Giai thoại thiền – Hạt cải chứa núi Tu-di
Lý Bột là thứ sử tỉnh Giang châu, triều nhà Đường bên Tàu. Có lần ông hỏi đạo với Thiền sư Trí Thường, rằng :
– Trong kinh Phật có nói : “Núi Tu-di chứa hạt cải, hải cải đựng núi Tu-di “, con thấy câu kinh này khó hiểu và kỳ bí quá ! Hạt cải bé tí làm sao có thể chứa đựng được núi Tu-di to lớn thế kia ? Đúng là nói quá, không hiểu được lẽ thường, phải chăng là lừa dối người đời ?
Thiền sư Trí Thường nghe hỏi vậy thì mỉm cười, từ tốn hỏi lại Lý Bột :
– Ta nghe người ta nói ông đọc hơn cả vạn quyển sách, việc ấy có thiệt không ?
– Đương nhiên rồi ! Đương nhiên rồi ! Con đọc hơn cả vạn quyển sách ấy chứ – Lý Bột được một phen đắc ý.
– Vậy chứ cả vạn quyển sách ông đọc bây giờ để ở đâu ?
Lý Bột đưa tay chỉ vào đầu mình nói :
– Để trong này !
Thiền sư Trí Thường chậm rãi nói :
– Kỳ lạ thật ! Ta xem cái đầu của ông chỉ lớn hơn trái dừa chút xíu thôi, vậy mà sao có thể chứa đựng được cả vạn quyển sách ? Vậy có phải ông cũng lừa dối thiên hạ chăng ?
Lý Bột nghe vậy, trong đầu như có tiếng nổ lớn, ngay đó ông hoát nhiên đại ngộ.
Tất cả các pháp, có khi được nói đến trên mặt hiện tượng (sự), có khi được giải thích từ mặt bản thể (lý). Cần phải biết rằng, mọi việc trong vũ trụ nhân sinh, trong sự đều có lý, trong lý đều có sự. Núi Tu-di mà chứa hạt cải, thì đó là sự ; hạt cải mà chứa đựng núi Tu-di, đó là lý. Những ai có khả năng thông hiểu rõ ràng lý – sự vô ngại, thì người đó hiểu rõ mọi pháp viên dung.
ghi chú BBT: Núi Tu-di chỉ là ngọn núi giả tưởng, truyền thuyết trong tôn giáo Bà-la-môn thời cổ đại ở Ấn Độ như bao truyền thuyết của các tôn giáo lớn khác thời bộ tộc, nguyên thủy trên toàn cầu.