Luân hồi tái sinh đầu thai chuyển kiếp (kỳ 2)
Có bao giờ bạn trải qua một cảm giác là dường như “đã từng nhìn thấy” hay “đã từng ở” một nơi mà cả đời bạn chưa từng biết tới hay chưa? Nhiều nhà khoa học khẳng định rằng chúng ta đã từng trải qua nhiều tiền kiếp trong quá khứ, và sẽ còn những kiếp sau. Dưới đây là một số trường hợp được nghiên cứu bởi các chuyên gia về lĩnh vực Luân hồi.
–> bài trước: Luân hồi tái sinh đầu thai chuyển kiếp (kỳ 1)
Trường hợp 1
Arnall Bloxham là nhà thôi miên nổi tiếng người xứ Wales sống giữa những năm 1970, là chủ tịch Hội các nhà thôi miên Anh quốc. Ông đã sử dụng thuật thôi miên để chữa bệnh, hoặc giúp người ta loại bỏ được những thói quen xấu chẳng hạn như hút thuốc. Bằng cách thôi miên, Bloxham có thể giúp một người nhớ lại được thời điểm khi mới sinh ra, và thậm chí trước thời điểm đó. Trong 20 năm, ông đã thôi miên vài trăm người và đã ghi lại những miêu tả về các kiếp trước của họ.
Những gì diễn ra trong các cuộc thôi miên này làm đảo lộn những quan niệm truyền thống về sự sống. Những người được thôi miên có thể thuật lại, một cách tường tận chi tiết, về cuộc đời của những người đã từng sống hàng trăm năm trước.
Bloxham đã ghi âm hơn 400 cuộn băng thu lại lời kể về các cuộc đời trước của những người này trong các cuộc thôi miên. Hơn nữa, nhiều sự việc đã được ghi lại một cách rất chi tiết, sau đó được kiểm tra lại trong thực tế, và kết quả đều đúng như những gì họ mô tả. Theo Bloxham, tất cả những điều đó đã chứng minh rõ ràng rằng: Luân hồi là có thật.
Một trong những trường hợp nổi tiếng nhất mà Arnall Bloxham đã ghi lại là trường hợp của Jane Evans. Vào năm 1971, khi cô thấy một tấm biển có dòng chữ: “Arnall Bloxham nói rằng bệnh thấp khớp là do tâm lý” cô đã rất ngạc nhiên để ý. Jane là một bà nội trợ xứ Wales 32 tuổi mắc bệnh viêm khớp, đã quyết định tìm cách liên hệ với chủ nhân của tấm biển ấy. Cuối cùng cô đã liên lạc được với Arnall Bloxham nhờ một người bạn của chồng cô. Qua các cuộc thôi miên, cô đã nhớ lại được 6 cuộc đời trước đây của mình. Cô đã từng là: Vợ của một gia sư vào thời La Mã; Một người Do Thái bị tàn sát vào thế kỷ thứ 12 ở thành phố York, nước Anh; Người hầu của một thương gia giàu có thời trung cổ ở Pháp; Một tỳ nữ của nữ hoàng Catherine của xứ Aragon (ngày nay thuộc Tây Ban Nha); Một nông dân nghèo ở Luân Đôn dưới thời cai trị của nữ hoàng Anne; Và là một nữ tu sĩ ở Mỹ vào thế kỷ 19.
Câu chuyện của Jane Evans và vài trường hợp luân hồi khác đã được công bố trong cuốn sách tựa đề “Nhiều Hơn Một Kiếp?” của nhà sản xuất truyền hình BBC – Jeffrey Iverson. Vào năm 1975, để kiểm nghiệm lý thuyết Luân hồi, Iverson đã xin phép Jane để Bloxham thôi miên cô một lần nữa, lần này là trước các máy quay phim và máy thu thanh của truyền hình BBC.
Iverson đã nghiên cứu kỹ lưỡng về những cuộc đời mà Jane kể lại, và đã xác minh rằng những cuộc đời đó là có thực và các chi tiết được mô tả là chính xác. Cuối cuốn sách, ông nói thành quả 20 năm nghiên cứu của Bloxham đã cho thấy sự luân hồi là một hiện tượng thực tế khách quan. Ông còn sản xuất một cuốn phim tài liệu BBC, có tên “Những cuốn băng ghi âm của Bloxham” dựa trên các tài liệu này.
Trường hợp 2
Bác sỹ Arthur Guirdham (1905-1992) là một nhà vật lý, bác sỹ tâm thần học, đồng thời là một nhà văn. Ông đã viết nhiều cuốn sách về các Phương pháp trị liệu thay thế, về Tri giác ngoại cảm và về Luân hồi. Ông từng sống tại Workington, Cumberland, và tốt nghiệp tại trường đại học Oxford, Anh quốc.
Bác sỹ Authur Guirdham ghi lại nhiều trường hợp luân hồi mà ông đã gặp trong những cuốn sách của mình, “Chúng ta là người khác,”“Những người Cathars và sự Luân hồi”, “Một bàn chân trên cả hai thế giới”. Ông cũng khẳng định rằng mình đã từng là một người theo tín ngưỡng Cathars trong những kiếp trước. Cathars là tín ngưỡng đã tồn tại ở khu vực Languedoc thuộc Tây Nam nước Pháp vào thế kỷ thứ 13.
Trong cuốn sách “Những người Cathars và sự Luân hồi” xuất bản năm 1970, bác sỹ Guirdham đã kể lại tình huống kỳ lạ đã khiến ông bắt đầu quan tâm nghiên cứu sự Luân hồi. Năm 1962, ông làm công việc của một bác sỹ tâm thần tại khu dành cho bệnh nhân ngoại trú của bệnh viện. Một ngày nọ, bệnh nhân của ông là một phụ nữ có tên thường gọi là Smith, nghi mắc bệnh động kinh. Người phụ nữ này gặp một cơn ác mộng tái diễn nhiều lần từ hồi còn bé. Trong khoảng thời gian đi bệnh viện ấy cô bị những 2 hoặc 3 lần một tuần. Cơn ác mộng đó rất rõ ràng, là về một cuộc đời của cô vào thế kỷ 13 tại Toulouse, Pháp, trong một gia đình quen thân với một thầy tu tên Rogiet de Cruisot. Khi ấy cô là một cô gái nông dân. Cô đã bị thiêu sống trên cột, còn Rogiet de Cruisot thì bị bắt và chết ở trong tù.
Mặc dù bác sỹ Guirdham vẫn giữ bình tĩnh, nhưng ông vô cùng kinh ngạc bởi chính ông cũng bị một cơn ác mộng giống y như vậy ám ảnh suốt hơn 30 năm qua, chỉ có khác là ông không biết được tên của người đàn ông đó mà thôi. Nhưng ông không nói gì với bệnh nhân. Lạ kỳ thay, từ đó trở đi cô không gặp ác mộng trở lại nữa, rồi cả bác sỹ Guirdham cũng thoát khỏi cơn ác mộng dai dẳng ấy.
Mặc dù vậy họ vẫn tiếp tục gặp nhau. Bác sỹ Guirdham chắc chắn nữ bệnh nhân này không có vấn đề về tâm thần và những hiểu biết về quá khứ của cô làm ông tò mò. Sau đó cô cho ông một danh sách tên của những người mà cô nói là đã sống vào thế kỷ 13 và mô tả những gì đã từng xảy ra với họ. Cô cũng nói với bác sỹ Guirdham rằng, ông cũng sống vào lúc đó và chính là Rogiet de Cruisot.
Là một bác sỹ tâm thần, bác sỹ Guirdham đã từng biết qua về hiện tượng luân hồi, nhưng không mấy quan tâm. Tuy nhiên, lần này ông thực sự tò mò, và quyết định bắt đầu nghiên cứu. Ông khám phá ra rằng những cái tên mà người nữ bệnh nhân ấy cung cấp quả thật chính xác, mặc dù những người đó chỉ được nhắc đến sơ sài trong các ghi chép lịch sử từ thời Trung cổ. Tuy nhiên, những ghi chép này được viết bằng tiếng Pháp chứ chưa bao giờ được dịch sang tiếng Anh. Ông đã xác nhận rằng, quả thực có một người đàn ông tên là Rogiet de Cruisot đã bị giết vào năm 1242. Các chi tiết về gia đình từng quen thân với ông ta cũng hoàn toàn khớp. Hơn thế nữa, tất cả những ghi chép riêng của bà Smith chứa nhiều thông tin về các tín đồ và tín ngưỡng Cathar – mà cho đến lúc ấy vẫn chưa học giả nào biết tới – về sau này đã được kiểm chứng là hoàn toàn chính xác.
Tín ngưỡng Cathar rất hưng thịnh ở miền Nam nước Pháp và miền Bắc nước Ý vào thời Trung cổ. Các tín đồ Cathar tin vào sự luân hồi. Theo thời gian, bác sỹ Guirdham đã gặp được thêm nhiều người nữa, tổng cộng 11 người. Thật đáng kinh ngạc, tất cả họ đều có ký ức tiền kiếp rất khớp nhau, cho thấy rằng họ đã cùng chung sống trong một nhóm tín đồ Cathar hàng trăm năm trước.
Bác sỹ Guirdham cho biết: Không có đối tượng nào đã được gây mê hoặc thôi miên; những cái tên và các sự kiện quá khứ chỉ đơn thuần xuất hiện trong trí nhớ của họ. Ông cũng công bố một trong những bằng chứng đáng chú ý nhất mà ông thu thập được. Đó là một tập tranh vẽ của một cô bé 7 tuổi, trong đó có những hình vẽ về một thời quá khứ. Tập tranh vẽ cũng viết nhiều tên tuổi các tín đồ Cathar. Quá kinh ngạc, bác sỹ Guirdham nói, “Tôi không thể tưởng tượng nổi, làm sao một đứa trẻ 7 tuổi có thể biết những cái tên này, trong khi tôi chắc rằng không có nhà sử học về thời trung cổ nào ở Anh quốc vào lúc đó biết về những người này”.
Những ký ức, tên tuổi và các mối liên hệ rõ ràng đã khiến bác sỹ Arthur Guirdham buộc phải tin rằng ông và nhóm của ông đã cùng nhau sống chung, không chỉ một, mà vài đời trước đó. Ông đã nói, “Với 40 năm kinh nghiệm trong y học, hoặc là tôi biết được sự khác nhau giữa khả năng siêu nhiên và bệnh tâm thần phân liệt, hoặc là chính tôi bị tâm thần. Không ai trong nhóm tôi khùng cả – và cũng không có bạn đồng nghiệp nào của tôi cho rằng tôi mất trí”.
Trường Hợp 3
Giáo sư Bác sỹ Ian Stevenson, thuộc khoa tâm thần học tại Đại Học Virginia là một trong những nhà nghiên cứu hàng đầu thế giới về lĩnh vực Luân hồi (xem phần 1). Ông đã đi khắp thế giới để điều tra nghiên cứu những báo cáo khác nhau về sự luân hồi và đã phát minh ra phương pháp kiểm chứng khắt khe nhằm loại trừ sự gian lận, hiện tượng tiềm ký ức, v.v… Trong 200 trường hợp nghi vấn luân hồi, chỉ có 20 trường hợp qua được chế độ kiểm tra kỹ lưỡng của bác sỹ Stevenson. Có 7 trường hợp xảy ra tại Ấn Độ, 3 trường hợp ở Sri Lanka, 2 trường hợp ở Brazil, 1 trường hợp ở Lebanon và 7 trường hợp của những người da đỏ ở Alaska, Hoa Kỳ.
Ở đây đơn cử trường hợp của bé gái rất nhỏ, sinh năm 1956 tại miền trung Sri Lanka tên là Gnantilleka Baddewithana. Ngay sau khi cô bé bắt đầu tập nói, cô đã bắt đầu nhắc đến cha mẹ khác, hai anh trai và nhiều chị gái khác của mình ở một nơi khác.
Từ những chi tiết mà cô bé diễn tả, cha mẹ mới của cô đã tìm thấy một gia đình tại thị trấn cách đó không xa. Họ biết được rằng gia đình này đã mất một đứa con trai vào năm 1954. Khi Gnantilleka được đưa đến thăm họ, cô bé nói mình chính là đứa con trai đã mất của họ và đã nhận diện rất chính xác 7 thành viên trong gia đình của người đã khuất. Cho đến tận lúc đó, hai gia đình chưa bao giờ gặp nhau, thậm chí chưa từng đến thăm thị trấn của nhau.
Những người hoài nghi có thể phớt lờ và cho sự Luân hồi là ảo tưởng, trong khi những người không tin sự Luân hồi có thể cho là mê tín dị đoan vô căn cứ.
Từ thời xa xưa, Phật gia và Đạo gia; Do Thái giáo, Hồi giáo, Ấn Độ giáo… đã luôn giảng về sự luân hồi. Họ hiểu rõ mối liên hệ giữa nhân và quả. Họ tin rằng nhân cách của một người trong cuộc đời và tất cả những việc làm tốt hay xấu của người ấy đều được ghi lại. Tính cách sẽ được lưu giữ tới kiếp sau, sướng khổ đời sau sẽ tương xứng với việc làm của kiếp trước. Tri thức của những chủng người cổ xưa vốn chưa thể đo lường được, và chúng ta chỉ có thể sống thật tốt mà thôi.
(còn tiếp)
Minh Trí – tin 180.com
(Theo pureinsight.org)