nặng cảm giác ấy khi ra tiếp xúc với đời. Cô viết như sau:
“Tôi lớn lên với một sự mặc cảm sợ sệt luôn luôn ám ảnh tôi. Khi tôi đi chơi với một nhóm bạn bè, tôi luôn luôn cảm thấy rằng sự có mặt của tôi không cần thiết, và tôi luôn tự hỏi rằng tôi phải nói gì và phải làm gì. Tôi muốn đi sâu hơn vào các vấn đề, nhưng không biết phải làm sao. Tôi luôn luôn có cảm giác rằng tôi phải cố gắng làm nhiều hơn kẻ khác để làm cho họ vui lòng. Bởi đó, tôi luôn muốn hy sinh sức khỏe và thời giờ của tôi để làm một việc gì đó cho người khác. Tôi muốn rằng người ta cần đến tôi.”
Kế đó, cô thuật lại rằng đã ba lần cô bị thất vọng vì tình, trong đó có hai lần người yêu bỏ cô để đi cưới vợ khác. Trong cuộc soi kiếp, ông Cayce cho biết rằng người đàn bà này trong kiếp trước là một trong những người khai phá thuộc địa đầu tiên ở tiểu bang Ohio, Hoa Kỳ. Người ấy luôn đối xử với người khác một cách vui vẻ, lễ độ, nhưng chỉ vì mục đích ích kỷ, trục lợi. Ông Cayce nói:
– Người này tuy được thỏa mãn về sự thành công của mình, nhưng đã đem lại sự thất vọng cho nhiều người. Những người mà người ấy lợi dụng trước kia, ngày nay trở lại gây những sự lo âu phiền muộn cho cô ta trong kiếp này. Lợi dụng kẻ khác làm cái đà tiến thân cho mình tức là tạo nên nghiệp quả xấu, nên ngày nay phải trả. Luật nhân quả rất công bằng. Nó trả lại cho ta một cách chính xác những gì của ta.
Như một cái gương phản chiếu, những trạng thái tâm lý của người đàn bà này phản ảnh những gì bà ta đã gây ra cho kẻ khác. Trong kiếp trước, cô không bao giờ thật lòng mong muốn làm bạn với kẻ khác, trừ những khi nào cô có thể lợi dụng họ. Vì thế, trong kiếp này, từ thuở nhỏ sống trong gia đình cô đã bị ngược đãi, cảm thấy bị ruồng bỏ. Bởi đó cô cảm thấy cuộc đời bấp bênh và tâm hồn trở nên khép chặt cho đến lúc trưởng thành.
Cô có một dung nhan khá đẹp và những đức tính đủ để hấp dẫn nhiều người, nhưng mặc dầu cô tưởng rằng sẽ được mọi người yêu mến, sau cùng cô luôn bị thất vọng. Cô nhìn nhận rằng cái cảm giác bị ruồng bỏ và tâm hồn khép chặt của cô đã làm cho cô thay đổi thái độ và cố gắng giúp đỡ kẻ khác để được mọi người yêu mến, và được mọi người cần đến mình. Và đó chính đó là cách chọn lựa hành động tốt nhất để sửa đổi nghiệp quả theo hướng tốt hơn. Sự xã giao khôn khéo mà cô đã lạm dụng do lòng ích kỷ và thiếu chân thật trong kiếp trước đã mang đến cho cô sự khó khăn trở ngại hiện nay, và cô chỉ có thể vượt qua được bằng những việc làm vị tha, với một sự chân thành giúp đỡ người khác.
Sự lợi dụng hay lường gạt tình cảm của người khác dường như là một thói xấu thông thường và sẽ mang lại quả báo trên bình diện tâm lý. Về điểm này, dưới đây là một đoạn trong cuộc soi kiếp của ông Cayce mà ông đã thốt ra với một giọng rõ ràng và thẳng thắn:
– Người này thường bị kẻ khác làm cho thất vọng. Điều đó có nguyên nhân của nó: Ai gieo giống nào sẽ gặt giống nấy. Kiếp trước cô đã phỉnh lừa, gạt gẫm kẻ khác. Ngày nay, chính cô bị kẻ khác gạt gẫm, phỉnh lừa, làm cho cô bị thất vọng. Nhưng nếu cô biết thức tỉnh thì chính điều đó sẽ giúp cô rèn luyện tính nhẫn nhục, là đức tính cao quý nhất trong mọi đức tính.
Nói chung, luật nhân quả luôn tác động một cách khách quan và công bằng, nên đối với ai đã biết nhận ra lỗi lầm thì mọi quả báo xấu khi xảy đến cho họ đều có thể được xem là những bài học để giáo dục tâm hồn, sửa đổi tính tình, hoàn thiện tâm thức trong sự vươn lên hướng thượng. Mục đích cao nhất của mọi nỗ lực phải là sự quay đầu hướng thiện, và nhờ đó mà tương lai của mỗi người chắc chắn sẽ trở nên ngày càng tốt đẹp hơn.
— o0o —
[ Mục Lục ] [ Phần 1] [ Phần 2 ] [ Phần 3] [ Phần 4 ] [ Phần 5 ]