Người nữ có chứng quả A-la-hán không?
Thích Nữ Lệ Thảo
******
I. DẪN NHẬP
Thân phận phụ nữ được xem như là thuộc đẳng cấp thứ tư, đẳng cấp nô lệ trong hệ thống 4 đẳng cấp. Do đó, vị trí người nữ trong xã hội Ấn Độ không được quan tâm, người nữ có một địa vị rất thấp kém, xã hội thời ấy quan điểm rất tiêu cực có tính cách kỳ thị phụ nữ, không nhìn nhận khả năng của hàng phụ nữ. Họ bị dồn vào khuôn khổ chật hẹp của đời sống gia đình phải chịu nhiều sự áp đặt, bất công của xã hội và nhất là tư tưởng “trọng nam khinh nữ” đã làm cho người phụ nữ không thể nào vươn lên được. Trước tình hình xã hội như thế Đức Phật Thích Ca ra đời, Ngài sáng lập nên một tôn giáo bình đẳng vị tha, Ngài phủ nhận giai cấp bất công, đem chế độ bình đẳng để đãi ngộ mọi hạng người trong xã hội. Từ đó, Đức Phật đã mở ra cho người nữ một chân trời mới, không những ra khỏi một thân phận đen tối thấp hèn, lệ thuộc vào nam giới mà còn ra khỏi ngục tù bản ngã nhỏ hẹp để vươn lên Chân lý, Niết bàn. Có thể nói, đây là một cuộc cách mạng vĩ đại nhất của Đức Phật. Đạo Phật có cái nhìn bình đẳng và nhân văn về con người, không bị những qui ước xã hội như: đẳng cấp, giai cấp, chủng tộc, mẫu hệ, phụ hệ, ý thức hệ. Bằng chứng rõ rệt là Đức Thế Tôn cho phép hàng phụ nữ xuất gia và cũng được liệt vào hàng tứ chúng. Tuy nhiên, còn có những mâu thuẩn về vấn đề quả vị tu chứng. Căn cứ vào Kinh Nikaya thì có kinh cho là được chứng quả, có kinh lại nói không được, nhưng Kinh A Hàm thì nói được chứng quả. Để tìm hiểu rõ thêm về vấn đề này người viết chọn đề tài “Người nữ có thể chứng quả A la hán không?”, nội dung của tiểu luận này người viết sẽ trình bày dựa theo nguồn tư liệu thuộc văn bản Hán Tạng, qua bốn bộ Kinh A Hàm, và dựa vào năm bộ Kinh Nikaya để so sánh, đối chiếu, và dựa vào lời giảng của giáo thọ sư cũng như các nguồn tài liệu khác, dùng phương pháp nghiên cứu văn bản, phân tích, chứng minh cho bài tiểu luận.
II. NỘI DUNG
1. Vị trí người nữ trong xã hội Ấn Độ thời Đức Phật
1.1. Vị trí người nữ trong xã hội Ấn Độ
Bối cảnh xã hội Ấn Độ thời Đức Phật Thích Ca sinh ra, dưới sự thống trị của giai cấp giàu có và đầy quyền lực. Bởi thế, cuộc sống của con người luôn phải chịu đựng sự áp bức bất công, đau khổ, nghèo đói, ly tán, do đó, nữ giới không bao giờ được sánh ngang hàng cùng nam giới trong xã hội. Điều này dẫn đến một tư tưởng thật cổ hủ: Triết lý Bà La Môn giáo trên nền tảng bốn Vệ Đà xem “phụ nữ là nguồn gốc của mọi rắc rối cho chính đấng sinh thành tạo ra họ, chỉ là kẻ sanh con cho cha mẹ chồng, là vật sở hữu của nam giới mà không có bất kỳ sự kính trọng hay danh dự nào”. Kỳ Na giáo cũng thế, họ cũng cho rằng “phụ nữ là ngọn đèn chiếu sáng con đường dẫn đến cánh cửa địa ngục.” Từ những quan điểm hẹp hòi này mà người nữ phải luôn gánh chịu những bất hạnh thiệt thòi trong cuộc sống, từ lúc mới sinh ra cho đến khi chết.
Theo truyền thống Bà La Môn cũng thế, họ cho rằng sự hiện hữu của phụ nữ là xoay quanh quyền lực của nam giới, để trang điểm và phục vụ cho nam giới, để sinh con đẻ cái mà không được chồng đoái hoài thương tưởng. Từ lúc sanh thành cũng như khi lấy chồng, phụ nữ luôn bị ràng buộc bởi nguyên tắc mang tính ước lệ của văn hóa Ấn Độ Cổ đại. Một phụ nữ lý tưởng là một người nô lệ trung thành, biết tuân thủ và phục tùng những ý muốn của chồng, thậm chí bị tước quyền sống khi người chồng qua đời. Bà La Môn giáo lấy Vedas làm căn bản, đã thiết lập một trật tự chặt chẽ gồm bốn đẳng cấp. Trong mỗi giai cấp, lại phân biệt người đàn ông là chúa, người đàn bà là tôi. Điều bất công này luôn kìm hãm và mang đến nỗi khổ đau cho người nữ trong suốt quãng đời của họ.
Theo luật Manu, quy định của Ấn Độ Cổ đại, “lúc còn nhỏ con gái phải sống với cha mẹ, lấy chồng phải theo chồng, chồng chết phải theo con cái, phụ nữ không được sống độc lập. Thậm chí, khi chồng qua đời, người vợ cũng phải thể hiện sự trung thành bằng cách nhảy vào giàn thiêu xác chồng hay tự quyên sinh.” Cùng thời điểm đó, với cái nhìn xuyên suốt của Đức Phật, Ngài phát huy một cuộc cách mạng trong tư tưởng bằng cách công khai và can đảm tuyên bố rằng người nữ không có gì là thấp kém hơn người nam. Những gì người nam làm được thì người nữ có thể làm được, đàn ông và phụ nữ có vai trò ngang nhau trong xã hội. Ngài đã đưa vị trí của nữ giới ra khỏi những tư tưởng áp bức cố hủ và đã nâng cao địa vị của họ trong xã hội, để họ có thể hưởng được quyền lợi của mình như mọi người. Điều này đã gây một biến động lớn lao trong giới tôn giáo đương thời vì Đức Phật đã làm thay đổi niềm tin của quần chúng đã bám sâu vững chắc trong dân gian. Như vậy, quan điểm của Đức Phật đối với người nữ như thế nào, chúng ta hãy tìm hiểu tiếp theo phần dưới đây.
1.2. Vị trí người nữ trong Phật giáo
Đức Phật nhấn mạnh vai trò quan trọng của phụ nữ như một người vợ, một người mẹ tốt để đảm bảo và giữ gìn hạnh phúc trong cuộc sống gia đình, quyền bình đẳng dành cho phụ nữ trong giáo lý Đức Phật đề cập qua Kinh Thiện Sanh, bài kinh này có đoạn Đức Phật đã dạy cách người chồng phải đối xử tốt với người vợ qua năm điều. “Người chồng nên lấy năm điều mà yêu thương cấp dưỡng vợ. Năm điều đó là gì? Một là yêu thương vợ. Hai là không khinh rẻ. Ba là sắm các thứ chuỗi ngọc, đồ trang điểm. Bốn là ở trong nhà để vợ được tự do. Năm là xem vợ như chính mình. Người chồng lấy năm điều để thương yêu, cấp dưỡng vợ”. Cũng từ trong bài kinh này Đức Phật dạy người phụ nữ cũng lấy năm điều tốt ở trên đối với chồng. Đoạn kinh trên Đức Phật đã đề cao vai trò của người nữ trong gia đình, người nữ được chồng yêu thương, kính trọng, chồng và vợ phải chia sẻ trách nhiệm bình đẳng cùng thực hiện nhiệm vụ của họ với sự cống hiến như nhau cho gia đình. Điều này cho thấy rằng theo quan điểm Phật giáo, người vợ chiếm một vị trí tương đương với người chồng.
Qua kinh điển của Đức Phật, chúng ta sẽ bắt gặp những hình ảnh cao quý của người nữ nói chung người mẹ nói riêng. Ngài có quan niệm rằng cha mẹ ngang bằng với Phạm Thiên, do quan niệm như thế nên trong Kinh Tăng Chi Bộ, Đức Phật khuyên con cái phải kính trọng cha mẹ trong nhà như kính trọng Phạm Thiên. “Phạm Thiên, này các Tỳ kheo, là đồng nghĩa với mẹ cha. Các Đạo sư thời xưa, này các Tỳ kheo, là đồng nghĩa với mẹ cha. Đáng được cúng dường, này các Tỳ kheo, là đồng nghĩa với mẹ cha. Vì cớ sao? Giúp đỡ rất nhiều, này các Tỳ kheo, là cha mẹ đối với con cái, nuôi chúng lớn, dưỡng dục chúng, giới thiệu chúng vào đời”. Đoạn kinh cho ta thấy Đức Phật nhấn mạnh tầm quan trọng của phụ nữ cao đẹp như Phạm Thiên, là một người mẹ hiền, luôn đảm bảo và giữ gìn hạnh phúc trong cuộc sống gia đình. Như vậy, quyền bình đẳng giữa nam nữ cũng như quyền lợi của người nữ được Đức Phật dần dần đặt mầm mống trong xã hội từ đây. Phật giáo không coi hàng phụ nữ thấp kém hơn người nam, hay thiếu khả năng, sự thật Phật giáo xem mọi người đều có giá trị ngang hàng nhau, có tự do và quyền lợi như nhau. Chẳng những vị trí người nữ được Đức Phật coi trọng trong phạm vi gia đình, mà hình ảnh của họ được nâng cao ở mọi lĩnh vực cuộc sống. Trong đó, có tổ chức Tăng đoàn Phật giáo.
Tăng đoàn thời Đức Phật, Ngài không hề phân chia giai cấp hay chủng tộc, nếu người nào sau khi xuất gia sống đời phạm hạnh cũng đều là Sa môn, bình đẳng không phân biệt như nước trăm sông đổ về biển. Điều này được Đức Phật nói trong đoạn Kinh Tăng Chi Bộ “Ví như, này Paharada, phàm có các con sông lớn nào, ví như sông Hằng, sông Yamunà. sông Aciravatì, sông Sarabhù, sông Mahì, các con sông ấy khi chảy đến biển, liền bỏ tên họ trước, trở thành biển lớn. Cũng vậy, này Pahàràda, có bốn giai cấp này: Sát đế lỵ, Bà La Môn, Phệ xá, Thủ đà, sau khi từ bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia trong Pháp và Luật được Như Lai tuyên bố này, chúng từ bỏ tên và họ của chúng từ trước, và chúng trở thành những Sa môn Thích tử”. Tuy nhiên, ở đoạn kinh này, Đức Phật không hề đề cập đến nữ giới nhưng khi đọc qua chúng ta có thể hiểu được ý Đức Phật đề cập đến bình đẳng cả nam và nữ. Như vậy, sau khi Đức Phật mở ra cuộc cách mạng tư tưởng xã hội, giải phóng nạn phân chia giai cấp. Lúc bấy giờ, người nữ trong xã hội cũng như trong gia đình đều có quyền lợi như người nam. Điều đặc biệt hơn nữa, người nữ cũng được xuất gia, gia nhập Tăng đoàn. Cho nên, Tăng đoàn thời Đức Phật có đủ hạng người, thành phần, trình độ văn hóa trong xã hội, nhưng khi đến với Phật pháp thì tất cả đều được hưởng như nhau: được cùng đi trên con đường thiện đạo, đều được tiến hóa tâm linh cho đến ngày viên mãn.
Thế nên, Tăng đoàn lúc nào cũng có hai bộ Tăng và Ni song đôi. Sự bình đẳng của người nữ trong Tăng đoàn được Đức Phật đưa ra quá rõ ràng, nhưng về mặt chứng đắc thì sao? Muốn biết được điều này, chúng ta hãy xem phần nội hàm của quả vị A la hán dưới đây được Đức Phật nói qua hai bài kinh.
2. Nội hàm của quả vị A la hán
Theo Kinh Tương Ưng III, có đoạn Đức Phật nói với Ràdha như sau: “Này Ràdha, khi nào Tỳ kheo sau khi như thật biết rõ sự tập khởi, sự đoạn diệt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của năm thủ uẩn này, vị ấy được giải thoát, không có chấp thủ; như vậy, gọi vị Tỳ kheo là bậc A la hán, đã đoạn tận các lậu hoặc, đã thành tựu Phạm hạnh, đã làm những việc phải làm, đã đặt gánh nặng xuống, đã đạt được mục đích, đã đoạn tận hữu kiết sử, đã giải thoát nhờ chánh trí”.
Qua đoạn kinh cho chúng ta thấy, Đức Phật đã khẳng định một vị Tỳ kheo sau khi tu tập có chánh định biết rõ sự vận chuyển của năm thủ uẩn thì gọi là bậc A la hán. A la hán là những người sống đúng phạm hạnh, có nghĩa là một đời sống phải ly dục, ly ác pháp, sống không làm khổ mình khổ người và khổ tất cả chúng sanh, đó chính là bậc A la hán của đạo Phật. Như vậy, Ngài đâu nói vị Tỳ kheo hay Tỳ kheo ni mà ở đây Đức Phật nói đến sự tu tập của mỗi người mà thôi.
Cũng trong một bài kinh khác, Đức Phật định nghĩa về quả vị A la hán như sau: “Đoạn tận sáu pháp này, này các Tỳ kheo, có thể chứng ngộ quả A la hán. Thế nào là sáu? Mạn, ty mạn, quá mạn, tăng thượng mạn, cố chấp, ty liệt mạn.” Lại thêm một lần nữa ở đây, Đức Phật ngài đã nhấn mạnh về sự tu tập của hàng đệ tử và trú trọng đến cái tâm. Sáu pháp trên đây là một trong mười kiết sử, nó thuộc về pháp lậu hoặc, tất cả các pháp lậu hoặc làm chướng ngại ta trên bước đường Thánh quả. Nếu người xuất gia chế ngự được sáu pháp này hoàn toàn diệt trừ được các trói buộc, ra khỏi sanh tử luân hồi. Để vượt qua ba cõi, sáu đường không gì hơn người tu phải hành trì Giới luật của Đức Thế Tôn. Vì từ Giới sanh Định, từ Định sanh Tuệ. Bởi lẽ, trong các kinh có vô lượng pháp môn tu tập nhưng tựu chung đều nhằm hiển bài ba môn học: Giới – Định – Tuệ. Giới – Định – Tuệ như chiếc lưới dầu nhiều mắt vẫn có giềng mối để dễ tóm thâu, y cứ vài then chốt “Giới – Định – Tuệ” chúng ta sẽ dễ dàng thăng tiến trên lộ trình giác ngộ giải thoát. Như vậy, chúng ta thấy Đức Phật chẳng hề phân biệt nam hay nữ hoặc Tỳ kheo, Tỳ kheo ni nếu người xuất nào giữ đúng theo tinh thần Giới luật thì chứng quả A la hán.
Qua hai định nghĩa trên của Đức Phật cho chúng ta biết được một vị Tỳ kheo phải tu tập như thế nào để trở thành vị quả A la hán. Nhưng để làm sáng tỏ vấn đề về người nữ có thể chứng quả A la hán không? Chúng ta hãy tiếp tục tìm hiểu thêm về những bản kinh Đức Phật có đề cập đến người nữ dưới đây.
3. Quan điểm người nữ có thể chứng quả A la hán không
3.1. Quan điểm người nữ không chứng quả A la hán
Quan điểm người nữ không chứng quả A la hán được Đức Phật nói đến trong Kinh Trung A Hàm, bài Kinh Cù Đàm Di, Đức Phật nói với A Nan rằng: “Này A nan, có năm việc nữ nhân không làm được. Nếu nói rằng nữ nhân được thành Như Lai, bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, hoặc Chuyển Luân Vương, Thiên Đế Thích, Ma Vương hay Đại Phạm Thiên, thì điều này nhất định không thể có. Nhưng có năm việc nam nhân làm được. Nếu nói rằng nam nhân được thành Như Lai, bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, hoặc Chuyển Luân Vương, Thiên Đế Thích, Ma Vương hay Đại Phạm Thiên, thì điều này chắc chắn có thật”. Nội dung của đoạn kinh nêu trên Đức Phật đề cập đến năm điều mà người nữ không thể làm được và năm điều này người nam làm được, tức là không thể chứng quả như người nam. Muốn biết rõ về vấn đề này chúng ta tìm hiểu tiếp về đoạn kinh trong Nikaya.
Kinh Đa Giới như sau: “Sự kiện này không có xảy ra, không có hiện hữu, khi một nữ nhân có thể thành A la hán, Chánh Đẳng Giác”. Đọc qua đoạn kinh, có lẽ chúng ta thấy rất ngạc nhiên, vì Đức Phật đã hoàn toàn giải phóng chế độ kỳ thị giai cấp, trả lại cho người nữ đúng vị trí của mình và đem lại quyền lợi cho người nữ về mọi mặt trong cuộc sống. Nhưng trong bài Kinh Đa Giới này Đức Phật đều phủ nhận về quả vị tu chứng của người nữ. Nhưng sao vào thời đại của Ngài có rất nhiều Tỳ kheo ni chứng quả A la hán, nếu trong Tăng đoàn có mười vị Thánh Tăng, thì trong Ni đoàn cũng có mười vị Thánh Ni.
Như vậy, qua hai đoạn kinh vừa dẫn, Đức Phật đều nói người nữ không chứng được quả A la hán, quan điểm này có phải là của Đức Phật hay không? Ở đây, chưa thể nào khẳng định được, vì nó đi ngược lại chủ chương của đạo Phật. Vả lại, tương đương với kinh này, trong bản Hán tạng, Kinh Đa Giới trong Trung A Hàm lại không đề cập đến vấn đề này? Để xác minh được vấn đề này, chúng ta phải quay về quá khứ, cách đây hơn 25 thế kỷ, xã hội Ấn Độ lúc bấy giờ nền văn hóa còn hạn hẹp, vì vậy, chữ viết chưa được hình thành. Chính vì thế, những lời giảng dạy của Đức Thế Tôn khi còn tại thế, tất cả đều không được biên chép thành văn tự. Cho đến sau Đức Phật nhập Niết bàn 218 năm, lần kết tập kinh điển thứ ba, 4 bộ A Hàm và 5 bộ Nikaya mới được biên tập thành chữ viết. Như vậy, trước đó kinh điển chỉ được truyền thừa bằng khẩu và dùng ký ức để ghi nhớ. Do đó, sự truyền thừa bằng khẩu và dùng ký ức nghi nhớ, qua nhiều lần như thế thì chắc phải có sự thay đổi cũng như sự thêm vào hoặc bớt ra (tam sao thất bổn). Từ đó, có thể nhận định rằng hai đoạn kinh trên được người đời sau kết tập, vào thời điểm: một là xã hội lúc ấy tư tưởng trọng nam khinh nữ vẫn còn loe lói; hai là riêng bản thân của vị luận sư này xem thường khả năng của người nữ. Do đây, có thể là các vị ấy khi kết tập kinh điển tự ý thêm vào, chứ không phải đó là quan điểm của Đức Phật. Đây là sự nhận định riêng của người viết. Để xác định người nữ có chứng quả A la hán không, chúng ta tìm hiểu thêm vài bài kinh có liên quan đến người nữ ở phần tiếp theo.
3.2. Quan điểm người nữ có thể chứng quả A la hán
Quan điểm người nữ có chứng quả A la hán trong Kinh Tăng Nhất A Hàm, Đức Phật dạy: “Bậc đệ tử Hiền Thánh, dứt hết hữu lậu, thành tựu vô lậu, tâm giải thoát, trí huệ giải thoát, ở trong hiện pháp tự vui thích, sanh tử đã dứt, phạm hạnh đã lập, việc làm đã xong, không còn tái sanh, như thật mà biết, giống như cây kia trổ hoa đầy đủ”.
“Bấy giờ, hương giới đức của bậc đệ tử Hiền Thánh bay khắp bốn phương, ai cũng khen ngợi. Trong bốn tháng vui chơi là dạo tâm ở Tứ thiền, đầy đủ hạnh bổn. Thế nên, các Tỳ kheo! Hãy tìm phương tiện thành tựu hương giới đức. Như thế, các Tỳ kheo, hãy học điều này”. Đức Phật ngụ ý dạy rằng: Ai thành tựu được giới đức thì sẽ được chứng quả. Đức Phật không nói riêng ai.
Trong Kinh Trung A Hàm, Ngài A Nan hỏi Phật: “Không biết nữ nhân sau khi xuất gia, từ bỏ gia đình… có thể chứng được quả Dự lưu, quả Nhất lai, quả Bất lai hay quả A la hán không?” Đức Phật đã xác định điều này như sau: “Này Ananda, sau khi xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình trong Pháp và Luật do Như Lai thuyết giảng, nữ nhân có thể chứng được Dự lưu quả, Nhất lai quả, Bất lai quả hay A la hán quả”. Vấn đề người nữ có thể chứng quả A la hán không, thời đó không phải chỉ có A Nan thắc mắc mà cũng có một số người đồng thắc mắc. Do đó, du sĩ ngoại đạo Vacchagotta cũng đến hỏi Đức Phật: “Ngoài các Tỳ kheo, Đức Phật có một vị Tỳ kheo ni đệ tử nào đã đoạn trừ các lậu hoặc, chứng đạt thắng trí ngay trong hiện tại không?” Đức Phật trả lời: “Này Vaccha không phải chỉ một trăm, hai trăm, ba trăm, bốn trăm, năm trăm mà còn nhiều hơn thế nữa là những Tỳ kheo ni, đệ tử của ta, đã đoạn trừ các lậu hoặc, với thượng trí tự mình chứng ngộ, chứng đạt và an trú ngay trong hiện tại, vô lậu tâm giải thoát và tuệ giải thoát”. Qua ba đoạn kinh vừa dẫn ở trên, qua lời bạch hỏi của A Nan và du sĩ ngoại đạo Vacchagotta, Đức Phật đều khẳng định rằng, nếu người nữ sau khi từ bỏ gia đình, sống trong Pháp và Luật của Như Lai thuyết, cũng như đoạn tận các lậu hoặc thì vị ấy có thể chứng ngộ A la hán và đạt được vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát.
Như vậy, người phụ nữ có khả năng chứng đắc quả vị giải thoát điều này không còn nghi ngờ gì nữa, chính Đức Phật đã xác định điều này qua hai đoạn kinh vừa nêu trên. Do đó, chúng ta có thể khẳng định rằng trên phương diện khả năng cũng như quả vị tu chứng, người phụ nữ không hề thấp kém hơn người nam. Người nữ cũng tự giải thoát họ ra khỏi những trói buộc vô cùng tận, của vòng luân hồi và đưa họ đến hạnh phúc trường cửu của Niết bàn. Phật giáo đã tạo điều kiện cho người nữ có chỗ đứng vững vàng về mọi mặt trong đời sống, thường nhật cũng như về mặt tâm linh, từ đó nhằm đánh đổ quan niệm cổ truyền, trong tầng lớp xã hội Ấn Độ thời bấy giờ. Tư tưởng đạo Phật cho rằng, không có sự phân biệt về giới tính trong mức độ chứng đắc Thánh quả hay mức độ phát triển tinh thần, cấp độ chứng đắc Thánh quả của nữ giới không khác với những gì mà nam giới đạt được. Điều này được Đức Phật thể hiện ở Kinh Pháp Hoa, phẩm “Trì” thứ mười ba đoạn này Đức Phật nói với bà Gia Thâu Đà La: “Ngươi ở đời sau trong pháp hội trăm nghìn muôn ức Đức Phật, tu hạnh Bồ tát, làm vị Pháp sư, lần lần đầy đủ Phật đạo, ở trong cõi Thiện Quốc sẽ đặng thành Phật, hiệu là Cụ Túc Thiên Vạn Quang Tướng Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhơn Sư, Phật Thế Tôn. Phật đó sống lâu vô số kiếp”. Cùng trong phẩm này, Đức Phật cũng thọ ký cho bà Kiều Đàm Di trong đời sau sẽ thành Phật, có đầy đủ mười danh hiệu, sống lâu vô số kiếp. Ở đây, chúng ta thấy Đức Phật đã thọ ký cho bà Kiều Đàm Di, bà Gia Thâu Đà La trong đời sau sẽ thành Phật, đầy đủ mười danh hiệu thọ mạng lâu dài. Thế Tôn có mười danh hiệu, người nữ sau khi thành Phật cũng có mười danh hiệu như Ngài. Điều này chứng tỏ rằng trong giáo lý nhà Phật một khi có sự quyết tâm tu tập thì kết quả đạt được như nhau.
Chẳng những đợi đến đời sau mà ngay trong hiện tại người nữ cũng thành Phật trong chớp mắt, điển hình như Long Nữ. Việc Long Nữ dâng châu báu cho Đức Phật, được Ngài nạp thọ, Long Nữ thoạt nhiên biến thành nam tử, đầy đủ hạnh Bồ tát và thành bậc Chánh đẳng Chánh giác, vì tất cả chúng sanh mà giáo hóa mười phương. Điều này cho thấy rằng Long Nữ là nữ, nhưng quyết tâm tu tập xả bỏ tất cả các pháp thế gian thì ngay trong hiện tại cũng được thành Phật. Cho nên, thành Phật không có tướng nam nữ, nếu ai nhận ra thật tướng và sống được với Phật tâm chính mình thì là Phật. Mê tâm là chúng sanh, giác tâm là Phật vậy.
Điểm qua các đoạn kinh, ta thấy Đức Phật xác định người nữ chứng quả A la hán, rồi lần lược Ngài thọ ký cho các Tỳ kheo ni sẽ thành Phật trong đời sau và cuối cùng thì người nữ thành Phật trong hiện tại đời này. Ở đây, theo sự nhận định của người viết, quan điểm nội dung trên chính là của Đức Phật không còn nghi ngờ gì nữa, bởi nó phù hợp với quan điểm giác ngộ giải thoát của Đức Phật: “Không có giai cấp, trong dòng máu cùng đỏ, nước mắt cùng mặn. Mỗi người sanh ra đều có Phật tánh và có thể thành Phật”. Thế Tôn khẳng định Phật tánh vốn có sẵn từ lâu trong con người, cần quay trở về gốc để được thành tựu quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Như vậy, có thể chứng minh rằng: Những kinh thuộc văn bản Hán tạng thuộc kinh điển Đại thừa có quan điểm phù hợp với giáo lý Đức Phật thời Nguyên thủy rất nhiều, không phải là kinh ngụy tạo.
Đức Thế Tôn là người đầu tiên và duy nhất đã mở ra con đường giải thoát cho phụ nữ, chứng minh phụ nữ có khả năng giác ngộ, trong việc tu học theo Ngài. Ngoài việc Đức Phật tạo điều kiện cho người nữ tu tập để thành tựu giác ngộ và giải thoát, còn mang ý nghĩa kêu gọi xã hội bình đẳng về giới tính, xóa bỏ thái độ “trọng nam khinh nữ” đưa hàng phụ nữ ra khỏi những ràng buộc, áp bức khổ đau, tủi nhục, do quan niệm sai lầm của xã hội và con người ở đó đã tạo nên.
III. KẾT LUẬN
Như vậy, truyền thống văn hóa xã hội Ấn Độ phân chia giai cấp và đặt nặng tư tưởng trọng nam khinh nữ vào thời ấy, đã bị Đức Phật đánh đổ trên phương diện xã hội cũng như trong tôn giáo. Ngài đã làm một cuộc cách mạng quan trọng để giải thoát con người ra khỏi mọi sự khổ ách, đưa vị trí của nữ giới ra khỏi những tư tưởng áp bức cố hủ và đã nâng cao địa vị của họ trong xã hội, để họ có thể hưởng được quyền lợi của mình như mọi người. Phương diện xã hội trong gia đình Đức Phật dạy chồng vợ phải có bổn phận và quyền hạng như nhau, chồng phải yêu thương chiều chuộng và tốn trọng vợ, người vợ cũng đối với chồng như thế, con cái phải hiếu kính mẹ cha như cung kính các vị Tỳ kheo dâng thức ăn và phẩm vật. Quan trọng hơn là về mặt tôn giáo, Ngài tạo điều kiện cho người nữ xuất gia, gia nhập Tăng đoàn, có cơ hội học Phật pháp, tu tập để thành tựu giác ngộ và giải thoát.
Hình ảnh Ni giới được tu học và thành tựu đạo quả trong đạo Phật cho thấy Phật giáo là một Tôn giáo đi đầu trong việc đề xướng bình đẳng giới, đả phá quan điểm “trọng nam khinh nữ”. Đức Thế Tôn là người đầu tiên đòi quyền lợi cho giới nữ, đưa vị trí giới nữ ngang bằng nam giới. Qua đó, chúng ta có thể khẳng định rằng Đức Phật là người thành công mĩ mãn trong việc đánh đổ sự ấn định giai cấp bất công, phi lý của giai cấp Bà La Môn giáo, và tư tưởng trọng nam khinh nữ ở xã hội Ấn Độ thời đó, để thiết lập nên một xã hội bình đẳng, tình người, công bằng, nhân đạo và hợp lý. Đây là một cuộc cách mạng lớn lao của Đức Phật tạo đặc quyền cho người phụ nữ trong việc nỗ lực tu tập phát huy những bản chất cao quý và trí tuệ của mình.
Theo: Nigioivietnam.vn
—-
- Thích Thanh Từ (2000), Nền tảng của đạo Phật trọn một đời tôi, NXB. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh.
- hích Tuệ Nhật (2017), Luận văn Thạc sĩ Thiền phái Trúc Lâm thời hiện đại, TP. Hồ Chí Minh.
- Nhiều tác giả (2016), Kỷ yếu 50 năm Thiền viện Chơn Không, NXB. Tôn giáo, Hà Nội.
- Nhiều tác giả (2007), Viên Chiếu ba mươi năm, NXB. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh.
- Nhiều tác giả (2014), Viên Chiếu bốn mươi năm, NXB. Hồng Đức.
- Thích Đạt Ma Quán Hiền (2013), Thiền tông Việt Nam trên đường phục hưng và hoằng hóa, NXB. Tôn giáo, Hà Nội.
- Tỳ kheo ni Như Đức (2009), Lược sử Ni giới Bắc tông Việt Nam, NXB. Tôn giáo, Hà Nội.
- Nhiều tác giả (2014), Viên Chiếu bốn mươi năm, NXB. Hồng Đức.
- Thích Minh Châu (2005), Trường Bộ I, NXB. Tôn giáo, Hà Nội, tr. 502.
- http://www.thuongchieu.net/index.php/thienvien/2-uncategorised/365-thien-vien-vien-chieu
Thư mục tham khảo
1. Thích Thiện Siêu (1992), Kinh Trung A Hàm III, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam.
2. Thích Thanh Từ (2005), Kinh Tăng Nhất A Hàm II, NXB. Tôn giáo, Hà Nội.
3. Thích Trí Tịnh (2009), Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, NXB. Tôn giáo, Hà Nội.
4. Thích Minh Châu (2012), Kinh Trung Bộ I, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam.
5. Thích Minh Châu (2012), Kinh Trung Bộ II, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam.
6. Thích Minh Châu (1988), Kinh Tăng Chi Bộ Kinh I, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam.
7. Thích Minh Châu (1988), Kinh Bộ Tăng Chi II, NXB. Tôn giáo, Hà Nội.
8. Thích Minh Châu (1988), Kinh Bộ Tăng Chi III, NXB. Tôn giáo, Hà Nội.
9. Thích Hạnh Bình (2013), Những vấn đề cốt lõi Kinh Tương Ưng, NXB. Tủ sách Tuệ Chủng, TP.HCM.
10. Thích Viên Trí (2009), Ấn Độ Phật giáo sử luận, NXB. Phương Đông.
11. Thích Hạnh Bình (2010), Đức Phật những vấn đề thời đại, NXB. Phương Đông.
12. Thích Thiện Hoa (2007), Phật học Phổ thông, NXB. Tôn giáo, Hà Nội.
13. Thích Giác Dũng (2004), Phật Việt Nam Dân tộc Việt Nam, NXB. Tôn giáo, Hà Nội.