TU SĨ PHẬT GIÁO SRI LANKA ĐẦU TIÊN TRANH CỬ CHỨC TỔNG THỐNG
Thích Minh Trí dịch
Colombo, Sri Lanka – Ngày 28-11, các quan chức đảng Janasetha Peramuna cho hay, để lập kỳ tích trong lịch sử bầu cử của Sri Lanka, tu sỹ Phật giáo Battaramulle Seelaratana Thera sẽ ứng cử tổng thống trong kỳ bầu cử đã được ấn định tổ chức vào tháng Giêng năm 2010.
- Nhà sư ứng cử chức tổng thống: Bi kịch?
- Tại Sao Các Nhà Sư Nhật Bản Xuất Gia Nhưng Lại Lập Gia Đình?
- Phật Học Phổ Thông Quyển 1- HT Thích Thiện Hoa
- Bước Đầu Học Phật – Hòa thượng Thích Thanh Từ
Các quan chức này nói Thượng tọa Battaramulle Seelaratana Thera là vị tu sỹ Phật giáo đầu tiên của Sri Lanka tranh cử tổng thống, với tư cách đại diện đảng chính trị Janasetha Peramuna do ông lãnh đạo. Biểu tượng của đảng này là chiếc xe kéo.
Trái với đề nghị chung của liên minh đối lập là hủy bỏ chức tổng thống hành pháp, Thượng tọa Seelaratana Thera muốn quyền hành pháp vẫn nằm trong tay tổng thống vì ông tin rằng, sự thống nhất và ổn định đất nước phần lớn phụ thuộc vào khả năng điều hành của vị lãnh đạo.
Các băng-rôn, áp-phích vận động tranh cử của nhà sư này đã được giăng lên trên các bức tường trong thủ đô Colombo.
Thượng tọa Battaramulle Seelaratana Thera cho biết liên minh cầm quyền của đương kim Tổng thống Mahinda Rajapaksa và liên minh đối lập của cựu Tổng tư lệnh Quân đội Sri Lanka, tướng Sarath Fonseka đã tiếp xúc với ông, nhưng họ chỉ nhất trí ủng hộ một phần trong chính sách của ông mà thôi.
Trong số các cam kết chính mà ông đưa ra gồm có: đặt Phật giáo lên vị trí cao nhất, đảm bảo quyền bình đẳng trong tất cả cộng đồng: Sinhala, Tamil, Hồi giáo và các nhóm sắc tộc khác, biến tiếng Sinhala, tiếng Tamil và tiếng Anh thành ngôn ngữ phổ thông của đất nước, cũng như thi hành chính sách kinh tế dựa vào nông nghiệp.
Ông Fonseka, vốn im hơi lặng tiếng trong các chính sách, khẳng định rằng, ông sẽ đại diện liên minh đối lập ra tranh cử trong kỳ bầu cử tổng thống sắp đến. Ông nói ông sẽ công bố kế hoạch tương lai trong cuộc họp báo đầu tiên của ông vào ngày Chủ nhật 28-11.
Với quyết định tham gia tranh cử tổng thống của lãnh đạo Mặt trận Tân Cánh tả Wickramabahu Karunaratne, các ứng cử viên tổng thống đã tăng lên 4 vị.
Cuộc bầu cử tổng thống Sri Lanka sẽ được tổ chức vào ngày 26-1-2010 và việc đề cử các ứng cử viên tổng thống thực hiện vào ngày 17-12-2009.
Những băng-rôn, áp-phích khổng lồ của Tổng thống Rajapskse đứng chung với tướng Fonseka tại các quảng trường của thủ đô Colombo sau chiến thắng phiến quân Hổ Tamil hồi tháng 5 vừa qua đã được thay thế bằng những bức ảnh đầy sắc mầu của Tổng thống Rajapakse.
Theo: thuvienhoasen.org/Xinhuanet
11-30-2009 08:23:46
NHÀ SƯ ỨNG CỬ CHỨC VỤ TỔNG THỐNG: BI KỊCH?
Minh Thạnh
Đây có phải là một sự kiện đáng mừng của Sri Lanka, nơi mà Phật giáo là quốc giáo? Và Phật giáo Sri Lanka đã mạnh lên đến mức tu sĩ đã có thể là ứng viên tổng thống? Tất nhiên, nếu đắc cử, vị tổng thống tu sĩ đó sẽ điều hành đất nước dưới những ánh sáng của giáo lý Phật giáo.
Trong bài này, tôi xin trình bày ý kiến chủ quan của mình, rằng đó sẽ là một bi kịch, bi kịch ngay chính từ việc ứng cử.
Trong lịch sử Phật giáo thế giới, cũng như Phật giáo Việt Nam, chuyện nhà vua bỏ quyền lực ngai vàng đi tu không là chuyện lạ.
Còn chuyện nhà sư bỏ áo cà sa ra đời làm vua, làm tổng thống giới hạn hơn, hay làm chính khách cũng có. Tuy nhiên, chuyện nhà sư ứng cử tổng thống, và có thể vừa là tu sĩ, vừa là tổng thống, thì có lẽ, đây là lần đầu tiên.
Câu hỏi đầu tiên được nêu ra, đây có phải là sự vận hành ngược chiều đạo Phật hay không? Đức Phật khuyên đệ tử xuất gia của Ngài phải xả bỏ tất cả, trong đó quyền lực là một.
Mục tiêu của hàng tại gia và hàng xuất gia hoàn toàn khác nhau.
Cho dù quan hệ giữa Phật giáo và chính quyền như thế nào đi nữa, việc mang hình tướng tăng ra tranh vị trí quyền lực nguyên thủ quốc gia chứa đựng trong nó nhiều mâu thuẫn.
Nếu nhà sư không được dân tín nhiệm, không đắc cử, thì chẳng đẹp gì cho Phật giáo.
Tổng thống một nước Nam Mỹ đương nhiệm, vốn xuất thân từ một giám mục Thiên Chúa giáo La Mã, khi đảm nhiệm chức vụ tổng thống còn phải từ chức giám mục. Đó là đối với Thiên Chúa La Mã, một giáo hội nặng yếu tố quyền lực, huống nữa là đối với Phật giáo, một tôn giáo cách ly người tu sĩ với thế tục bằng những giới cấm chặt chẽ.
Nếu đắc cử tổng thống, vị thượng tọa này sẽ giải quyết ra sao những mâu thuẫn giữa nhiệm vụ của một vị tổng thống và giới hạn mà một vị tăng sĩ Phật giáo phải tuân thủ? Ở đây, vấn đề càng gay gắt vì vị tăng sĩ đó là tăng sĩ Nam Tông, hệ phái mà giới luật được đề cao tuyệt đối.
Chính trị có những quy luật của nó và nó khác xa với việc tu hành trong một cương vị của một tu sĩ.
Bỏ qua một bên những mánh khóe, thủ đoạn, hãy còn nhiều vấn đề khác: quốc phòng, an ninh, nghi thức…Hoàn toàn không thể tham dự vào những vấn đề như vậy dưới hình tướng tăng sĩ.
Nếu tổng thống nước Sri Lanka là một chức vụ chỉ có tính nghi lễ, thì trong giới hạn đó, đã có bao nhiêu là mâu thuẫn đầy kịch tính.
Một ví dụ, vị nguyên thủ quốc gia đương nhiệm phải là người chủ trì các cuộc duyệt binh. Các loại xe tăng, hỏa tiễn, súng phòng không duyệt qua… một vị sư! Chắc chắn, không phải là một hình ảnh đẹp cho Phật giáo.
Bình thường, đặt một nhà sư xuất hiện bên cạnh một chiếc xe tăng chẳng hạn, thì chừng như đã là một sự chế nhạo.
Nhưng theo bài báo về việc này đăng trên Phattuvietnam.net, thì chức vụ tổng thống Sri Lanka là chức vụ nắm giữ quyền hành pháp.
Điều đó có nghĩa, nhà sư tổng thống nếu đắc cử sẽ phải phê duyệt những hợp đồng mua súng đạn, xe tăng, máy bay, tàu chiến… (chứ không dừng lại ở mức duyệt binh). Chỉ công việc đó thôi, cũng đã thấy tính chất bi kịch của vấn đề, chứ đừng nói đi sâu vào việc giải quyết những vấn đề an ninh, quốc phòng, nhất là ở một đất nước vừa trải qua nội chiến mang nặng màu sắc khủng bố, hận thù tôn giáo, dân tộc.
Nắm quyền hành pháp là nắm quyền “bóp cò súng” của một quốc gia. Không hiểu là vị tu sĩ, nếu là tổng thống, sẽ giải quyết mâu thuẫn là người lãnh đạo quân đội như thế nào.
Bên cạnh đó là hàng loạt các bài toán về kinh tế. Đó không phải là công việc của nhà tu hành.
Chúng ta cứ hình dung một tu sĩ Phật giáo đứng ra làm giám đốc điều hành một doanh nghiệp, thì cũng đủ thấy tính nan giải của vấn đề rồi. Ở đây, vị tăng sĩ đó điều hành nền kinh tế cả nước.
Đó là chưa kể đến việc một vị tu sĩ Phật giáo làm tổng thống ở một nước nhiều tôn giáo thì đồng thời sẽ hút vào đó bao nhiêu là mâu thuẫn.
Mặc cảm của những công dân theo các tôn giáo khác đương nhiên là tăng lên. Cho dù không làm gì cả để mà có va chạm, thì người ta cũng cảm thấy mặc cảm rồi.
Hình tướng tăng, một sự thể hiện hình thức của Tam bảo, ba ngôi cao quý siêu việt và thoát tục, xuất hiện trong một tư thế phức tạp, bối cảnh phức tạp và nhiệm vụ phức tạp như thế, thì không phải chỉ là bi kịch cho chính cá nhân vị tăng sĩ đó, mà còn là vấn đề của nước Sri Lanka, vấn đề của Phật giáo.
Suy nghĩ chủ quan của người viết là vị thượng tọa Sri Lanka ứng cử tổng thống đang đưa Đạo Phật ở Sri Lanka vào một cuộc phiêu lưu chính trị. Mà điều tất nhiên, ảnh hưởng của nó đối với đạo Phật không chỉ giới hạn bên trong nước Sri Lanka.
Các giáo chủ đầy quyền lực của Cộng hòa Hồi giáo Iran còn không nắm lấy quyền lãnh đạo hành pháp của quốc gia này, mà chỉ giữ nhiệm vụ lãnh đạo tinh thần. Còn ở đây là một nhà sư Phật giáo và đất nước lại không ở trong tình trạng lý tưởng về tôn giáo như Iran.
Cuối cùng, điều băn khoăn của chúng tôi là không hiểu tư duy của Phật giáo Sri Lanka ngày nay ra sao mà một hiện tượng như vậy có thể xảy ra.
MT
(Phattuvietnam.net)
THƯ PHẢN HỒI:
Vu Hoai vào lúc 09/12/2009 09:09
Đọc bài báo trên trong lòng tôi cảm thấy buồn chứ không vui vẻ gì cả. Việc một nhà sư Phật Giáo mà ứng cử chức tổng thống là một chuyện xưa nay chưa từng có trong lịch sử Phật Giáo từ xưa đến nay.
Tôi không ủng hộ việc này. Nếu việc này xảy ra chẳng khác nào là một vết nhơ cho Phật Giáo. Một hành động đi ngược lại Giáo lý của Đức Phật. Đức Phật còn bỏ cả vương quyền tột đỉnh, chẳng lẽ hàng đệ tử con Phật lại làm 1 điều ngược lại. NHư vậy có đáng là Chưởng Tử Của Như Lai hay không.
Thật đau lòng nếu tương lai tôi thấy vị sự này đứng trước quần chúng mà tuyên thệ nhận chức Tổng Thống. Nếu vậy ông ấy đã đứng trên Phật Giáo cả rồi.
Srilanca một đất nước của Phật Giáo, nghỉ lại vị sự này có thể mượn danh Phật Giáo để làm việc thế tục thôi chăng ? việc này còn phải xem lại.
Theo tôi nếu muốn ứng cử Tổng Thống thì vị sư này nên cởi Y Vàng thiêng liêng ra.
Hoan My vào lúc 09/12/2009 12:13
Toi nghĩ nêu ngài mang tâm nguyên cua Bồ tát thì hoan toàn tốt . ở VN hòa thượng Thế Long cũng từng làm phó chủ tịch Quốc hội , thời chiến tranh các Tăng cởi áo cà sa mặc áo chiến bào cũng là mang tâm nguyện cứu đời . chúng ta không nên cố chấp việc làm Tổng thống hay ko Tổng thống đó cũng chỉ là cái tên đẻ gọi thôi . chúng ta ko nen lay cái suy nghĩ cua mình ma ap đặt cho người khác . nếu đủ sức bơi cứu người chết đuối thì nên bơi .
Tăng A Ngưu vào lúc 09/12/2009 16:05
Điều này cũng tốt thôi,biết đâu chừng vị sư này sẽ đem lại hòa bình ấm no trước mắt cho chính quê hương của họ,ở đất nước ta hiện nay đã đang có những vị có chức vị nằm trong chính quyền đó sao,chẳng hạn như đại biểu quốc hội thì sao?nhưng cái quan trọng là họ có giúp gì được cho GH hay không cái đã,hay chỉ lợi dụng vào những chức vụ đó hay lợi dụng vào chính quyền để hạch sách những người đồng đạo của mình.
Minh Ngọc vào lúc 09/12/2009 16:16
Tác giả Minh Thạnh kính mến.Tôi rất hiểu cho tâm trạng của bạn và một số người khác về vấn đề chính trị và tôn giáo. Thật ra trước đây tôi cũng có suy nghĩ giống như bạn vậy. Tôi được biết một số trang web người Việt ở nước ngoài đã phê phán vài tu sĩ Việt Nam là Đảng viên, là Đại biểu Quốc hội…và xin lỗi, họ còn gọi là sư hổ mang, sư quốc doanh…Tôi băn khoăn rất nhiều về việc này.
Tình cờ, tôi gặp một vị tu sĩ trẻ và có đề cập đến vấn đề này và được vị ấy chia sẻ. Đúng là thời Đức Phật còn tại thế, ngài cấm các tỳ kheo làm chính trị, đi đến những nơi tập trận…nhưng Phật giáo vốn nhập thế, lấy câu “phụng sự chúng sanh là cúng dường chư Phật” làm phương châm. Chẳng thế mà, trong chiến tranh có nhiều vị Tăng Ni đã cởi áo cà sa khoác chiến bào, có người hi sinh, cũng có người sau khi hòa bình lại về với kệ kinh tu hành. Nếu xét về giới luật thì hẳn nhiên là không được, nhưng xét về tinh thần dân tộc thì rất đáng trân trọng. Thời sinh viên, tôi cũng được biết các tu sĩ Phật giáo cũng phải học môn giáo dục quốc phòng, phải học lý thuyết, miễn thực hành nhưng phải ngồi xem các bạn diễn tập. Và trong mùa an cư kiết hạ năm nay, Tăng Ni Phật giáo Vĩnh Phúc còn phải học môn này.
Vậy mọi người nghĩ sao? Ở Việt Nam, thời Tiền Lê,Lý,Trần …có các vị cao Tăng được vua phong làm Quốc sư, cùng vua bàn việc triều chính. Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông sau khi xuất gia vẫn quan tâm đến nước nhà, ngài đâu có trốn đời đi tu. Ngài còn xuống Chiêm Thành bang giao và gả Công chúa Huyền Trân cho vua Chiêm Thành… và còn nhiều ví dụ khác nữa.
Cái quan trọng ở đây là cái tâm người tu sĩ phải trong sáng, phải vì tinh thần dân tộc mà không vụ lợi, phải biết vận dụng giáo lý từ bi của Phật giáo để lãnh đạo chúng sanh, phải biết phân định ranh giới giữa thần quyền và thế quyền, tránh trường hợp như Tổng thống Hàn Quốc ( vốn là trưởng lão hệ phái Tin lành) đã thiên vị, chèn ép phật giáo…
VÔVÔ vào lúc 30/11/2009 10:45
ĐÂY LÀ VIỆC LÀM KHÔNG PHÙ HỢP VỚI TƯ TƯỞNG PHẬT GIÁO. SỰ THẬT THÌ CHÍNH TRỊ CẦN THIẾT ĐỐI VỚI LOÀI NGƯỜI KHI CÒN ĐẤU TRANH – PHÒNG NGÙA CHIẾN TRANH. KHI CON NGƯỜI CẦN PHÁP LUẬT TRỪNG TRỊ ĐỂ NGĂN NGỪA TỘI PHẠM… NẾU CÓ THỂ THÌ NGÀY XƯA TẤT ĐẠT ĐA, BỒ ĐỀ ĐẠT MA, TRẦN THÁI TÔNG, TRẦN NHÂN TÔNG…ĐÃ VỪA LÀM VUA VỪA CỨU ĐỘ DÂN CHÚNG.
THỰC TẾ CHÍNH TRỊ VÀ TÔN GIÁO ĐỀU MỤC ĐÍCH GIÚP ĐỜI NHƯNG VỀ PHƯƠNG PHÁP, BẢN CHẤT HOÀN TOÀN KHÁC NHAU- PHẬT PHÁP VƯỢT LÊN TRÊN CẢ HAI.
PHẬT GIÁO CHỈ CÓ MỘT CON ĐƯỜNG- GIẢI THOÁT.
CHÍNH TRỊ CÓ NHIỀU CON ĐƯỜNG- TRANH ĐUA.
PHÁP LUẬT DỰA TRÊN SỰ TRỪNG PHẠT ĐỂ NGĂN NGỪA PHẠM TỘI.
GIỚI LUẬT CŨNG NGĂN NGỪA NHƯNG ĐEM LẠI HIỂU BIẾT, TRÍ TUỆ.
BẢN THÂN TÔI NGHĨ THỜI ĐẠI NGÀY NAY CHƯA PHÙ HỢP ĐỂ TU SỸ LÀM LÃNH ĐẠO QUỐC GIA. CẦN MỘT THỜI GIAN DÀI.
GANDHI NÓI MỘT NGƯỜI NÓI TÔN GIÁO KHÔNG LIÊN QUAN GÌ ĐẾN CHÍNH TRỊ LÀ MỘT NGƯỜI KHÔNG HIỂU GÌ VỀ TÔN GIÁO. NHƯNG CUỘC THÁNH CHIẾN NỘI BỘ THIÊN CHÚA GIÁO LÀM HƠN 10 NGHÌN NGƯỜI CHẾT, KHI ĐÓ QUYỀN LỰC CHÍNH TRỊ ĐANG NẰM Ở VATICAN.
LÃO TỬ CŨNG NÓI TRỊ THIÊN HẠ CẦN THUẬN THEO TỰ NHIÊN (VÔ VI)
CHỦ NGHĨA CỘNG SẢN LÀ SỰ CÔNG BẰNG KHÔNG CÓ ĐẤU TRANH.
TẤT CẢ CHỈ THÀNH HIỆN THỰC KHI CON NGƯỜI THẤM NHUẦN TƯ TƯỞNG VÔ NGÃ, HIỂU VÀ THƯƠNG!
theo: Thư Viện Hoa Sen