Tổng Quan
Kinh điển thuộc ngôn ngữ Pāli thường được chỉ cho ba tạng giáo điển (Tipiṭaka) của Phật giáo Nam truyền (Theravāda) bao gồm Luật tạng (Vinayapiṭaka), Kinh tạng (Suttapiṭaka) và Thắng Pháp tạng (còn gọi là Vi Diệu Pháp – Abhidharmapiṭaka).
Toàn bộ kinh tạng Phật giáo Nam truyền là một tập đại thành của nhiều lần kiết tập, san định và được ghi chép qua nhiều thế hệ truyền thừa. Lần kiết tập thứ nhất là sau ba tháng Đức Phật nhập Niết bàn, phương pháp kiết tập là truyền miệng. Lần thứ hai sau 100 năm Đức Phật Niết bàn cũng dùng phương pháp truyền miệng. Lần thứ ba khoảng 300 năm sau Đức Phật nhập Niết bàn, tức vào thời vua A Dục (Asoka 273-232 TCN). Phương pháp kiết tập là truyền miệng nhưng nội dung ba tạng thì được sắp xếp một cách khoa học theo trật tự danh mục, đề mục rõ ràng. Trong thời này, tạng Thắng Pháp đã được san định đầy đủ. Vua A Dục còn phái các đoàn truyền giáo tới các nước láng giềng, đặc biệt là đoàn truyền giáo của ngài Mahinda mang Phật giáo tới Tích Lan (Sri Lanka), toàn bộ các tác phẩm kinh điển Phật giáo được Ngài đem sang đây. Và cũng tại Tích Lan, ba kỳ kiết tập tiếp theo đã được tổ chức dưới sự bảo trợ của các triều đại Devanampiyatissa (thế kỷ III TCN). Triều đại Dutthagamani (thế kỷ II TCN) và triều đại Vattagamani (thế kỷ I TCN). Có thể khẳng định rằng Tam Tạng kinh điển Phật giáo chính là một bộ sưu tập đồ sộ và vẹn toàn về tất cả những gì liên hệ với văn hóa Phật giáo cùng văn hóa bản địa thời bấy giờ. Đó là những pháp thoại của Đức Phật, những câu chuyện ngụ ngôn văn chương, thi ca đậm màu giải thoát và những bước đi lịch sử của Tăng đoàn với nhiều bài giảng của chư vị Thánh Tăng, Thánh Ni. Vua A Dục đã đóng góp rất lớn trong việc xiển dương Phật giáo thông qua sự tài trợ cho đại hội kiết tập kinh điển lần thứ ba và công cuộc thanh lọc Tăng đoàn cũng như gởi các đoàn hoằng pháp đến các nước lân cận và khắc nhiều kinh điển lên bia đá, khẳng định vị trí lịch sử và vị thế của Phật giáo đương thời.
Về sử học thì Tam Tạng kinh điển đã có mặt trước thế kỷ II TCN. Trong khi trên bình diện văn học hay là ngôn ngữ Pāli thì phải sau Tây lịch mới hình thành, điển hình như Đảo Sử (Dipavamsa) và Phật giáo Đại Sử (Mahavamsa) vẫn được xem là tập chánh sớ Tam Tạng bằng chữ Pāli.
Phần I. Kinh Tạng
Kinh tạng là những bài thuyết giảng của Đức Phật và một số Tôn giả được Đức Phật ấn chứng, sau khi Đức Phật nhập diệt ba tháng thì Tăng đoàn tập hợp trùng tuyên lại. Theo kinh Xà Dụ thuộc Trung Bộ Kinh, kinh tạng được phân định thành chín phần giáo pháp như sau: Sūtta (Khế kinh), Geyya (Phúng tụng), Veyyakarana (Ký thuyết), Gāthā (Kệ ngôn), Udana (Cảm hứng ngữ), Itavuttaka (Như thị thuyết), Jātaka (Bổn sanh), Abbhutadhamma (Vị Tằng Hữu), Vadalla (Phương Quảng).
Hoặc theo một số tài liệu khác thì chia thành 12 thể loại: Sūtta (Khế kinh), Gaya (Trùng tụng), Vyakarama (Thọ ký), Gāthā (Phúng tụng), Udana (Tự thuyết ), Nidāna (Nhân duyên), Avadāna (Thí dụ), Itivrtaka (Bổn sự), Jātaka (Bổn sanh), Vaipulya (Phương quảng), Adbhutadharma (Vị tằng hữu), Upadisa (Luận thuyết).
Phần lớn các giới nghiên cứu theo sự phân chia kinh bộ dựa vào thể loại, độ dài ngắn hay các vấn đề liên quan với nhau để phân chia thành 5 bộ kinh:
1. Trường Bộ kinh (Digha Nikāya): gồm 34 kinh dài chia thành 3 phẩm. Phẩm 1 Giới uẩn: có 13 kinh, Đức Phật giảng về lưới Phạm thiên bao trùm 62 kiến chấp, lợi ích quả vị Sa môn, cách diệt tận tư tưởng, giảng rõ ba thánh uẩn giới định tuệ, ba loại thần thông, tứ đại… Phẩm 2 Đại phẩm: có 10 kinh, nội dung về huyền sử Đức Phật Tỳ Bà Thi, pháp duyên khởi, những ngày cuối cùng của Đức Phật Thích Ca, bốn phép quán niệm thân, thọ, tâm và pháp… Phẩm 3 Ba-lê-tử: có 11 kinh, Đức Phật giảng về khởi nguyên thế giới và từ khởi nguyên đến bốn giai cấp, 32 tướng đại trượng phu, kinh bảo hộ Tỳ kheo, bổn phận ở nhà và xã hội…
2. Trung Bộ kinh (Majjhima Nikāya): gồm 152 kinh vừa, Đức Thế Tôn giảng dạy về những phương pháp thực tập thiết thực trong đời sống Tăng đoàn, giúp hành giả buông bỏ phiền muộn và thâm nhập trí tuệ giải thoát.
3. Tương Ưng Bộ kinh (Samyutta Nikāya) là bộ kinh được sắp xếp theo chủ đề và theo nhóm gọi là tương ưng (samyutta), có 56 tương ưng và chia thành 5 tập: Tập 1. Có Kệ (Sagàthàvagga Samyuttapàli) gồm 11 Tương Ưng; Tập 2. Nhân Duyên (Nidànavagga Samyuttapàli) gồm 10 Tương Ưng; Tập 3. Uẩn (Khandavagga Samyuttapàli) gồm 13 Tương Ưng; Tập 4. Sáu Xứ (Salàyatanavagga Samyuttapàli) gồm 10 Tương Ưng và Tập 5. Ðại Phẩm (Mahàvagga Samyuttapàli) gồm 12 Tương Ưng.
4. Tăng Chi Bộ kinh (Anguttara Nikāya): gồm 11 chương, mỗi chương chia thành nhiều phẩm. Pháp số từ Một đến Mười Một được chia theo thứ tự các chương. Ví dụ: chượng Một: Một Pháp, cho đến chương Mười Một: Mười Một Pháp. Có khoảng 2308 bài kinh trong mười một chương này.
5. Tiểu Bộ kinh (Khuddaka Nikāya): được chia thành 17 phần: Tiểu tụng (Khuddakapatha, Pháp Cú Kinh (Dhammapada), Cảm Hứng Ngữ (Udan), Như Thị Thuyết (Itivuttaka), Kinh Tập (Suttanipata), Thiên Cung Sự (Vimanavatthu), Ngạ Quỷ Sự (Etavatthu), Trưởng Lão Tăng Kệ (Theragatha) và Trưởng Lão Ni Kệ (Therigatha), Bổn Sanh Kinh (Jātaka). Ngoài ra còn có các tập như: Hai tập xiển minh Mahaniddesa và Culaniddesa, Vô ngại giải đạo (Patisambhidamagga), Kinh Bổn sự (Apadana), Phật Tông (Buddhavamsa), Hạnh tạng (Cariyapitaka).
Phần II. Luật Tạng
Bao gồm những lời dạy và quy định của Đức Phật áp dụng trong sinh hoạt tu học của Tăng đoàn và Ni đoàn cũng như một số ít điều cho Phật tử tại gia. Luật tạng được chia thành 3 phần chính: Suttavibhanga, Khandhaka và Parivana.
1. Suttavibhannga: (Phân tích giới bổn) gồm các học giới Patimokkha được trình bày và giải thích theo văn phong kinh tạng, bao gồm 227 giới học cho Tỳ kheo và 311 giới học cho Tỳ kheo Ni. Các học giới được trình bày theo thứ tự:
Bất cộng trụ (Pārājika) có 4 pháp. (tội không thể sám hối).
Tăng tàn (Saṅghādisesa) có 13 pháp. (có thể cứu chữa được nhưng cần thỉnh 20 Tỳ kheo thanh tịnh).
Bất định (Aniyata) có 2 pháp (tùy trường hợp mà kết tội).
Ưng xả đối trị (Nissaggiya pacittaya) gồm 30 pháp.
Ưng đối trị (Pācittiya) gồm 92 pháp.
Ưng phát lộ (Pāṭidesanīya) gồm 4 pháp.
Ưng học pháp (Sekhiyadhamma) gồm 75 pháp.
Tịnh tránh pháp (Adhikaraṇasamathā Dhammā) gồm 7 pháp.
2. Khandhaka: Gồm các vấn đề liên quan được phân chia thành chương bao gồm Mahāvagga (Đại phẩm): Có 10 chương, bắt đầu là kể về quá trình giác ngộ của Đức Phật, tiếp đến là các vấn đề quan trọng trong Tăng đoàn như xuất gia, bố tát, an cư mùa mưa và tự tứ. Cullavagga (Tiểu phẩm): Có 12 chương đề cập đến cách hành xử của các Tỳ kheo phạm lỗi, giải quyết tranh chấp chia rẽ và các vấn đề trong đời sống Tăng đoàn. Riêng chương 10 kể về thành lập Ni đoàn và những chương cuối trình bày về 2 kỳ kiết tập kinh điển đầu tiên ở Ấn Độ.
3. Parivara (Tập yếu): Đây có thể là một tác phẩm của một trưởng lão ở Tích Lan, phân tích về giới và luật tạng được trình bày theo hình thức vấn đáp, do vậy có thể xem là rất thiết yếu cho Tăng đoàn.
Phần III. Thắng Pháp tạng
Gồm 7 bộ:
Bộ 1. Pháp tụ (Dhammasaṅgaṇi) là bộ khởi đầu những vấn đề chính yếu (mātikā) trong Thắng pháp. Có 1300 pháp uẩn (Dhammakhandha), 987 đoạn (pabba), bốn chương (kaṇḍa): Cittupādakaṇḍaṃ – Chương tâm sanh; Rūpakaṇḍaṃ – Chương sắc; Nikkhepakaṇḍaṃ – Chương toát yếu và Atthuddhārakaṇḍaṃ – Chương trích yếu.
Bộ 2. Phân tích (Vibhaṅga): chia thành 18 chương, ví dụ chương 6 trình bày về duyên khởi – Paticcasamuppāda, chương 7 phân tích về thực tập chánh niệm – Satipaṭṭhāna, chương 10 phân tích về 18 giới, chương 18 tinh túy của giáo pháp…
Bộ 3. Nguyên chất ngữ (Dhātukathā): gồm có 14 chương, được chia theo thể loại dựa trên sự vấn đáp. Ví dụ chương I: Xiển minh câu yếu hiệp bất yếu hiệp, chương IV: Xiển dương minh câu yếu hiệp với yếu hiệp… chương XIV: Xiển dương minh câu bất tương ưng dữ yếu hiệp, bất yếu hiệp.
Bộ 4. Nhân chế định (Puggalapaññatti): gồm phần Xiển thuật là trình bày về Uẩn, Giới, Xứ, Đế chế định, Quyền (căn) chế định và Nhân chế định có các chi phần được chia nhỏ từ phần một đến mười. Tiếp theo là phần Xiển minh cũng được chia nhỏ từ phần một đến phần mười.
Bộ 5. Ngữ tông hay Luận sự (Kathāvatthu): bộ này trình bày về những tranh luận đúng sai và những quan điểm khác nhau trong truyền thống Phật giáo, đặc biệt là Phật Giáo thời kỳ đầu. Phần một trình bày về 3 kỳ kiết tập kinh điển tại Ấn Độ cổ và sự xuất hiện bộ phái. Phần hai trình bày về các luận điểm Kathāvatthu, gồm những luận cứ, ví dụ: Không lẫn lộn sự thật cao tột (Suddhasaccikaṭṭho), Cật vấn thần thông (Abhiññānuyogo), Cật vấn chúng Tăng (saṅghānuyogo)…
Bộ 6. Song đối (Yamaka): đây là bộ luận được trình bày theo hình thức vấn đáp từng cặp phạm trù, hỏi ngược hoặc hỏi xuôi nhằm làm sáng tỏ vấn đề, do vậy được chia thành hai quyển; Quyển Thượng gồm 7 đề tài là: Căn song (mūlayamaka), Uẩn song (khandhayamaka), Xứ song (āyatanayamaka), Giới song (dhātuyamaka), Ðế song (saccayamaka), Hành song (sankhārayamaka), Tùy miên song (anusayayamaka). Quyển Hạ gồm 3 đề tài là: Tâm song (ciṭṭayamaka), Pháp song (dhammayamaka) và Quyền song (indriyayamaka).
Bộ 7. Đại xứ (Paṭṭhāna): là bộ luận thứ 7 của tạng Thắng pháp, các pháp được trình bày trong luận này rất rộng lớn và siêu việt huyền diệu, hàm tàng vạn pháp, nên bộ Luận này còn được gọi là Ðại Xứ Luận (Mahāpaṭṭhāna). Bộ luận này trình bày rõ ràng chi tiết về bốn luận cứ: Pháp Thuận (anuloma), Pháp Nghịch (paccaniya), Pháp Thuận Nghịch (anuloma paccaniya), Pháp Nghịch Thuận (paccaniyānuloma). Tất cả bốn luận cứ này được trình bày theo sáu phạm trù.
1. Tam đề vị trí (tikapaṭṭhāna): phân tích 24 duyên theo 22 Ðầu Ðề Tam.
2. Nhị đề vị trí (dukapaṭṭhāna): phân tích 24 duyên theo 100 Ðầu Ðề Nhị.
3. Nhị đề tam đề vị trí (dukatikapaṭṭhāna): lấy 100 nhị đề làm năng đối và 22 Tam Ðề làm sở đối để phân tích 24 duyên. Phạm trù này có được 6.600 vị trí.
4. Tam đề nhị đề vị trí (tikadukapaṭṭhāna): lấy 22 tam đề làm năng đối và 100 nhị đề làm sở đối để phân tích 24 duyên. Phạm trù này có được 4.400 vị trí.
5. Tam đề tam đề vị trí (tikatikapaṭṭhāna): lấy 22 tam đề làm năng đối và cũng lấy 22 tam đề làm sở đối để phân tích 24 duyên. Phạm trù này có được 1.386 vị trí.
6. Nhị đề nhị đề vị trí (dukadukapaṭṭhāna): lấy 100 nhị đề làm năng đối và cũng lấy 100 nhị đề làm sở đối để phân tích 24 duyên. Phạm trù này có được 19.800 vị trí.
Như vậy, ở mỗi luận cứ có được 6 phạm trù và 32.308 vị trí. Tổng cộng 4 luận cứ sẽ có 24 phạm trù và 129.232 vị trí. Sau đó, mỗi vị trí sẽ được phân tích theo 24 duyên và mỗi duyên được minh định theo 3 khía cạnh:
a. Pháp năng duyên (paccayadhamma): pháp làm nhân trợ.
b. Pháp sở duyên (paccayuppannadhamma): pháp được trợ.
c. Pháp địch duyên (paccanikadhamma): pháp ngược với sở duyên hay phi sở duyên.
Kết Luận
Tam tạng kinh điểm Nam truyền thì chỉ gói gọn trong các bộ Kinh, Luật và Luận được lưu lại nhưng hệ thống tư tưởng của Nam truyền thì không ngắn gọn như phần kinh văn chữ nghĩa đã trình bày trong các tác phẩm đó. Thế nên trải qua hơn 2000 năm không có nhiều vị Trưởng lão có thể tự nhận mình đã thâm nhập kinh tạng hoàn toàn hay thực hành và truyền bá đúng tinh thần chân lý mà Đức Thế Tôn để lại. Song, ít nhiều thì tất cả chúng ta phải nương vào hệ thống Tam tạng này hầu mong thâm nhập Phật ngôn không chỉ bằng con đường nghiên cứu ôn tụng mà phải bằng cách thực hành miên mật. Sự giới thiệu sơ lược này nhằm giúp cho các vị tân học chưa từng tìm hiểu qua ba tạng kinh Nam truyền có một cái nhìn khái lược về hệ thống kinh tạng này để giúp cho việc xác định đọc tụng hay nghiên cứu được dễ dàng hơn.
Ngoài ra, trong hệ thống kinh tạng Pāli còn có nhiều tác phẩm khác của chư tôn trưởng lão trong hệ thống tư tưởng Nam truyền qua nhiều thế hệ chưa được xếp vào 3 tạng chính thống, chúng ta có thể tham khảo thêm. Các tác phẩm về Chánh sớ Nettipakarana, Petakopadesa và Milindapanha, chú giải Phật ngữ Abhidhammavatara, Vinayavinicchaya, Uttaravinicchaya, Ruparupa vibhaga, Madhuratthavilasini, các tập sử liệu như Uddhaghosuppatti, Saddhammasangaha, Sandesaksttha, Mahaboddhivamsa, giảng lục Namarupapariccheda, Namarupasamasa, Suttasaangaha, Mahaparita. Ngoài ra, còn có các tác phẩm về thi ca thời sau như: tập Angatavamsa, Jinacarita, Telakatahagatha, Parivarajjamadhu, Rasavahini, Saddhammapayana và Pancagatidipana. Về văn phạm thì có các tác phẩm: Kaccayana hoặc Kaccayanaganha, Rupasiddhi. Balavatara, Bhatumanjusa, Moggallana-vyakarana và Moggallanapancika.
Tâm Thức/Chùa Hoằng Pháp